Lần đầu tiên tỉnh Bình Định giao chỉ tiêu đầu tư, phát triển cho từng khu, cụm công nghiệp

Ngày 12/1, UBND tỉnh Bình Định cho biết vừa tổ chức Hội nghị công bố Quyết định giao chỉ tiêu đầu tư, phát triển năm 2024 đối với các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Đây là lần đầu tiên tỉnh này giao chỉ tiêu đầu tư, phát triển cho từng khu, cụm công nghiệp trong tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bình Định, đến năm 2030, toàn tỉnh có 15 khu công nghiệp, tổng diện tích trên 7.539 ha; 68 cụm công nghiệp, tổng diện tích trên 3.470 ha.

Trong đó, quý I/2024, KCN Hòa Hội phải hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1; đến năm 2025, KCN Becamex VSIP Bình Định đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đảm bảo điều kiện thu hút đầu tư từ 30 - 40% diện tích KCN; KCN Hòa Hội triển khai đầu tư giai đoạn 2.

Hội nghị công bố Quyết định giao chỉ tiêu đầu tư, phát triển năm 2024 đối với các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định

Các doanh nghiệp đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, mời gọi đầu tư vào KCN, xây dựng tiến độ và cam kết thời gian lấp đầy KCN, phấn đấu hàng năm thu hút từ 10 - 15 dự án; thực hiện công khai, minh bạch trong công tác xúc tiến đầu tư. Đến năm 2025, KCN Nhơn Hòa, Nhơn Hội A, Hòa Hội (giai đoạn 1) cơ bản lấp đầy.

Đối với cụm công nghiệp, tập trung đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, ít nhất mỗi địa phương từ 20 - 30 ha/năm; thu hút và ưu tiên các doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng từ 8 - 10 cụm công nghiệp. Chủ đầu tư lập kế hoạch, tổ chức thực hiện xúc tiến đầu tư và thu hút ít nhất 2 dự án/năm hoặc lấp đầy tối thiểu 30% diện tích đất công nghiệp trở lên. Số lượng cụm công nghiệp, hoạt động có công trình bảo vệ môi trường đến năm 2025 đạt 100%.

Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh, các Quyết định chỉ tiêu giao cho 31 doanh nghiệp, ban quản lý là Chủ đầu tư các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh là những chỉ tiêu cơ bản chính phải thực hiện.

UBND tỉnh đã cụ thể hóa các quy định của pháp luật để các DN thực hiện trên phương diện cùng nhau hợp tác phát triển. Mục tiêu của tỉnh là phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hướng đồng bộ, bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng các Khu, cụm công nghiệp phải định giá cho thuê đất gắn với kết cấu hạ tầng, các loại phí sử dụng hạ tầng phù hợp và đăng ký với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh theo quy định của pháp luật, đảm bảo công khai minh bạch, tuân thủ quy định.

Đây là yêu cầu quan trọng để tránh tình trạng các chủ đầu tư các Khu, cụm CN cho nhà đầu tư thứ cấp thuê đất với giá cao, làm “nản lòng” các nhà đầu tư và quan trọng hơn là lãng phí tài nguyên đất đai mà tỉnh đã giao cho các chủ đầu tư hạ tầng các khu, cụm CN.

“Phải làm bài bản, nghiêm túc mới tồn tại được. Nếu không, thanh kiểm tra vào phát hiện sai phạm, rất nguy hiểm. Còn doanh nghiệp bị thu hồi cũng chịu thiệt thòi, việc này phải hiểu để làm”, ông Tuấn nói.

Theo Chủ tịch Bình Định, hiện nay, theo chỉ đạo của tỉnh, tất cả các doanh nghiệp cơ bản không làm ngoài, phải đưa hết vào cụm, khu công nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay tỷ lệ lấp đầy cụm công nghiệ̣p còn quá lâu, có tình trạng nhận xong để đấy, không làm. Hạ tầng trong khu, cụm công nghiệp cũng làm rất chậm, có nơi không làm. Thậm chí, có doanh nghiệp "xí" đất xong để đấy rồi sang nhượng lại để kiếm tiền chênh lệch. Ông Tuấn gọi đây là “điều nghiêm cấm” và sắp tới sẽ xử lý nghiêm.

Ngoài ra, một số cụm công nghiệp, khi tỉnh mời gọi nhà đầu tư về, lãnh đạo tỉnh, sở ngành địa phương cầu thị xuống tận nơi. Bên ngoài “miệng thì bảo đồng ý”, nhưng sau đó lại “xà quần” với doanh nghiệp, khiến họ bỏ đi, không làm nữa. Những trường hợp này, sắp tới kiên quyết thu hồi.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, vấn đề về giá được đẩy lên cao hơn so với thực tế, dẫn đến việc khó thu hút đầu tư.

Hầu hết việc quản lý khu, cụm công nghiệp, sau khi thu hút được doanh nghiệp, cũng xuất hiện nhiều vấn đề, chỉ trừ khu công nghiệp Becamex là được đầu tư, bài bản.

Ngoài ra, với điều kiện như hiện tại, Bình Định không có khả năng phát triển thêm khu, cụm công nghiệp. Do đó, sau khi giao chỉ tiêu đầu tư, tỉnh sẽ phải báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương để trình phương án quản lý, làm căn cứ để cho tỉnh mở thêm khu, cụm công nghiệp.

Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định

"Sẽ tập trung vào tỷ lệ lấp đầy, thu hút đầu tư, vấn đề về hạ tầng, môi trường và đặc biệt là giá thuê để đưa vào kê khai giá, ngăn tình trạng các đơn vị quản lý về khu, cụm công nghiệp lợi dụng thu hút đầu tư để nâng giá, sau đó thì không thu hút được doanh nghiệp”, ông Tuấn yêu cầu.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định nhận định, phải làm thật nghiêm quy chế quản lý trong khu, cụm công nghiệp. Các đơn vị phải tự điều chỉnh, trước khi tỉnh xuống xử lý.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh quản lý các khu công nghiệp, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp hoạt động. UBND xã, huyện phải vào cuộc để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Trong chỉ tiêu giao kế hoạch tỉnh giao cho các địa phương có chỉ tiêu giải phóng mặt bằng, nếu không hoàn thành sẽ bị xử lý.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định mong muốn các nhà đầu tư quan tâm, giúp đỡ hai huyện còn gặp nhiều khó khăn là An Lão và Hoài Ân triển khai, đầu tư thêm các cụm, khu công nghiệp tại địa bàn này, để hai huyện từng bước thu hẹp khoảng cách với các địa phương khác.

Đức Hồ

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/lan-dau-tien-tinh-binh-dinh-giao-chi-tieu-dau-tu-phat-trien-cho-tung-khu-cum-cong-nghiep-413444.html