Dân TP.HCM 'ngóng' được chuyển đổi đất đai, thoát quy hoạch treo

TP. HCM cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất khác sang đất ở kỳ vọng sẽ gỡ vướng cho đất quy hoạch 'treo' lâu nay.

“Khổvì quy hoạch treo

Ông Nguyễn Thông (ngụ Q.4, TP. HCM) cho biết, mình có hơn 1.000 m2 đất tại P. Phú Thuận – Q. 7 nhưng gần 8 năm nay không thể chuyển mục đích sử dụng đất, không thể tách thửa vì khu đất nằm trong quy hoạch đất hỗn hợp gồm công viên, giao thông, đất ở mặc dù khu đất nằm lọt thỏm trong khu dân cư hiện hữu. Việc khu đất nằm trong quy hoạch đã khiến ông không thể xây nhà, cũng không bán nổi.

"Việc đất dính quy hoạch “treo” không chỉ làm hạn chế các quyền cơ bản của gia đình tôi mà hệ lụy của nó là để hoang hóa, lãng phí. Ai cũng biết đồ án quy hoạch trên là không khả thi, khó có thể thực hiện được vì nó đã tồn tại hàng chục năm, nhưng không ai quan tâm cả. Gia đình tôi cần được chuyển đổi mục đích sang đất ở để an cư lập nghiệp", ông Thông bức xúc chia sẻ.

Người dân sinh sống tại Bình Quới – Thanh Đa "ngán ngẩm" với quy hoạch "treo" nơi đây

Người dân sinh sống tại Bình Quới – Thanh Đa "ngán ngẩm" với quy hoạch "treo" nơi đây

Khi nhắc về cuộc sống của người dân nằm trong khu quy hoạch treo của dự án Bình Quới – Thanh Đa, thì chắc chẳng còn ai xa lạ với câu chuyện “nông thôn giữa lòng thành phố”, hiện nơi đây có hơn 3.000 hộ dân với khoảng 45.000 nhân khẩu. Ngoài một số hộ dân kinh doanh, buôn bán ở dọc trục đường Bình Quới thì khi đi sâu bên trong bán đảo, đặc biệt là khu vực ven sông, đa số người dân vẫn lam lũ với nghề trồng lúa, chăn bò, nuôi cá…

Điều đáng nói, khác với các khu vực nông thôn khác là người dân có thể xây dựng nâng cấp, làm lại căn nhà mình, thì người dân Bình Quới - Thanh Đa lại chẳng thể tự ý làm gì trên mảnh đất của mình.

Ông Đinh Văn Tới, một người dân ở đây cho hay, suốt quãng thời gian dài, gia đình ông chỉ biết ngóng sự thay đổi của chính sách vì nhà cửa hư hỏng, xuống cấp nhưng không thể xây mới. “30 năm qua, chúng tôi đã ngán ngẩm với 3 từ “quy hoạch treo”. Chúng tôi rất muốn được gỡ vướng để chuyển đổi sang đất ở”, ông Tới đề nghị.

Theo ý kiến của các phòng ban chuyên môn của nhiều quận, huyện, vướng mắc nhất hiện nay Đồ án quy hoạch phân khu của Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) chưa xác định cụ thể vị trí từng loại chức năng đất, nơi nào là đất ở, nơi nào là đất công viên cây xanh, nơi nào đất giao thông, nơi nào đất y tế - giáo dục... Chính vì vậy chưa đủ cơ sở xác định sự phù hợp với quy hoạch được duyệt tại từng lô đất thuộc các ô phố quy hoạch đất sử dụng hỗn hợp và đất nhóm nhà ở ngắn hạn, dài hạn (dân cư xây dựng mới). Điều này đã gây thiệt hại, bức xúc cho những hộ dân có đất ở bị dính trong các đồ án quy hoạch tại TP. HCM.

Tại quận Bình Tân, theo thống kê có tổng cộng 155 khu đất đang được quy hoạch với 2 chức năng là đất dân cư xây dựng mới và đất hỗn hợp, với quy mô hơn 341 ha. UBND Q. Bình Tân thừa nhận việc giải quyết các nhu cầu của người dân trong 2 chức năng quy hoạch này hiện đang rất hạn chế.

Đại diện Phòng Quản lý Đô thị quận lý giải, hiện trong Luật Đất đai không có khái niệm về đất dân cư xây dựng mới và đất hiện hữu mà quy định đã là đất phù hợp quy hoạch sẽ được chuyển mục đích sử dụng đất. Đất dân cư xây dựng mới bản chất là đất ở hình thành nên quận kiến nghị cho chuyển mục đích nếu phù hợp quy hoạch và cấp phép xây dựng chính thức cho các trường hợp này.

Đại diện UBND huyện Hóc Môn cũng kiến nghị cần giải quyết thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất đối với khu vực đất dân cư xây dựng mới, đất ở dài hạn tương tự các khu vực quy hoạch đất dân cư hiện hữu, đất ở hiện trạng nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

UBND quận 6 đã nhiều lần có văn bản kiến nghị UBND TP, Sở QH-KT xóa chức năng quy hoạch đất ở xây dựng mới, điều chỉnh chức năng sử dụng đất thành nhóm nhà ở hiện trạng (đối với khu vực chưa có quy hoạch chi tiết 1/500) là phù hợp với luật Quy hoạch đô thị.

Sớm gỡ vướng cho người dân

Đại diện Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) TP. HCM thừa nhận, khó khăn chung của các quận, huyện hiện nay trong việc áp dụng quy hoạch đô thị để giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất khác sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân do chưa có cơ sở để xác định vị trí quy hoạch đất.

Vị đại diện này cho hay, cái khó là đối với các ô phố quy hoạch là nhóm nhà ở trong các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 chưa thể xác định vị trí cụ thể từng loại chức năng sử dụng đất như: chỗ nào là đất ở, chỗ nào là đất công cộng, công viên, sân chơi, bãi đỗ xe, đường nội bộ... Chỉ có việc quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc thiết kế đô thị là gỡ vướng được điều này. Trong khi phần lớn các dự án “treo” tại TP. HCM chưa thực hiện quy hoạch chi tiết 1/500.

Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất khác sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân kỳ vọng gỡ vướng dự án "treo" trên địa bàn TP. HCM

Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất khác sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân kỳ vọng gỡ vướng dự án "treo" trên địa bàn TP. HCM

“Vì vậy, đối với các trường hợp ô phố thuộc chức năng quy hoạch đất sử dụng hỗn hợp, UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức cần rà soát đề xuất điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 hoặc tổ chức triển khai lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các ô phố nêu trên để xác định vị trí đất ở cụ thể trên ô phố, làm cơ sở chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng, tách thửa...", vị đại diện này cho hay.

Mới đây, sau khi họp với các sở ngành và quận, huyện, ông Bùi Xuân Cường - Phó chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với Sở QH-KT, Sở Tư pháp và các sở, ngành liên quan soạn thảo quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất khác sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tại khu vực quy hoạch nhóm nhà ở trong các đồ án quy hoạch phân khu theo quy định của luật Quy hoạch đô thị trên cơ sở căn cứ theo các quy định của luật Đất đai.

Điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, quy hoạch, vị trí khu đất đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất phải phù hợp về quy hoạch, đảm bảo tính thống nhất tại các đồ án quy hoạch liên quan đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, vị trí khu đất đề nghị chuyển mục đích sử dụng phải tiếp giáp đường giao thông (đường hiện hữu đã có sẵn hoặc đường mới hình thành đã được nghiệm thu bàn giao theo quy định), đảm bảo đủ hạn mức để tách thửa. Thông tin này đang mang lại hướng giải quyết cho nhiều quận, huyện cũng như hy vọng cho nhiều hộ có nhu cầu mà không thực hiện được lâu nay.

Nam Phương

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/dan-tphcm-ngong-duoc-chuyen-doi-dat-dai-thoat-quy-hoach-treo-d110815.html