Lần đầu tiên đặt ống nội khí quản đường dưới cằm cho bệnh nhân chấn thương hàm mặt

Bị tai nạn giao thông gây đa chấn thương hàm mặt, bệnh nhân được bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh phẫu thuật đặt ống nội khí quản đường dưới cằm để kiểm soát đường thở. Đây cũng là ca bệnh đầu tiên mà tỉnh Quảng Ninh áp dụng kỹ thuật này.

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, mới đây, bệnh viện có tiếp nhận ca bệnh đa chấn thương trong đó tổn thương nặng vùng hàm mặt, phức tạp.

Ca bệnh tên V.M.Q (36 tuổi) ở phường Hà Khánh, TP Hạ Long bị tai nạn giao thông được sơ cứu tại Nam Định, sau đó chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp tục điều trị.

Thời điểm nhập viện, bệnh nhân Q. bị chấn thương hàm mặt gãy xương hàm trên 2 bên, xương gò má cung tiếp hai bên, xương hàm dưới; chấn thương sọ não, chấn thương mũi, chấn thương xương đòn trái.

Hội chẩn chuyên khoa Răng hàm mặt, Gây mê hồi sức đánh giá bệnh nhân đa chấn thương, đặc biệt chấn thương hàm mặt rất nặng nề, phức tạp, kèm theo chấn thương mũi và sọ não.

Kíp phẫu thuật bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng NInh thực hiện đặt ống nội khí quản đường dưới cằm cho bệnh nhân Q.

Đây là trường hợp đặt ống nội khí quản khó khăn đối với bác sĩ gây mê và mở khí quản chủ động là chỉ định đầu tay để phẫu thuật viên có thể xử trí tổn thương vùng hàm mặt dễ dàng mà vẫn kiểm soát tốt đường thở cho người bệnh. Tuy nhiên với một người bệnh còn trẻ mang theo vết rạch vùng cổ, kèm nhiều nguy cơ biến chứng nên các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh đã quyết định áp dụng kỹ thuật tiên tiến hiện nay là đặt ống nội khí quản đường dưới cằm thay vì mở khí quản.

Theo đó, kíp phẫu thuật được giao cho bác sĩ CKI Lê Tuấn Tú (khoa Răng Hàm Mặt) phối hợp với bác sĩ CKI Tào Công Phú (khoa Gây mê hồi sức) thực hiện.

Sau khi bác sĩ gây mê đặt ống đường miệng, phẫu thuật viên tiến hành rạch một đường nhỏ ở dưới cằm rồi dùng panh khéo léo bóc tách vào sàn miệng. Tiếp tục luồn ống nội khí quản theo đường rạch và khâu cố định ống nội khí quản. Phẫu thuật viên dễ dàng bộc lộ, nắn chỉnh các xương gãy về vị trí giải phẫu và tiến hành nẹp vít cố định.

Các tổn thương phức tạp vùng hàm mặt được xử trí thuận lợi trong thời gian 2 tiếng, hô hấp người bệnh ổn định trong suốt thời gian cuộc mổ diễn ra.

Đến nay, sức khỏe người bệnh ổn định, vết mổ nhỏ vùng dưới cằm khô, không đau, tổn thương vùng hàm mặt ổn định.

Bác sĩ Lê Tuấn Tú, khoa Răng hàm mặt thăm khám lại cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: HT

Chia sẻ về cuộc phẫu thuật này, bác sĩ CKI Lê Tuấn Tú, khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Trường hợp bệnh nhân Q. bị đa chấn thương có liên quan đến cung răng nên thông thường, những trường hợp này sẽ thực hiện đặt ống nội khí quản đường mũi để phẫu thuật viên có thể xử trí khớp cắn dễ dàng, không bị vướng ống nội khí quản nếu đặt đường miệng. Tuy nhiên, với những trường hợp đa chấn thương có kèm theo tổn thương nền sọ hoặc gần nền sọ thì đặt ống đường mũi bị chống chỉ định do nguy cơ đẩy ống nội khí quản vào trong hộp sọ.

Trước đây, những trường hợp như bệnh nhân Q. thì lựa chọn duy nhất là mở khí quản chủ động. Song thủ thuật này có thể dẫn đến những tai biến nguy hiểm, như: Tổn thương thần kinh thanh quản, chảy máu, hẹp khí quản hoặc tràn khí màng phổi... Do đó, chúng tôi đã quyết định triển khai kĩ thuật đặt ống nội khí quản vùng dưới cằm trong phẫu thuật bệnh nhân đa chấn thương hàm mặt, nhằm mang đến hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh. Kĩ thuật này mới được áp dụng gần đây tại một số bệnh viện tuyến trung ương", bác sĩ Lê Tuấn Tú nói.

Đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh là đơn vị y tế tuyến tỉnh đầu tiên trên cả nước áp dụng thành công kỹ thuật mới này.

Thế Nam

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lan-dau-tien-dat-ong-noi-khi-quan-duong-duoi-cam-cho-benh-nhan-chan-thuong-ham-mat-169240403095350086.htm