Lần đầu phẫu thuật chuyển mạch tại Việt Nam

KTĐT - Lần đầu tiên tại Việt Nam, các chuyên gia nhãn khoa đến từ tổ hợp MNTK Fyodorov (LB Nga) đã đưa phẫu thuật chuyển mạch vào nghiên cứu, ứng dụng tại BV Mắt quốc tế Việt Nga.

Đây là một phẫu thuật đặc biệt, chuyển mạch và tái tạo tuần hoàn máu giúp máu tập trung vào nuôi dưỡng cho hệ thần kinh thị giác và võng mạc, nhờ đó tránh khỏi mù lòa cho các bệnh nhân bị thoái hóa hoàng điểm, cận, thoái hóa võng mạc... Bệnh nhân Đàm Tú Anh, 17 tuổi (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) bị thoái hóa võng tố giác mạc bẩm sinh, càng lớn nhìn càng khó và hiện tại gần như không nhìn được. Em đã đi chữa bệnh ở nhiều nơi, nhưng tình trạng cũng không cải thiện, đeo kính cũng không có kết quả. Sau phẫu thuật chuyển mạch một tháng tại BV, khi đeo kính dù ngồi ở cuối lớp em cũng đã nhìn được chữ trên bảng . TS. Kostenko Elena, chuyên gia phẫu thuật người Nga cho biết, thoái hóa võng mạc và teo gai thị là bệnh gây mù lòa phổ biến trên thế giới. Tại Trung tâm nhãn khoa MNTK Fyodorov (Nga), có tới 46% bệnh nhân tới khám vì mất chức năng thị giác hoặc khiếm thị do bệnh này. Tương tự, tại Việt Nam, kết quả thăm khám cho thấy, tổn thương thần kinh thị giác và võng mạc là nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm thị giác, thậm chí mù ở các bệnh nhân. Bệnh không chỉ gặp ở người lớn tuổi, mà còn gặp ở cả trẻ nhỏ do bẩm sinh, di truyền. Biểu hiện ban đầu của bệnh rất khó phát hiện, đôi khi bệnh nhân thấy chói, hơi mờ, thấy một đốm đen hay một vật gì che ngay ở giữa tầm nhìn, khó phân biệt màu sắc và đặc biệt khi nhìn vào các đường thẳng thường thấy bị cong, mờ hoặc uốn vòng... Cơ chế tổn thương chủ yếu của bệnh là rối loạn, suy giảm cung cấp máu và dinh dưỡng cho thần kinh thị giác và võng mạc. Phương pháp chữa bệnh chủ yếu của triệu chứng này là điều trị nội khoa, tiêm thuốc nội nhãn, bổ sung dinh dưỡng cho võng mạc. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị thấp và bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng phụ như cay mắt, đau mắt, đỏ mắt, chói nắng, mắt bị mờ, cao máu và dẫn đến cườm khô, thậm chí một số bệnh nhân cũng có thể bị nhiễm trùng mắt (mắt bị đau, đỏ và bị mờ rất nhanh), dị ứng... thị lực ngày càng giảm và dẫn tới mù lòa. Phẫu thuật chuyển mạch và tái tạo tuần hoàn máu đến võng mạc ra đời là một bước đột phá trong điều trị. Theo TS Kostenko Elena, đây là một phẫu thuật hết sức đặc biệt, không tác động trực tiếp vào mắt mà vào hệ động mạch thái dương và hệ động mạch ở sâu làm cho các mạch máu được tái phân bố, tập trung nhiều hơn vào hệ động mạch cung cấp máu nuôi dưỡng cho hệ thần kinh thị giác và võng mạc. Phẫu thuật này trước hết ngăn chặn đà tiến triển của bệnh Glocom và các bệnh thoái hóa võng mạc, nhờ đó bệnh nhân có thể giữ được thị lực còn lại của mình, chống lại những tiến triển tiếp theo gây giảm thị lực và mù lòa. TS Kostenko Elena cho biết, tại Nga mỗi năm có hàng nghìn bệnh nhân được mổ bằng phương pháp này. Có 66% bệnh nhân cải thiện được chức năng thị giác ngay sau điều trị, còn lại làsau 3 tháng. Tuy nhiên, phương pháp này cũng chống chỉ định với những bệnh nhân bị u nội nhãn, mắt đang bị viêm nhiễm, xuất huyết tái phát, có quá trình tiến triển thẩm thấu ở đáy mắt... Hải Lý

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=57&newsid=289904