Hai thế hệ là tri kỷ

Ngày nhỏ, tôi thường được cha chở băng qua mấy cánh đồng đến nhà chú Tiến chơi. Chú Tiến là con của đồng đội cũ trên chiến trường năm xưa mà ông nội tình cờ gặp mặt. Người đó ra đi mãi không về, đành gửi nhờ ông nội chăm sóc chú Tiến, sau ông nội dặn dò lại cha tôi.

Cha với chú Tiến hợp nhau đến lạ kỳ, dù một người chơi cây còn một người mê cá. Đi đâu tìm được cái cây dáng đẹp, chú Tiến sẽ xin hoặc mua về cho cha tôi trồng vào chậu. Cha có thể dành hàng giờ cắt tỉa cành, uốn tạo dáng, thậm chí lau từng chiếc lá. Mẹ tôi làm y tá, quanh năm quay cuồng với bệnh án, bệnh nhân, làm sao hiểu nổi thú vui nhàn nhã đó, nên cha chỉ có thể khoe cây với chú Tiến.

Mỗi lúc ghé nhà chú Tiến, cha tôi lại trầm trồ thán phục trước bầy cá đủ sắc màu, mỗi con được đặt một cái tên khác nhau. Thời gian đó ở quê mới rộ lên phong trào nuôi cá cảnh, chú Tiến chuyển sang tư vấn, nhân giống, hỗ trợ làm hồ nuôi, cung cấp cá con, việc bán buôn rất thuận lợi. Dù nhiều người hỏi mua nhưng chú Tiến vẫn giữ lại những con cá thuở đầu mà cha tôi tốn cả tháng mới nhớ tên.

Quê tôi nghèo, người dân lo làm lụng chạy nắng trốn mưa. Sau ngày dài đổ mồ hôi trên cánh đồng nứt nẻ, chiều tối những người đàn ông thường tụ tập nhâm nhi vài ly rượu. Cha tôi với chú Tiến lại thường ngồi trước hiên pha ấm trà lài rồi bàn chuyện cây, chuyện cá. Dăm cái cây chỉ có lá với cành, mấy con cá biết mỗi ăn rồi bơi tung tăng, không rõ hai người nói gì với nhau mà kéo dài đến tận giữa khuya. Nhưng cũng nhờ thế, tôi có dịp được chạy loanh quanh nhà chú Tiến để chơi với thằng Sáng.

Sáng hiền và nghe lời lắm, dù phải nhường cả bộ sưu tập hình giấy Tây Du Ký hay mấy viên bi ve lóng lánh cho tôi. Nhà khá giả nên Sáng được chăm chút kỹ, đồ ăn, đồ chơi không thiếu thứ gì. Cứ thấy tôi qua nhà là nó gom lại cho tôi một ít. Bù lại, tôi sẽ kèm thằng Sáng làm bài tập bởi vì nó học dở khủng khiếp. Lắm lúc Sáng giải bài mãi không xong, giảng mãi chưa hiểu khiến tôi rất bực.

Thời gian trôi qua chúng tôi lớn lên với số lần ghé nhà nhau thưa thớt hơn. Sáng tốt nghiệp cấp ba và đi làm sớm, trong khi đó, tôi vào thành phố học đại học. Áp lực tiền ăn, tiền học của 3 đứa con, ngoài đi dạy, cha tôi còn làm thêm đủ nghề. Có ngày cha bỏ giáo án qua một bên, vác cuốc ra đồng với cây lúa, cây khoai như bao người. Cha lo lắng nên hút thuốc nhiều và bị ung thư phổi. Ngày biết tin cha bệnh, chú Tiến sốt sắng còn hơn mẹ tôi.

Trong khi mẹ điềm tĩnh trở thành chỗ dựa tinh thần cho cha, thì chú Tiến tất tả chạy khắp nơi vay mượn tiền chữa trị. Chú bán sạch hồ cá cũ, ngay cả chiếc xe xịn mới tậu chú cũng đem trả lại đại lý. Ai nói gì chú Tiến đều cười bảo, chú nhất định cứu được cha tôi, chứ nhỡ ông đi rồi thì lấy ai đọc thơ văn cho chú nghe nữa. Sáng gửi tôi chục triệu đồng tiền hoa hồng môi giới đất nó kiếm được cho tôi đóng học phí và mua vé máy bay về nhà. Đến lúc này tôi mới hiểu nhà chú Tiến dư dả để làm gì. Là để sẵn sàng giúp đỡ khi người bạn thân chí cốt của chú cần. Là để dúi tiền vào tay tôi và vỗ vai khích lệ: “Con đừng lo chi hết, còn có chú và thằng Sáng ở đây”. Phần ơn nghĩa đó, tôi biết lấy gì đền đáp…

Chú Tiến học ít hơn cha tôi và thằng Sáng cũng kém tôi về học vấn. Thế nhưng, cả hai thế hệ vẫn có thể làm bạn của nhau, không bận tâm giàu - nghèo, chẳng để ý bằng cấp. Tri kỷ là người thương quý, thấu hiểu, ủng hộ và đồng hành. Chỉ cần đối đãi chân thành với nhau, trân trọng và tin tưởng đối phương là được. Ai cũng có con đường riêng cần đi, số phận riêng phải đối mặt. Thật may mắn biết bao nhiêu mới được làm bạn của nhau trong đời.

Thái Sơn

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/157620/hai-the-he-la-tri-ky