Làm tốt phòng ngừa và xử lý sớm hành vi tham nhũng

Chiều 8/6, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Hội Luật gia TP Hà Nội đã tổ chức tọa đàm và tư vấn pháp luật trực tuyến với độc giả xung quanh chủ đề: 'Các biện pháp phòng ngừa và xử lý hành vi tham nhũng'.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. Ảnh: Duy Khánh

Tham gia buổi tọa đàm có luật sư Nguyễn Hồng Tuyến - Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội, Luật sư Trương Văn Dũng và Luật gia Phạm Thu Hương.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Xuân Khánh chia sẻ, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng trên các ấn phẩm của báo ngày càng có nhiều đổi mới. Báo không chỉ phản ánh toàn diện về kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của T.Ư và TP; phát hiện các biểu hiện vi phạm từ cơ sở để góp phần ngăn ngừa, xử lý sớm các sai phạm.

Đồng thời, báo cũng phát huy vai trò tích cực của báo chí, truyền thông trong nâng cao hiểu biết cho người dân về các quy định liên quan đến phòng ngừa, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực, từ đó, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

“Với sự tham dự của khách mời là các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật, chúng tôi mong muốn, thông qua tọa đàm sẽ góp phần đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho toàn thể người dân cũng như từng nhóm đối tượng đặc thù của Hà Nội, qua đó thúc đẩy việc thực thi pháp luật của người dân, tổ chức, đồng thời góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của TP" - Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Xuân Khánh nhấn mạnh.

Liên quan câu hỏi của bạn đọc về các hành vi tham nhũng, luật sư Nguyễn Hồng Tuyến - Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội cho biết: theo Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, có 12 hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước thực hiện, gồm: tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN hoặc địa phương vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

Ngoài ra, có 3 hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thực hiện, gồm: tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của DN, tổ chức mình vì vụ lợi.

Ngoài ra, các luật sư, luật gia cũng tư vấn những câu hỏi của bạn đọc xung quanh các vụ việc, tình huống cụ thể, các quy định của luật: quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện thế nào; để phòng ngừa tham nhũng thì Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về việc tặng quà và nhận quà tặng như thế nào. Việc luân chuyển cán bộ từ phòng, ban này sang phòng, ban khác, từ cơ quan này sang cơ quan khác có phải là một trong những biện pháp phòng, ngừa tham nhũng.

Việc quy định thanh toán không dùng tiền mặt có phải là một trong các biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả. Đối với người có hành vi tham nhũng, tham ô tài sản, nhận hối lộ thì bị xử lý thế nào; người lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi bị xử lý thế nào…

Thái Hồng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lam-tot-phong-ngua-va-xu-ly-som-hanh-vi-tham-nhung.html