Làm thế nào để xe buýt nhanh của Hà Nội... không chậm?!

ông Tiệp cho rằng: “Lúc này không còn cách nào khác là phải vừa làm vừa chữa và tìm cách làm cho nó hoạt động tối ưu nhất”.

Giao thông thế này, "xe buýt nhanh" của Hà Nội có nhanh nổi không?

GiadinhNet - Nhiều người nghi ngại về mức độ "nhanh" của xe buýt BRT vì lộ trình tuyến xe này đi qua những con đường ùn tắc nhất Thủ đô.

Nói về buýt nhanh (BRT) của Hà Nội đang bị nghi ngờ sẽ... không nhanh nổi, ông Phạm Văn Tiệp , người từng có nhiều đề xuất “gây bão” về phân luồng giao thông năm 2009 cho rằng vấn đề lúc này là phải “vừa làm vừa chữa” vì “tên đã bắn khỏi cung”. Và theo ông Tiệp, nếu tổ chức tốt thì BRT không đến nỗi “quá dở” như đang bị “ném đá hội đồng”.

Ông Tiệp nói vấn đề về “nhanh” và “hiệu quả” của BRT dù chưa đi vào hoạt động thì ai cũng có thể phần nào đoán được. Theo ông Tiệp, nếu để tồn tại nhiều giao cắt cứng là các ngã tư dùng tín hiệu đèn thì buýt nhanh không thể chạy nhanh nổi.

“Có làn đường riêng, lưu thông bên trái và không xung đột nhiều với xe máy, xe đạp ở bên phải đường là ưu thế của BRT. Tuy nhiên, xe này vẫn phải đi qua bao nhiêu giao cắt nên không thể chạy thẳng được như tàu hỏa nên để nhanh đúng nghĩa là rất khó” – ông Tiệp nói.

Theo ông Tiệp, ngoài sự chi phối của hạ tầng thì buýt nhanh còn phải đối diện với rào cản rất lớn đó chính là ý thức tham gia giao thông của người dân.

Ông Phạm Văn Tiệp, người từng có nhiều sáng kiến về giao thông ở Hà Nội. Ảnh TG

Ý kiến nêu trên của ông Tiệp trùng với nhận định của rất nhiều người, tuy nhiên, khác với việc “ném đá hội đồng” về dự án này, ông Tiệp cho rằng: “Lúc này không còn cách nào khác là phải vừa làm vừa chữa và tìm cách làm cho nó hoạt động tối ưu nhất”.

Cách chữa của ông Tiệp là vẫn dựa trên nguyên lý của “giao diện mềm” tức là hạn chế tối đa các giao cắt để tránh việc buýt nhanh phải dừng hẳn.

Ông Tiệp nhận định, nên tổ chức để buýt nhanh được vận hành liên tục và chỉ dừng ở điểm đón trả còn hơn là phải dừng ở các điểm giao cắt.

Sở GTVT Hà Nội họp về BRT ngày 19/12.

Trước ý kiến về việc tổ chức đèn giao thông để ưu tiên buýt nhanh, ông Tiệp khẳng định là không hiệu quả vì đèn tín hiệu là phải theo quy luật thời gian, không thể có việc các chiều đương khác đang đèn xanh và phương tiện đang đan kín, khi buýt nhanh đến thì các chiều đường này ngay lập tức chuyển sang đèn đỏ để dừng phương tiện trên chiều đường đó được.

Nếu có dừng được thì buýt nhanh vẫn phải đối diện với dòng phương tiện đang “tồn đọng” trước mặt. Để giảm thiểu hạn chế này, ông Tiệp đề xuất ưu tiên dùng các giao diện mềm thay vì giao cắt cứng.

“Ví dụ điển hình trên tuyến này chính là giao cắt Hoàng Ngân với đường Lê Văn Lương. Tại giao cắt này, thay vì tổ chức cho phương tiện trên đường Hoàng Ngân xuyên thẳng qua đường Lê Văn Lương và lắp đèn tín hiệu để điều tiết thì Sở GTVT Hà Nội đã ưu tiên phương tiện trên đường Lê Văn Lương.

Như vậy, phương tiện trên đường Lê Văn Lương và đường Hoàng Ngân vẫn được lưu thông nhưng tránh được xung đột bởi các giao cắt vuông góc, trực diện. Đây là cách tổ chức giao thông giao diện mềm nhưng để tổ chức được thì cần phải mặt bằng, có vòng cua lớn” – ông Tiệp nói.

Cũng theo ông Tiệp, tại nút ngã ba Láng Hạ - Thái Thịnh cũng được tổ chức tương tự nên xóa được một điểm tín hiệu đèn khiến phương tiện phải dừng. Liên quan đến BRT, ngày 20/12, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, chiều ngày 19/12, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo về phương án triển khai tuyến xe buýt nhanh Hanoi BRT từ bến xe Yên Nghĩa đến bến xe Kim Mã.

BRT trên thế giới có làn đường riêng biệt. Ảnh TL

Phương án tổ chức giao thông tại các điểm quay đầu hiện có như sau: Đóng điểm quay đầu trước cửa Triển lãm Giảng Võ cũ trên đường Giảng Võ, mở điểm quay đầu thay thế tại vị trí trước số nhà 215 Giảng Võ;

Tại 12 điểm quay đầu trên tuyến (không có đèn tín hiệu): Tổ chức sơn kẻ, lắp đặt đèn cảnh báo, biển cảnh báo. Tùy vào tình hình giao thông thực tế, sử dụng hệ thống hàng rào di động tại các điểm quay đầu để điều chỉnh linh hoạt tổ chức giao thông tại các điểm này;

Tại 2 điểm quay đầu có bố trí hệ thống đèn tín hiệu giao thông gồm 1 điểm quay đầu trước Trụ sở cảnh sát PCCC - Km 14+110 và 01 điểm quay đầu đối diện Khách sạn Fortuna - Km 12+850: có tín hiệu đèn ưu tiên cho BRT đi trước các hướng phương tiện quay đầu.

Phương án TCGT tại các nút giao thông trên tuyến. Các nút giao trên tuyến được tổ chức giao thông đi lại bằng hệ thống đèn tín hiệu, điều chỉnh chu kỳ đèn theo nguyên tắc ưu tiên cho hướng vận hành của xe BRT…

Cũng theo đơn vị này, từ góc độ cơ sở hạ tầng, hệ thống BRT trên thế giới đã tăng gần gấp 3 lần trong thập kỷ vừa qua và con số này được dự kiến tiếp tục tăng trưởng.

Trên thế giới, xe buýt ngày càng được quan tâm và BRT ngày càng phổ biến. Phương tiện giao thông này được một số chuyên gia trong ngành vận tải đánh giá là một “phương thuốc chữa bách bệnh” đối với cơ sở hạ tầng vì tính linh hoạt và chi phí đầu tư xây dựng tương đối thấp.

Mặc dù trong thời gian mới xuất hiện, BRT tăng trưởng khá chậm, tuy nhiên kể từ năm 2000 trở lại đây, sự gia tăng về số lượng các dự án BRT đã phát triển theo cấp số nhân và hiện nay có khoảng 190 hệ thống BRT trên toàn thế giới vận chuyển hơn 31 triệu lượt khách mỗi ngày. Mỹ Latinh hiện đang dẫn đầu với 61 thành phố có hệ thống BRT, theo sát sau là châu Âu với 56 hệ thống.

Minh Anh

Xem buýt nhanh của Hà Nội lần đầu xuống phố và có xe "hộ tống"

GiadinhNet – 9h sáng 17/12, chiếc xe buýt nhanh (BRT) đầu tiên đã lăn bánh trên hành trình bắt đầu từ BX Kim Mã. Chiếc BRT này được hộ tống với 3 xe biển xanh, trong đó có xe của Thanh tra giao thông Hà Nội.

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/lam-the-nao-de-xe-buyt-nhanh-cua-ha-noi-khong-cham-20161220133045514.htm