Làm thế nào để phát huy vai trò kinh tế tư nhân?

DN tư nhân là chủ thể của kinh tế thị trường, được xã hội hóa theo xu hướng công ty CP, phải chịu khác biệt ứng xử trong nhận thức quản lý.

Tham gia Diễn đàn khoa học "Vai trò của kinh tế tư nhân nhân trong phát triển kinh tế Việt Nam" do LHH KH-KT Việt Nam tổ chức, ông Lê Khả Đấu, Nguyên Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng muốn thay đổi và phát huy vai trò của kinh tế tư nhân, những đổi mới nhận thức là điều đặc biệt quan trọng. Đất Việt xin trích dẫn đầy đủ ý kiến tham luận của ông trong bài viết dưới đây:

Đại hội XII của Đảng là một bước tiến quan trọng về tư duy lý luận trong lãnh đạo phát triển kinh tế. Sau 30 năm Đổi mới, “Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tiếp tục được hoàn thiện. Vai trò, hiệu quả, sức cạnh tranh của các chủ thể kinh tế, các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế được nâng lên”. Kinh tế tư nhân (KTTN) được nhận thức lại, tạo điều kiện cho việc khôi phục, phát triển ngày càng bình đẳng với các loại hình khác.

Tuy nhiên, cho đến nay, “Hầu hết doanh nghiệp tư nhân quy mô còn nhỏ, thiếu liên kết, khả năng ứng phó với các rủi ro yếu, nhiều doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động”. “Quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ; môi trường đầu tư, kinh doanh không thật sự thông thoáng, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp”.

Quá trình điều chỉnh về nhận thức, cải tiến cơ chế, chính sách quản lý đã tháo gỡ không ít khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho KTTN phục hồi và ngày càng phát triển.

Kết quả đạt được về phát triển KTTN là rất đáng khích lệ. Tuy nhiên thực tiễn công tác quản lý của Nhà nước cũng như tâm lý xã hội vẫn còn thiếu thống nhất trong nhận thức, đang tạo ra không ít sự khác biệt trong ứng xử với KTTN, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy vai trò động lực của loại hình kinh tế này.

Doanh nghiệp tư nhân là chủ thể của kinh tế thị trường.

Để góp phần làm rõ nhận thức, làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đảm bảo cho các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật, trong đó KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế, xin nêu lên một số vấn đề cần tập trung nghiên cứu, giải quyết, cụ thể như sau:

1. Nhìn lại quá trình nhận thức về kinh tế tư nhân

Khái niệm KTTN đã có sự điều chỉnh đáng kể trong quá trình phát triển, nhất là trong quá trình Đổi mới của nước ta. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn và đúc rút lý luận, nhận thức về KTTN ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn cho công tác nghiên cứu và yêu cầu lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cho đến nay, việc nhận thức, nhận dạng và ứng xử với KTTN vẫn chưa thật sự thống nhất, thể hiện trong các tài liệu giảng dạy, công trình nghiên cứu, các diễn đàn, kể cả các văn bản chính thức về lãnh đạo và quản lý.

Trước thời kỳ Đổi mới, KTTN (thành phần kinh tế dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất) được coi là loại hình kinh tế phi xã hội chủ nghĩa (XHCN), là đối tượng cần cải tạo để đi lên CNXH, khi đó nền kinh tế dựa hoàn toàn trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất.

Từ Đại hội VI của Đảng, KTTN được nhìn nhận, khôi phục và từng bước tạo điều kiện phát triển. Từ chỗ không thừa nhận, KTTN được coi là một trong các “thành phần kinh tế khác”. Đại hội VI mới xác định: “Đi đôi với việc phát triển kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, tăng cường nguồn tích lũy tập trung của Nhà nước và tranh thủ vốn nước ngoài, cần có chính sách sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế khác”.

Nhờ sức mạnh của trào lưu Đổi mới, không lâu sau đó, ngày 15/7/1988, Bộ Chính trị (khóa VI) ban hành Nghị quyết 16-NQ/TW, khẳng địnhKTTN được phát triển không hạn chế về địa bàn, quy mô, trong các ngành nghề mà pháp luật không cấm: “cần phát triển mạnh mẽ, không hạn chế kinh tế gia đình, các đơn vị sản xuất công tư hợp doanh, tiểu chủ, tư bản tư doanh ở thành thị và nông thôn, xóa bỏ những định kiến, những khuynh hướng độc quyền hoặc phân biệt đối xử và thiếu bình đẳng trước pháp luật đối với các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh”.

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TW, ngày 18/3/2002 về Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển KTTN. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên đối với thành phần kinh tế này, là bước tiến đáng kể về tư duy lý luận của Đảng. Đến ngày 09/12/2011, Bộ Chính trị (khóa XI) đã đánh giá: “Đội ngũ doanh nhân trong khu vực ngoài nhà nước ngày càng đông đảo, thể hiện tính năng động, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/lam-the-nao-de-phat-huy-vai-tro-kinh-te-tu-nhan-3320303/