Làm sao tạo sức hút để người tiêu dùng đồng hành cùng doanh nghiệp Việt?

Chiều 31.10, báo Hà Nội Mới đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Tạo sức hút để người tiêu dùng đồng hành cùng doanh nghiệp Viêt” với sự góp mặt nhiều sở, ngành, cơ quan đơn vị TP Hà Nội.

Các khách mời trao đổi và đặc biệt là đại diện các doanh nghiệp làm rõ 3 vấn đề lớn: Đánh giá những kết quả đã đạt được; làm rõ những hạn chế, khó khăn và bất cập qua 7 năm thực hiện Cuộc vận động; từ đó tìm ra những giải pháp khắc phục và định hướng cho

Đặt người tiêu dụng làm trọng tâm

Hiện tại nay, đất nước ta bước vào hội nhập sâu sắc và toàn diện hơn đồng thời cũng bắt đầu thực thi các hiệp định thương mại tự do với các nước đối tác hàng đầu thế giới dẫn đến kéo theo nhiều vấn đề mới nảy sinh, chính vì vậy đòi hỏi Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và những chủ thể tham gia phải có sự điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với xu thế phát triển mới giữ vững được thương hiệu, thị trường và khách hàng trước sự tấn công của hàng ngoại nhập, bản thân mỗi doanh nghiệp cũng phải có hướng đi mới, tạo sức hút cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Doãn Toản, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP Hà Nội phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh báo Hànôịmới

Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội cho hay: “Hiện nay, nhu cầu và bản chất của người tiêu dùng đã có sự thay đổi. Hệ thống bán hàng online phát triển rất mạnh mẽ. Bây giờ, người tiêu dùng thật sự là những người thông thái, khiến những kẻ bán hàng giả rất khó tiêu thụ sản phẩm”.

Bên cạnh đó, để có chỗ đứng trên thị trường, bản thân các doanh nghiệp phải tập trung phát triển mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời cũng phải quan tâm tới công tác chống hàng giả, hàng nhái bởi nó liên quan tới sự sống còn của doanh nghiệp - ông Lộc cho biết thêm.

Ngoài ra, hiện nay rất nhiều quyền được đưa ra nhằm bảo về quyền lợi của người tiêu dùng, tạo độ tin tưởng cho người tiêu dùng. Đặc biệt trong đó có 3 quyền: “quyền sử dụng sản phẩm an toàn; quyền được thông tin về sản phẩm; quyền được lựa chọn”. Chính vì vậy, bất kỳ dùng một sản phẩm nào người tiêu dùng đều được đòi hỏi về những thông tin cơ bản nhất.

Ngoài ra muốn người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm của mình, chính các doanh nghiệp phải nắm bắt được mong đợi của người tiêu dùng. Ông Phạm Hồng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Hà Nội cho hay: “Người tiêu dùng mong đợi gì ở hàng hóa Việt Nam? Đó chính là chất lượng và giá cả. Chất lượng ngày càng đòi hỏi phải tăng lên không ngừng, hay chính là sự cải tiến, từ chỉ tiêu, mẫu mã, bao gói”.

Ông Hồng cũng đưa ra những ví dụ cụ thể như: thực phẩm, người tiêu dùng cần các sản phẩm bảo đảm chất lượng, được bao gói gọn gàng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, mua bán thuận lợi. Bên cạnh đó, họ cũng luôn luôn so sánh với chất lượng hàng hóa nước ngoài.

Những thách thức của doanh nghiệp

Trong quá trình hội nhập ASEAN, yếu tố nội khối hay nói cách khác là hàng tiêu dùng từ các nước trong khu vực cũng gây sức ép không nhỏ tới hàng Việt Nam. Đây vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức với “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chính vì vậy, bản thân mỗi doanh nghiệp trong nước phải chịu sức ép về giá cả, sự cạnh tranh rất lớn đặc biệt với hai “ông lớn” trong khu vực châu Á là Trung Quốc và Thái Lan.

“Để giải quyết vấn đề này, theo tôi chúng ta phải giải được bài toán năng suất bằng các biện pháp như đổi mới công nghệ, chuẩn bị sản xuất kỹ lưỡng. Ngoài ra, vấn đề xây dựng thương hiệu cũng cần được chú trọng. Người tiêu dùng tiếp cận một mặt hàng thông qua thương hiệu, tôi cho rằng thương hiệu là sức hút. Bởi vậy, việc làm cần thiết chính là xây dựng và bảo vệ thương hiệu, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng”, ông Phạm Hồng cho hay.

Cũng đề cấp đến vấn đề khó khăn, Bà Trần Thị Phương Lan – Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho hay: “Tuy chúng ta đã hội nhập, nhưng các doanh nghiệp còn chưa cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì, hay ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm... Doanh nghiệp cần phải chủ động nâng cao năng lực, cạnh tranh để hàng của mình đứng vững trên thị trường trong nước trước khi vươn ra quốc tế”.

Tại buổi tọa đàm những câu hỏi của độc giả cũng được giải đáp một cách cặn kẽ. Ảnh báo Hànôịmới

Các doanh nghiệp trong nước cũng đề cập đến những khó khăn họ trực tiếp phải đối mặt như: nguyên liệu trong quá trình sản xuất, sự cạnh tranh của các nước. Ông Đinh Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ladoda cho biết: “Hiện tại Ladoda cũng gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các nước. Và khó khăn nữa là nguyên liệu như: vải phải nhập khẩu, trong nước không có công ty sản xuất linh kiện phụ trợ. Chính vì vậy, giá thành của các sản phẩm do Ladoda làm ra đôi khi không thể cạnh tranh với các sản phẩm khác".

Một khó khăn nữa là một bộ phận người Việt Nam vẫn sính hàng ngoại, chưa quan tâm đến hàng trong nước. Mặt khác, sự đòi hỏi của khách hàng ngày một khắt khe. “Thập kỷ này không giống như thập kỷ 60 – 70 là "ăn chắc mặc bền" mà người tiêu dùng quan tâm đến không chỉ mặc bền mà phải đẹp, giá cả hấp dẫn. Đó là đòi hỏi không sai mà doanh nghiệp cần nghiên cứu. Làm thế nào để huy động được các doanh nghiệp trong nước, sử dụng các nguyên liệu của nhau để sản xuất ra sản phẩm tốt. Có được sản phẩm tốt rồi thì cần phải quan tâm đến truyền thông. Chính doanh nghiệp cần quan tâm tới công tác tuyên truyền, đầu tư cho các tiến bộ khoa học kỹ thuật để hạ giá thành sản phẩm”. Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo CVĐ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP. Hà Nội chia sẻ.

NGÔ CHUYÊN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/lam-sao-tao-suc-hut-de-nguoi-tieu-dung-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-viet-606652.bld