Làm sao để sự đoàn kết nội bộ trở thành sức mạnh của doanh nghiệp?

Trải qua những thời điểm khó khăn, bất cứ nhà lãnh đạo hay nhân viên yêu doanh nghiệp của mình đều thấm thía sức mạnh của tình đoàn kết và thứ mà sức mạnh này mang lại. Biến sức mạnh đoàn kết thành thế mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp là điều lý tưởng nhưng không phải không làm được.

Sự đoàn kế, thống nhất rất cần thiết trong việc đưa ra các phác đồ điều trị hiệu quả, chăm sóc toàn diện. Ảnh: myeMED

Vincent Thomas Lombardi (1913-1970) được xem là huấn luyện viên, nhà lãnh đạo vĩ đại nhất lịch sử thể thao nước Mỹ. Là huấn luyện viên trưởng của Green Bay Packers trong thập niên 1960, Lombardi đã dẫn dắt đội giành giải vô địch quốc gia (NFL) ba năm liên tiếp 1967-1969 và năm giải vô địch trong bảy năm, bên cạnh việc giành chức vô địch giải siêu cúp bóng bầu dục Super Bowl đầu tiên vào cuối năm 1966.

Huyền thoại của làng thể thao Mỹ này đã định nghĩa về tinh thần đồng đội như sau: “Đó là sự cam kết của cá nhân đối với nỗ lực của một nhóm, tập thể, cộng đồng. Đó là động lực hoạt động và vận hành của một nhóm, một doanh nghiệp, một xã hội và một nền văn minh. Đơn giản hơn, mối quan hệ này hoạt động theo cùng thể thức và quy định, kết nối hai người hay nhiều hơn đang làm việc cùng nhau, với cam kết cùng hướng đến thành công cho mối quan hệ đó”.

Đạt được kết quả vạch ra là yếu tố chính chứng minh thành công của một người quản lý hay nhà lãnh đạo. Điều khiến một nhà lãnh đạo thực sự thành công là làm tất cả những gì họ có thể để truyền cảm hứng và thúc đẩy người khác hoàn thành. Các nhà quản lý giỏi, nhà lãnh đạo vĩ đại có thể xoay xở trong bất kỳ tình huống nào, vạch ra trong đầu những gì cần phải hoàn thành, kết nối với mọi người ở cấp độ con người (cả cá nhân và tập thể) và kết nối các nhóm thành một tập thể làm việc có hiệu suất cao.

Như vậy, vai trò của tinh thần đồng đội hay đoàn kết tại đơn vị hay doanh nghiệp là rất quan trọng nhưng làm thế nào xây dựng một tập thể mạnh và đoàn kết? Và ở cương vị lãnh đạo, nhà quản lý có xem tinh thần đồng đội là thế mạnh cạnh tranh của đơn vị hay doanh nghiệp hay không?

Về điều này, ông Lâm Quang Tiến, Trưởng đoàn tiếp viên Vietravel Airlines, cho rằng trong ngành hàng không, mối quan hệ đồng nghiệp chủ yếu được vun đắp và dựa vào nhận thức, sự tôn trọng và chia sẻ trong công việc của mỗi thành viên phi hành đoàn qua từng chuyến bay. Các chương trình team building là cơ hội rất tốt để các cá nhân, các bộ phận được gặp gỡ và gắn kết với nhau hơn. Mỗi bộ phận và mỗi cá nhân đều là những nhân tố quan trọng, góp phần thành công cho hành trình trải nghiệm tốt của hành khách. Đối với Vietravel Airlines, hàng ngày hàng giờ đại diện khai thác của hãng tại sân bay, phi công, tiếp viên, đội ngũ kỹ thuật, trực ban điều hành khai thác… luôn trong trạng thái kết nối, hỗ trợ nhau để chuyến bay được cất cánh đúng giờ, an toàn, mang đến cho hành khách trải nghiệm tốt nhất.

Còn bác sĩ CK2 Hoàng Ngọc Quý, nguyên Trưởng khoa thận – nội tiết Bệnh viện Nhi đồng 2 khẳng định, để xây dựng tình đồng đội và đoàn kết ở một đơn vị công, cần xác định rõ nhiệm vụ và mục tiêu công việc, từ đó mới có được sự phân bổ công việc hợp lý cho từng cá nhân, đội nhóm phù hợp. Điều quan trọng là tạo cơ hội cho từng cá nhân nâng cao trình độ chuyên môn, học tập sau đại học, có thời gian tham gia các hội nghị khoa học và có chế độ khen thưởng công bằng.

Ngành y tế có đặc thù là đòi hỏi rất cao với sự học tập và nâng cấp chuyên môn liên tục, thành ra tạo điều kiện học tập cho các y bác sĩ trong khoa là động lực rất lớn. Nếu không được điều này thì mọi người cảm thấy bị thiệt thòi và không hài lòng.

Một đơn vị y tế, chăm sóc sức khỏe rất cần sự thống nhất, đoàn kết để ra một phác đồ điều trị và chăm sóc toàn diện theo đúng các protocol (tiêu chuẩn) quy định. Có được sự đoàn kết, đồng lòng của tất cả các cá nhân thì mới có thể cùng nhau làm được việc lớn, cùng chung chí hướng mới đạt được sự phát triển và tiến bộ, những kế hoạch ở tầng phát triển cao hơn.

Bác sĩ Nguyễn Đức Khải, Bệnh viện Thẩm mỹ White Clinic, TPHCM, cho rằng doanh nghiệp sở hữu sức mạnh đồng đội là có một lợi thế cạnh tranh rất đáng kể. Và môi trường làm việc minh bạch giúp phát huy mọi thế mạnh của từng cá thể song song với việc hỗ trợ cùng nhau trong công việc lẫn cuộc sống riêng sẽ khích lệ tinh thần đồng đội cùng nhau tiến.

Ví dụ, phân công việc rất rõ ràng để tránh đạp chân nhau. Tiền thưởng đạt KPI ngoài cá nhân đạt chỉ tiêu được hưởng thì phải chia một phần tượng trưng cho tập thể trong phạm vi nhóm của họ. Khuyến khích các thành viên dù năng lực thấp nhất cũng phải đưa ra các sáng tạo trong công việc, cho phép áp dụng thử những sáng tạo đó trong một thời gian nhất định rồi sẽ bỏ phiếu xem điều đó có phù hợp với phần đông khách hàng và nhân viên công ty hay không. Trưởng nhóm bao giờ cũng là người có ý kiến quyết định dựa trên số đông. Luôn đào tạo thế hệ kế thừa có thể thay trưởng nhóm bất cứ lúc nào.

Theo Dr Sam Nguyễn, CEO của GEO Consulting Group, một nhóm làm việc hòa hợp và hợp tác thúc đẩy sáng tạo và động lực, cho phép mọi người cùng nhau làm việc để đạt được mục tiêu chung. Khi các thành viên trong nhóm có tinh thần đồng đội và sự tin tưởng lẫn nhau, họ có thể cam kết, giao tiếp hiệu quả và đối mặt với thách thức một cách dứt khoát. Cuối cùng, tinh thần đồng đội tạo ra môi trường làm việc tích cực có thể dẫn đến năng suất cao hơn, cải thiện khả năng giải quyết vấn đề và tăng xác suất thành công của startup.

“Một tập thể đoàn kết, thấu hiểu và thông cảm lẫn nhau là một nền tảng đầu tiên để xây dựng một công ty vững chắc. Nếu chúng ta đã có được đội ngũ nhân viên trung thành và sống chết với công ty thì đây sẽ là thế mạnh cạnh tranh cho công ty đang trên đà phát triển”, Sam Nguyễn khẳng định.

1. Giao tiếp rõ ràng: Thiết lập các kênh giao tiếp mở và minh bạch là rất quan trọng. Thường xuyên truyền đạt mục tiêu, mong đợi và tiến độ để đảm bảo mọi người cùng hiểu.

2. Tầm nhìn và giá trị chung: Đảm bảo tất cả các thành viên trong đội hiểu và ủng hộ tầm nhìn và giá trị của công ty. Sự hiểu biết này giúp tạo ra một mục đích chung, sự đoàn kết.

3. Đào tạo và phát triển liên tục: Đầu tư vào cơ hội học tập và phát triển liên tục cho nhân viên. Điều này không chỉ nâng cao kỹ năng của họ mà còn thể hiện cam kết với sự phát triển của nhân viên và khuyến khích lòng trung thành.

4. Ủy quyền, trao quyền quyết định: Giao phó trách nhiệm và cho phép nhân viên tự quyết định trong phạm vi công việc của họ, giúp tạo tính độc lập, khiến mức độ tham gia và năng suất lao động cao hơn. 5. Thăng hoa và khen thưởng: Công nhận sự cống hiến và thành tựu của nhân viên. Điều này giúp nâng cao tinh thần và động lực, thúc đẩy văn hóa quan tâm và giúp đỡ trong công ty.

6. Nhiệm vụ và trách nhiệm rõ ràng: Xác định rõ các vai trò và trách nhiệm trong tổ chức. Điều này giảm sự hiểu lầm, nâng cao hiệu suất và tạo điều kiện để cộng tác hiệu quả.

7. Linh hoạt và cân bằng giữa công việc và cuộc sống: Hỗ trợ nhân viên với môi trường làm việc linh hoạt và những chính sách khuyến khích cân bằng giữa công việc và cuộc sống khỏe mạnh. Điều này khuyến khích sự phát triển cả về tinh thần sống khỏe, sự hài lòng công việc và lòng trung thành.

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lam-sao-de-su-doan-ket-noi-bo-tro-thanh-suc-manh-cua-doanh-nghiep/