Làm rõ nhiều nội dung người dân thắc mắc khi giải phóng mặt bằng Quốc lộ 7 tại huyện Yên Thành

UBND huyện Yên Thành vừa tổ chức đối thoại với người dân xã Công Thành để làm rõ các nội dung liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) khi thực hiện Dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn.

Nhiều kiến nghị

Dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An được phê duyệt Chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1338/QĐ-BGTVT ngày 20/7/2021 với tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 4 làm chủ đầu tư. Đây là dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 thứ 2 được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

Dự án này được thực hiện nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông tuyến Quốc lộ 7 theo quy hoạch; góp phần tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác, đảm bảo giao thông thông suốt trên hành lang vận tải từ cửa khẩu Nậm Cắn tới các tỉnh ven biển miền Trung. Đặc biệt, dự án kết nối đường cao tốc Bắc - Nam tại nút giao Quốc lộ 7 trên địa bàn huyện Diễn Châu với các địa phương dọc Quốc lộ 7 và với nước bạn Lào; đồng thời, phát huy hiệu quả các đoạn tuyến đã đầu tư trước đây; tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực.

Tại huyện Yên Thành, dự án đi qua khu vực 5 xã: Vĩnh Thành, Viên Thành, Bảo Thành, Công Thành, Mỹ Thành với chiều dài khoảng hơn 27km. Để thực hiện dự án, Hội đồng bồi thường GPMB huyện Yên Thành đã lập phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB cho các đối tượng bị ảnh hưởng của các xã, đồng thời đã tiến hành công khai lấy ý kiến và thực hiện các thủ tục chi trả tại một số địa phương.

Quốc lộ 7 đoạn qua ngã tư xã Công Thành đến nay vẫn chưa thi công được do công tác GPMB chưa thực hiện xong. Ảnh: Tiến Đông

Mặc dù đã đến hạn phải hoàn tất bàn giao mặt bằng sạch để cho các đơn vị thi công gấp rút thực hiện, tại xã Công Thành với 4,7km Quốc lộ 7 đi qua, hiện nay vẫn còn nhiều hộ gia đình chưa thống nhất phương án bồi thường GPMB; một số hộ dù đã nhận tiền hỗ trợ, bồi thường GPMB nhưng vẫn tiếp tục có kiến nghị.

Bà Trương Thị Thắng, xóm 2, xã Công Thành phát biểu kiến nghị. Ảnh: Tiến Đông

Bà Trương Thị Thắng - xóm 2, xã Công Thành phản ánh, gia đình bà được Hội đồng bồi thường GPMB huyện lên phương án đền bù với số tiền gần 48 triệu đồng. Tuy nhiên, so sánh với gia đình bên cạnh, mặc dù gia đình bà Thắng bị ảnh hưởng nhiều hơn nhưng lại được đền bù ít hơn, dù đất của gia đình bà có từ thời điểm năm 1989. Trong khi gia đình bên cạnh đến ở năm 1992 thì được đền bù hơn 100 triệu đồng. Cho rằng không công bằng nên gia đình bà Thắng chưa nhận tiền đền bù và chưa tháo dỡ công trình.

Ông Bùi Hữu Hồng, cũng trú tại xóm 2, xã Công Thành, mua đất từ năm 1989, được cấp "bìa xanh" năm 1990 và đến năm 1995 thì được cấp bìa đỏ. Dù vậy, khi thực hiện GPMB để thực hiện Dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, ông Hồng lại phản ánh rằng gia đình mình không được nhận thông báo. Đồng thời, qua phương án đền bù mà các hộ được nhận thì có sự thiếu công bằng, có những hộ gia đình ra ở sau nhưng lại được đền bù nhiều tiền hơn.

Ông Bùi Hữu Hồng, trú tại xóm 2, xã Công Thành phát biểu trước Hội đồng bồi thường GPMB huyện Yên Thành. Ảnh: Tiến Đông

Một số hộ dân còn đề nghị nâng mức đền bù, hỗ trợ đối với các hạng mục nhà ở, ki ốt, mái tôn, sân xi măng, bờ tường... Một số hộ gia đình không nằm trong diện được đền bù, hỗ trợ nhưng vì có công trình xây dựng trái phép trên hành lang giao thông thì được đề nghị bồi thường đối với vật kiến trúc và hỗ trợ kinh phí tháo dỡ...

Nhiều hộ dân cũng nêu ý kiến cho rằng, thời điểm từ năm 1989 khi các hộ dân mua đất bám Quốc lộ 7 thì đều thông qua UBND xã. Tuy nhiên, khi xác minh thì Hội đồng bồi thường GPMB cho rằng do xã bán trái thẩm quyền và chỉ đền bù, hỗ trợ 50% giá trị bồi thường.

Ngoài ra, còn có một số hộ gia đình đã nhận tiền hỗ trợ, bồi thường và đã bàn giao mặt bằng cũng kiến nghị hỗ trợ thêm khi phải tháo dỡ hệ thống cửa cuốn, trần thạch cao... bởi vì những tài sản này nếu tháo dỡ cũng không tái sử dụng được.

Gấp rút GPMB để bàn giao cho đơn vị thi công

Theo báo cáo của Hội đồng bồi thường GPMB huyện Yên Thành, những kiến nghị của người dân từng được trả lời bằng văn bản. Đồng thời, UBND huyện Yên Thành cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh để xin ý kiến đối với một số nội dung kiến nghị, tuy nhiên do nhiều hộ chưa thống nhất nên mới tổ chức buổi đối thoại này.

Liên quan đến ý kiến của một số hộ dân thắc mắc việc mua đất và chuyển ra ở từ năm 1989 nhưng không được bồi thường, đại diện Hội đồng bồi thường GPMB trả lời rằng, một số trường hợp người dân được UBND xã giao đất trái thẩm quyền. Sau đó một số thửa đất khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được trừ phần lưu không đường, người dân không thực hiện nghĩa vụ tài chính trên khu vực này nên không được bồi thường.

Toàn cảnh buổi đối thoại diễn ra vào chiều 22/2/2024. Ảnh: Tiến Đông

Liên quan đến kiến nghị có cơ chế hỗ trợ về công tháo dỡ để gia đình thuê thợ tháo dỡ, đại diện Hội đồng bồi thường GPMB huyện Yên Thành cũng trả lời rằng, căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, việc xây dựng công trình sau ngày 1/7/2004 trên đất không đủ điều kiện bồi thường về đất thì không có quy định về việc hỗ trợ về công tháo dỡ.

Trước đó, vào ngày 9/1/2024 sau khi nhận được công văn của UBND huyện Yên Thành về tiến độ thực hiện GPMB khi thực hiện Dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, nhất là những kiến nghị của người dân liên quan đến chính sách bồi thường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 186/STNMT-QLĐĐ về việc vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 7A đoạn qua huyện Yên Thành.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND huyện Yên Thành kiểm tra, rà soát từng hồ sơ đối với đất sử dụng trước ngày 18/12/1980 mà có phần lưu không đường phải thu hồi. Trường hợp sử dụng đất ổn định, chưa được đền bù qua các thời kỳ và đầy đủ hồ sơ thì xem xét bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án theo quy định.

Đồng thời kiểm tra, rà soát hiện trạng sử dụng đất, nguồn gốc, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với những trường hợp liên quan đến bán đất trái thẩm quyền trước ngày 1/7/2004. Những trường hợp nào đảm bảo hồ sơ thì đề nghị UBND huyện đề xuất hỗ trợ khác, trình UBND tỉnh phê duyệt.

Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, Chủ tịch Hội đồng bồi thường GPMB dự án trả lời những thắc mắc của người dân tại buổi đối thoại. Ảnh: Tiến Đông

Tại buổi đối thoại, thay mặt lãnh đạo huyện Yên Thành, ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng bồi thường GPMB dự án ghi nhận những trường hợp các hộ dân đã chủ động tháo dỡ vật kiến trúc để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Đối với những trường hợp đủ điều kiện hỗ trợ khác mà UBND tỉnh đã cho phép thì huyện sẽ tổng hợp, rà soát đảm bảo quyền lợi cho nhân dân. Tuy nhiên, điều quan trọng là người dân cũng phải tự giác tháo dỡ để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Nếu hộ nào vẫn cương quyết không tháo dỡ để bàn giao mặt bằng thì huyện sẽ có phương án để bảo vệ thi công, đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Tiến Đông

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/lam-ro-nhieu-noi-dung-nguoi-dan-thac-mac-khi-giai-phong-mat-bang-quoc-lo-7-tai-huyen-yen-thanh-post285215.html