Lạm phát của Mỹ hạ nhiệt, giá vàng lập tức tăng vọt

Trong tháng 7, lạm phát của Mỹ vẫn ở mức cao, nhưng đã thấp hơn 2 tháng trước đó. Nguyên nhân chủ yếu là giá xăng trên toàn quốc giảm mạnh.

Theo số liệu được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 10/8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Mỹ đã tăng 8,5% so với một năm trước đó, thấp hơn mức tăng 9,1% của tháng 6.

So với tháng trước, giá cả đi ngang do giá nhiên liệu sụt giảm 4,6%, còn giá xăng lao dốc tới 7,7%. Trong khi đó, giá thực phẩm và nhà ở chỉ tăng lần lượt 1,1% và 0,5%.

Theo CNBC, lạm phát tháng 7 của Mỹ thấp hơn dự báo của giới quan sát. Trước đó, giới quan sát dự báo CPI sẽ tăng lần lượt 8,7% và 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái và tháng trước.

Nếu loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, CPI cốt lõi tăng 5,9% so với tháng 7 năm ngoái, thấp hơn mức dự báo là 6,1%.

Dù thấp hơn dự kiến, lạm phát tại Mỹ vẫn ở mức cao. Giá lương thực tăng vọt 10,9% sau 12 tháng, đánh dấu tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 5/1979.

Giá năng lượng thấp hơn tháng 6, nhưng vẫn tăng 32,9% sau một năm. Trong khi đó, giá điện tăng lần lượt 1,6% và 15,2% so với tháng trước và cùng kỳ năm ngoái.

Giá xăng đã lao dốc trong tháng 7 nhưng vẫn tăng 44% so với một năm trước đó. Mùa hè năm nay, giá xăng trung bình của nước Mỹ đã vượt ngưỡng 5 USD/gallon.

Chi phí nhà ở - chiếm khoảng 1/3 tỷ trọng CPI - tiếp tục tăng 5,7% so với một năm trước đó.

"Mọi thứ đang đi đúng hướng. Trong suốt một thời gian dài, đây là báo cáo đáng để ăn mừng nhất", bà Aneta Markowska - nhà kinh tế trưởng tại Jefferies - bình luận.

Báo cáo là tin tốt với người lao động Mỹ. Thu nhập thực tế trong tháng 7 của họ đã tăng 0,5% so với tháng trước. Tuy nhiên, thu nhập trung bình theo giờ vẫn giảm 3% sau một năm nếu tính cả lạm phát.

Mọi thứ đang đi đúng hướng. Trong suốt một thời gian dài, đây là báo cáo đáng để ăn mừng nhất

Bà Aneta Markowska - nhà kinh tế trưởng tại Jefferies

Các thị trường chứng khoán Mỹ đã phản ứng tích cực với báo cáo lạm phát tháng 7. Đầu phiên giao dịch ngày 10/8, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 456 điểm, tương đương 1,39%, lên 33.229 điểm.

Chỉ số S&P 500 có thêm 60,43 điểm, tương đương 1,46%, đạt 4.182 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ tăng 1,82% lên 12.722 điểm. Đây cũng là mức cao nhất của chỉ số này trong vòng 3 tháng qua.

Giá vàng thế giới cũng tăng vọt sau thông tin. Cụ thể, giá tăng dựng đứng từ 1.790,1 USDS/ounce lên 1.806,29 USD/ounce trong vỏn vẹn 15 phút. Tuy nhiên, sau khi xuyên thủng ngưỡng 1.800 USD/ounce, đánh dấu mức cao nhất trong hơn một tháng, giá kim loại quý đã điều chỉnh giảm về 1.799 USD/ounce, tăng 1 USD/ounce so với một ngày trước đó.

Tăng trưởng CPI của Mỹ giảm tốc sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mạnh tay nâng lãi suất trong những tháng qua để hạ nhiệt giá cả. Ngân hàng trung ương Mỹ đã nâng lãi suất 4 lần trong năm nay với tổng mức tăng là 2,25 điểm phần trăm.

Cuối tháng 7, FED đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, một động thái tương tự hồi tháng 6 và đánh dấu mức tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 1994.

Tại Mỹ, giá xăng trung bình trên cả nước đã lao dốc trong tháng 7 nhưng vẫn tăng 44% so với một năm trước đó. Ảnh: Reuters.

FED mạnh tay nâng lãi suất sau khi CPI tháng 6 của Mỹ tăng vọt 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng lớn nhất trong vòng 40 năm.

Theo số liệu của CME Group, hầu hết nhà đầu tư tin đều rằng FED sẽ nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ 3 liên tiếp trong cuộc họp tiếp theo diễn ra vào tháng 9.

Tuy nhiên, FED có thể không nâng lãi suất mạnh tay khi các số liệu chỉ ra lạm phát đã bắt đầu hạ nhiệt.

"Báo cáo CPI tháng 7 đã giảm bớt áp lực cho FED trong cuộc họp tiếp theo", bà Markowska nhận xét.

"Họ đã nói rằng sẽ sẵn sàng nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm nếu cần thiết. Nhưng tôi cho rằng họ không cần phải làm vậy nữa", vị chuyên gia nói thêm.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lam-phat-cua-my-ha-nhiet-gia-vang-lap-tuc-tang-vot-post1344353.html