Làm nghề nào dễ mắc bệnh bụi phổi?

Bệnh bụi phổi nghề nghiệp là bệnh phát sinh do hít phải bụi hoặc hóa chất độc hại trong quá trình lao động. Đây là bệnh khó chữa, thậm chí một số bệnh khi mắc không thể chữa khỏi được.

Bệnh bụi phổi nghề nghiệp là gì? Ai có nguy cơ mắc?

Bệnh bụi phổi là thuật ngữ chung chỉ một nhóm bệnh phổi kẽ do hít phải một số loại bụi :bụi tro, bụi mịn, hạt kim loại... Các hạt bụi này lâu dần tích tụ nhiều trong phổi dẫn đến viêm và xơ hóa nhu mô phổi.

Bệnh bụi phổi nghề nghiệp là bệnh mạn tính không thể điều trị hồi phục hoàn toàn, các phương pháp điều trị chủ yếu làm chậm quá trình xơ hóa và cải thiện triệu chứng cho người bệnh. Các cách điều trị phổ biến hiện nay là dùng thuốc (kháng sinh, giãn phế quản, long đờm, giảm ho,...), bổ sung oxy và phục hồi chức năng phổi, một vài trường hợp nặng có thể cần ghép phổi.

Bệnh phổi nghề nghiệp là bệnh phát sinh do hít phải bụi hoặc hóa chất độc hại trong quá trình lao động. Ảnh minh họa

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh bụi phổi nghề nghiệp gồm có:

Người làm trong mỏ khai thác than, quặng kim loại (nhôm, sắt, đồng,...)
Người làm nghề khai thác đá, cắt mài, nghiền đá
Sản xuất, chế biến thủy tinh, gạch chịu lửa, đồ gốm
Sản xuất vải vóc, dệt may, khai thác bông
Người tiếp xúc nhiều với amiăng và hóa chất độc hại
Người sinh sống trong môi trường ô nhiễm khói bụi nặng nề

Người lao động dễ mắc bệnh phổi nghề nghiệp nếu công tác an toàn vệ sinh lao động tại đơn vị làm không tốt. Người lao động không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang không đúng cách hoặc loại khẩu trang không có tác động ngăn bụi hô hấp và hóa chất.

Các bệnh bụi phổi hay gặp

- Bụi phổi amiang hay gọi là atbet là bệnh xơ hóa phổi do hít thở bụi amiang hỗn hợp hoặc đơn thuần gây nên. Ngày nay, việc sử dụng amiang ngày càng tăng trong nhiều ngành công nghiệp nên số người tiếp xúc với amiang và nguy cơ mắc bệnh càng cao (sản xuất ngói, xi măng (cement), gạch chịu lửa, vải cách nhiệt, má phanh ô tô, khai thác mỏ...).

Có 2 loại amiang chính là serpentin và amphibol. Bệnh thường xuất hiện sau 1 thời gian dài tiếp xúc (từ 10 – 20 năm). Các triệu chứng lâm sàng diễn biến từ khó nhận biết đến dễ nhận biết dựa vào mức độ xơ hóa phổi.

Các triệu chứng phổ biến có thể thấy là: Khó thở khi gắng sức, về sau khó thở liên tục. Tức ngực, ho, khạc đờm: triệu chứng này xuất hiện sớm hơn giống như viêm phế quản mạn tính. Khi phổi đã bị xơ hóa thì dung tích sống của phổi, hay dung tích toàn bộ của phổi đã giảm ở những mức độ khác nhau.

Trên thực tế, không thể dựa vào dấu hiệu lâm sàng để xác định bệnh lý này, vì các dấu hiệu lâm sàng thường không điển hình, và xuất hiện muộn.

- Bệnh bụi phổi bông là bệnh phổi đặc trưng bởi co thắt phế quản do hít phải bụi bông, đay, gai và lanh trong quá trình lao động.

Bụi bông là bụi xuất hiện trong không khí trong quá trình thao tác, chế biến bông, đay, lanh, gai bao gồm hỗn hợp nhiều chất như sợi bông, đay, lanh, gai, vi khuẩn, nấm, đất, hóa chất bảo vệ thực vật, các sợi thực vật không phải bông và các chất ô nhiễm khác. Chúng tích lũy với bông trong quá trình phát triển, thu hoạch hay trong các giai đoạn chế biến hoặc bảo quản sau này.

Bụi bông xuất hiện trong quá trình đóng gói, chế biến bông hoặc các hoạt động sản xuất khác có sử dụng sợi bông thô, bông phế liệu hay các sản phẩm có chứa sợi bông từ các nhà máy dệt, sợi, may.

Chẩn đoán bệnh trước tiên phải dựa vào tiền sử tiếp xúc nghề nghiệp: người lao động có nguy cơ mắc bệnh khi tiếp xúc vượt quá giới hạn cho phép với bụi bông trong môi trường lao động. Thời gian tiếp xúc tối thiểu với bụi bông để có thể mắc bệnh thế cấp tính là 2 giờ và thế mạn tính là 5 năm.

Người bệnh khi mắc thấy đau tức ngực và khó thở xuất hiện vào ngày đầu tiên trong tuần làm việc và có thế ở các ngày tiếp theo trong tuần. Nếu điều trị không dứt điểm sẽ gây biến chứng là viêm phế quản cấp hoặc mạn tính; bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD); tâm phế mạn.

- Bệnh bụi phổi Silic tự do. Người lao động làm các nghề, công việc sau đây có nguy cơ mắc bệnh:

Khoan, đập, khai thác quặng đá có chứa silic tự do;
Tán, nghiền, sàng và thao tác khô các quặng hoặc đá có chứa silic tự do;
Công việc luyện kim, đúc có tiếp xúc với bụi cát (khuôn mẫu, làm sạch vật đúc...);
Đẽo và mài đá có chứa silic tự do;
Sản xuất và sử dụng các loại đá mài, bột đánh bóng và các sản phẩm khác có chứa silic tự do;
Chế biến chất carborundum, chế tạo thủy tinh, đồ sành sứ, các đồ gốm khác, gạch chịu lửa;
Các công việc mài, đánh bóng, rũa khô bằng đá mài có chứa silic...

Bụi silic gây tổn thương phối gây khó thở. Đây là dạng phổ biến nhất của bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp. Bụi phổi silic cấp tính xảy ra sau khi tiếp xúc với bụi silic có hàm lượng silic tự do cao trong một khoảng thời gian ngắn. Tổn thương phổi và các triệu chứng xảy ra nhanh hơn so với bệnh bụi phổi silic mạn tính.

Chẩn đoán bệnh đầu tiên phải dựa vào tiền sử tiếp xúc nghề nghiệp: người lao động có nguy cơ mắc bệnh khi tiếp xúc vượt quá giới hạn cho phép với bụi chứa silic tự do trong môi trường lao động.

Khi mắc người bệnh khó thở khi gắng sức, sau đó là khó thở thường xuyên; đau tức ngực, ho.

Bụi silic gây tổn thương phối gây khó thở, đây là dạng phổ biến nhất của bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp. Ảnh minh họa.

- Bệnh bụi phổi Talc (Occupational talcosis): là bệnh xơ hóa phổi do hít phải bụi talc trong quá trình lao động. Talc trong mỏ cũng như bột talc công nghiệp thường có lẫn silic và amiang. Người lao động làm việc tại mỏ có chứa quặng talc hoặc tiếp xúc với bụi talc công nghiệp có thể bị mắc bệnh bụi phổi talc.

Người lao động làm các nghề, công việc sau đây có nguy cơ mắc bệnh: sản xuất gốm sứ, giấy, chất đèo, sơn, cao su, mỹ phẩm, dược phẩm và các nghề, công việc khác có tiếp xúc với bụi talc.

Khi mắc, người bệnh thấy mệt mỏi, suy nhược; ho khạc đờm thường xuyên; tức ngực, khó thở. Bệnh thường kết hợp với lao phổi, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng, điều trị biến chứng, điều trị phục hồi khả năng lao động và điều trị dự phòng.

- Bệnh bụi phổi than (Anthracosis): là tình trạng bệnh lý ở phổi do thở, hít một số lượng lớn bụi than vào phổi, bụi than lắng đọng xung quanh các phế quản nhỏ, vách các phế nang và các động mạch phổi nhỏ đi kèm, tạo thành những ổ bụi.

Bệnh bụi phổi than (BBPT) có thể chia ra 2 nhóm chính là: BBPT đơn thuần và BBPT có biến chứng. Trong BBPT đơn thuần, các ổ khí phế thũng vây quanh các ổ bụi còn ở BBPT có biến chứng, các sợi tạo keo gặp trong các ổ bụi rải rác. Các tổn thương này phát triển và chen lấn vào nhau để tạo thành những vùng xơ hóa khối tiến triển.

BS. Nguyễn Nghiêm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lam-nghe-nao-de-mac-benh-bui-phoi-169240112164414186.htm