Làm giàu từ rừng ở Quảng Ninh

Đến thăm khu rừng của gia đình ông Lý Thanh Bình, thôn Khe Xóm, xã Phong Dụ (huyện Tiên Yên), nhiều cán bộ tham gia triển khai dự án tại địa bàn này không còn nhận ra vùng đất trống, đồi trọc hoang hóa trước kia. Gia đình ông Bình là một trong những hộ đầu tiên của thôn tham gia thực hiện dự án trồng rừng Việt - Đức từ năm 2003. Trước đây người dân địa phương chỉ biết đốt, phá rừng lấy củi, làm nương, nay nhờ được giúp đỡ vốn, trợ giúp kỹ thuật, gia đình ông Bình trồng gần 10 ha rừng, chủ yếu là cây thông, trám, mỡ. Chỉ vài năm nữa, khi thông được khai thác, chắc chắn ông Bình sẽ có một khoản thu nhập lớn. Giờ ở xã có rất nhiều hộ sắp trở thành "triệu phú" từ rừng, người dân trong thôn không lo bị đói, cán bộ cũng không phải lo dân phá rừng nữa...

Dự án được CHLB Đức viện trợ không hoàn lại trên quy mô lớn với mục tiêu trồng, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh và quản lý bền vững 15.500 ha rừng, tại 135 thôn, bản của 24 xã thuộc các huyện Đông Triều, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ và TP Móng Cái. Các hoạt động mà dự án đã tiến hành ở Quảng Ninh là quy hoạch sử dụng đất vi mô cấp thôn, bản nhằm xác định rõ hiện trạng rừng hiện có, rừng trồng mới, loại cây trồng phù hợp với từng loại đất, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người dân tham gia thực hiện dự án, thành lập các nhóm nông dân làm nghề rừng. Sau giai đoạn xây dựng vốn rừng, dự án sẽ bàn giao cho địa phương quản lý. Trước kia, chính sách giao đất, khoán rừng còn nhiều bất cập, không dựa trên bất cứ một quy hoạch tổng thể, giao một cách tràn lan trong điều kiện nhân dân không có vốn đầu tư trồng rừng, lợi ích về kinh tế và chính sách hưởng lợi từ rừng chưa cụ thể nên đã không khuyến khích người dân cũng như các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế từ rừng. Vì vậy tỉnh Quảng Ninh xác định: Từ trước đến nay ngân sách Nhà nước đầu tư rất nhiều cho các dự án, chương trình trồng rừng, nhưng với dự án trồng rừng Việt - Đức này đã gợi mở cho tỉnh Quảng Ninh, nhất là các huyện miền núi đang nằm trong vùng một phương pháp quản lý, tổ chức thực hiện các dự án trồng rừng mới, rất ưu việt. Dự án trở thành động lực góp phần thực hiện tốt các chế độ chính sách giao đất, giao rừng của Nhà nước, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân về bảo vệ tài nguyên. Dự án trồng rừng Việt - Đức là một điển hình về phương pháp tổ chức, quản lý và triển khai thực hiện để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai các dự án khác đạt hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Phương pháp tổ chức, quản lý được coi là mới và tiên tiến của dự án trồng rừng Việt - Đức tại Quảng Ninh là: Người dân tham gia dự án được giao từ 0,5 đến hai ha đất trồng rừng/hộ, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 50 năm và được hưởng lợi toàn bộ sản phẩm rừng trồng dự án của gia đình mình. Các hộ được tập huấn kỹ thuật trồng rừng, làm vườn rừng, cung cấp vật tư (gồm cây giống, phân bón miễn phí). Đặc biệt được hỗ trợ kinh phí bù đắp công lao động khi đầu tư vào trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng thông qua tài khoản tiền gửi tại ngân hàng. Kinh phí bù đắp công lao động được trả theo tiến độ trồng rừng, các hộ trồng được rừng đến đâu, cán bộ đến nghiệm thu và cấp tiền đến đó. Những hộ tham gia thực hiện dự án bầu ra nhóm trưởng nhóm nông dân trồng rừng, nhóm hỗ trợ thôn, bản là người đại diện quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Họ được tham gia lựa chọn loại cây trồng phù hợp điều kiện đất đai, khí hậu và điều kiện canh tác của mình, được xây dựng phương án trồng rừng với nhà đầu tư. Cách làm này đã làm cho người dân miền núi thấy rõ đây là tài sản của mình, rừng là của mình chứ không phải là của chung nên hăng hái và tận tình tham gia trồng, chăm sóc, và bảo vệ rừng. Đồng thời từng bước tạo điều kiện cho người dân tiếp cận và làm quen dần với hệ thống ngân hàng. Anh Chíu Chăn Lỷ, Trưởng thôn Khe Xóm, xã Phong Dụ, cho biết, cả thôn có 22 hộ, những ngày đầu đi vận động bà con tham gia dự án gặp rất nhiều khó khăn bởi họ chưa thấy được lợi ích thiết thực của dự án mang lại, vì thế cán bộ trong thôn phải gương mẫu đi đầu nhận đất trồng rừng. Năm đầu, toàn thôn chỉ trồng được bảy ha rừng thì đến nay đã trồng được gần 100 ha, trong đó có hộ trồng nhiều từ tám đến 10 ha. Đời sống của bà con trong thôn có sự đổi thay rõ rệt, đến nay hộ nghèo đã giảm xuống còn năm hộ. Mong muốn hiện nay của người dân trong thôn là Nhà nước tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đường vận xuất trong các lô rừng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trồng và khai thác rừng ngày càng hiệu quả hơn. Phó Giám đốc Ban quản lý dự án trồng rừng Việt - Đức huyện Tiên Yên, Lý Văn Giểng cho biết, qua tham gia dự án, cán bộ Ban quản lý rừng ở thôn, bản trở thành những "tiểu giáo" viên để hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho nông dân về kinh nghiệm quản lý rừng nói riêng và phát triển lâm nghiệp cộng đồng nói chung. Từ năm 2002 đến năm 2008, trên địa bàn huyện đã mở được 1.455 tài khoản cho các hộ tham gia dự án, thông qua việc mở tài khoản cá nhân chúng tôi học được cách quản lý, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả không để xảy ra tình trạng lãng phí và thất thoát vốn. Đặc biệt mô hình quản lý rừng tự nhiên dựa vào cộng đồng triển khai tại xã Tiên Lãng và Phong Dụ đang phát huy hiệu quả, hạn chế tối đa các vụ phá rừng và khai thác trái phép, rừng bắt đầu được phục hồi và có triển vọng tốt. Huyện đang cho nhân rộng ra 15 thôn trên địa bàn với tổng diện tích rừng tự nhiên đưa vào quản lý tại cộng đồng là 1.106 ha. Tỉnh Quảng Ninh đánh giá rất cao về hiệu quả của dự án trồng rừng Việt - Đức tại Quảng Ninh bởi mô hình quản lý của dự án được tổ chức một cách chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở. Ở cấp tỉnh có ban điều hành dự án, cấp huyện có ban quản lý, có cán bộ hiện trường, có bộ phận giúp việc gồm chủ tịch UBND xã, trưởng thôn, phổ cập viên... So với các dự án trồng rừng khác đã từng triển khai trên địa bàn các tỉnh miền núi như: Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh thì dự án trồng rừng Việt - Đức đã chứng tỏ ưu điểm lớn hơn rất nhiều, đó là, địa điểm lựa chọn thực hiện dự án chủ yếu ở những vùng đất xấu, đất trống, đồi trọc; ở các xã giao thông đi lại rất khó khăn, hiện trường trồng rừng xa khu dân cư. Việc triển khai dự án đã từng bước dạy cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi cách thoát nghèo ngay trên mảnh đất mình đang sinh sống, đồng thời chỉ ra cho các cơ quan quản lý nhà nước cách quản lý, tổ chức thực hiện một chương trình dự án sao cho hiệu quả. Dự án đã tạo việc làm cho hàng nghìn đồng bào là người dân tộc thiểu số ở những nơi vùng sâu, vùng xa, góp phần quan trọng vào chương trình xóa đói, giảm nghèo ở các huyện miền núi, đồng thời đưa Quảng Ninh thành địa phương có tốc độ che phủ rừng tăng một cách nhanh chóng từ 38% năm 1998 lên 45,02% năm 2005 và tăng gần 10% so với bình quân chung của cả nước. Bài và ảnh: QUANG THỌ

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=151609&sub=56&top=38