Làm gì để nhà nhà được tiếp cận nước an toàn?

Là quốc gia có mạng lưới sông ngòi dày đặc, nhưng Việt Nam lại đang thuộc nhóm quốc gia 'thiếu nước' do lượng nước mặt bình quân chỉ đạt 3.840 m3/người/năm, thấp hơn chỉ tiêu 4.000 m3/người/năm của Hội Tài nguyên Nước quốc tế (IWRA). Làm gì để nhà nhà được tiếp cận nước sạch và an toàn - đến nay vẫn là một vấn đề chưa có lời giải thấu đáo.

Hiệu quả từ Chương trình Đảm bảo cấp nước an toàn

Nước sạch có vai trò quan trọng đặc biệt như thế nào đối với đời sống, sức khỏe con người và an ninh quốc gia… hẳn nhiều người đã biết. Đơn cử, chỉ một ngày bị mất nước là cả cộng đồng nhốn nháo; hễ nghe tin nguồn nước đang sử dụng không đảm bảo là nhà nhà hoang mang. Ô nhiễm nguồn nước đã được khẳng định là nguyên nhân dẫn đến bệnh đường ruột, bệnh tiêu chảy nguy hiểm; nhiều cuộc chiến tranh giành nguồn nước cũng đã được sử sách ghi lại…

Chính bởi xác định được tầm quan trọng của nước sạch, nên thời gian qua, Đảng, nhà nước ta đã có nhiều chính sách nhằm bảo đảm cho người dân được sử dụng nước sạch, đặc biệt là khu vực nông thôn. Trong đó có Thông tư 08/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng về hướng dẫn thực hiện đảm bảo cấp nước an toàn và Quyết định 1566/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ ngày 09/8/2016 Phê duyệt Chương trình Quốc gia Đảm bảo cấp nước an toàn giai đoạn 2016-2025.

Với những chính sách này, hầu hết các địa phương trên cả nước đã thành lập được Ban chỉ đạo cấp nước, công tác kiểm soát chất lượng nước nhờ đó cũng tốt hơn, giảm thiểu rủi ro từ nguồn nước; không ít tỉnh, thành phố đã đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước khá hoàn chỉnh.

“Kết quả này đã giúp Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) đánh giá là quốc gia đi đầu trong cấp nước an toàn cả đô thị và nông thôn. Bộ Xây dựng nhiều lần được mời chia sẻ kinh nghiệm với các nước châu Á, Trung Phi…. Đặc biệt, từ chỗ có nguồn nước nào dùng nước đó, đến nay việc đánh giá chất lượng nước đã gắn với nhiều chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể, nhằm nâng cao chất lượng nước cung cấp cho người dân” – ông Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam – phấn khởi chia sẻ.

Người dân tộc Mông ở xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái vui mừng vì có nước sạch về tận thôn, bản

Đến từ đất mũi Cà Mau – địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng xâm nhập mặn, ông Nguyễn Quốc Hận (Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau), cho hay: Cà Mau có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt nên bị ảnh hưởng trầm trọng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, diện tích nước ngọt của Cà Mau đang ngày càng bị thu hẹp. Qua 3 năm thực hiện cấp nước an toàn, việc cung cấp nước ngọt ở Cà Mau đã có những cải thiện rõ rệt (95% dân số ở thành thị đã được sử dụng nước sạh, hợp vệ sinh; con số này ở nông thôn là 92%).

Tuy nhiên, cũng theo ông Hận, Cà Mau hiện vẫn hơn 18.000 hộ tại 14 điểm và 1 đảo không có nước sạch, bà con đang phải mua nước giá cao từ nơi khác đến – rất bất tiện và tốn kém.

Nước sạch nông thôn – vì sao vẫn khát?

Nếu như Cà Mau và nhiều tỉnh miền Tây thiếu nước do tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm; thì ở nhiều tỉnh miền núi, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn đang khai thác nguồn nước tự nhiên từ sông, suối, nước mưa… để sinh hoạt, bất chấp những rủi ro bệnh tật có thể xảy ra. Ở vùng cao núi đá như Lục khu tỉnh Cao Bằng, Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) và một số tỉnh Tây Nguyên …, việc có nước dùng thoải mái, vẫn là ước mơ thường nhật của nhiều người dân.

Vậy nhưng, nghịch lý là thực tế lại vẫn còn nhiều trạm cấp nước bỏ hoang; nhiều người dân chưa “mặn mà” với nước sạch…

Nguyên nhân của vấn đề này, theo ông Nguyễn Hồng Tiến là do quá trình triển khai Chương trình Quốc gia Đảm bảo cấp nước an toàn vẫn chưa thật sự triệt để, nhiều Ban chỉ đạo cấp nước địa phương chỉ thành lập theo kiểu hình thức, có Ban chỉ đạo hầu như không hoạt động. Cơ chế kiểm tra, kiểm soát của các Ban chỉ đạo chưa thực hiện chặt chẽ nên kế hoạch cấp nước sạch đạt hiệu quả chưa cao; việc định giá nước vẫn còn nhiều bất cập….Trong khi, cấp nước an toàn và chống thất thoát luôn là vấn đề sống còn của mỗi đơn vị. Hơn thế, nước là một loại hàng hóa đặc biệt, liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người nên việc Nhà nước phải có cơ chế, quy chế quản lý như thế nào để phù hợp – vẫn là vấn đề đang còn nhiều vướng mắc.

Một lượng lớn nước ngầm đang được khai thác để phục vụ sản xuất nông nghiệp

Cũng liên quan đến vấn đề chất lượng nước hiện nay, ông Nguyễn Trung Chiến, Chuyên gia cao cấp Liên minh nước và sức khỏe Việt Nam lo ngại: Tuy tài nguyên nước bề mặt của nước ta tương đối dồi dào, nhưng chất lượng nguồn nước cấp từ sông, suối, ao hồ này lại đang bị ô nhiễm nặng, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người (con số 250.000 ng nhập viện vì tiêu chảy/năm và 2.000 người ung thư/năm ở Việt Nam được xác định một phần nguyên nhân là từ nguồn nước). Chưa tính đến, các nguồn nước ngầm nhiều nơi hiện nay cũng đang trở nên ô nhiễm và thiếu thốn do bị khai thác quá mức.

“Ở nông thôn Việt Nam vẫn phổ biến chuyện nhiều làng nghề, hộ chăn nuôi lớn xả thải tực tiếp ra môi trường mà không qua xử lý. Theo tính toán, hiện chỉ có 10-11% nước thải được xử lý. Bên cạnh đó, khai thác nguồn nước quá mức (khoan giếng sinh hoạt, tưới cây công nghiệp; sử dụng phân bón, hóa chất) đang dẫn đến ô nhiễm nguồn nước lớn). Trong khi đó, kiểm soát, giám sát các yếu tố nguy cơ… gần như bị “bỏ ngỏ” do cá nhân, tổ chức thực hiện thiếu trách nhiệm; áp dụng công nghệ lạc hậu…” – ông Nguyễn Trung Chiến nhấn mạnh.

Cần đặt tài nguyên nước về đúng vị trí quan trọng vốn có!

Sử dụng nước sạch đã trở thành thói quen của người dân ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình

Theo thống kê của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), Việt Nam hiện có khoảng 17,2 triệu người (tương đương 21,5% dân số) đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan, chưa được kiểm nghiệm hay qua xử lý. Dân số của Việt Nam lại ngày một tăng, kéo theo nhu cầu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt tăng cao… Thực tế này đang và sẽ tác động không nhỏ đến an ninh nguồn nước. Chính vì vậy, song song với việc huy động nguồn lực xây dựng hệ thống cấp nước an toàn thì đã đến lúc, công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng cũng cần được quan tâm, sát sao, đúng mực hơn. Đặc biệt, chính quyền địa cơ sở cần được xem là yếu tố không thể thiếu trong việc vận động người dân sử dụng nước sạch, bảo vệ nguồn nước.

Có cơ hội đến nhiều vùng miền, gặp gỡ và đồng cảm với những trăn trở của người dân thiếu nước ngọt, từ góc nhìn lập pháp và giám sát, ông Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội- cho rằng, tất cả các vụ việc dẫn đến ô nhiễm trầm trọng nguồn nước trên diện rộng phải được xem là tội ác và cần được xử lý nghiêm minh. Về lâu dài, việc bám sát những quy định của Chính phủ về cấp nước an toàn để tạo hành lang pháp lý, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng lên thành Luật là cần thiết! Có như vậy mới mong giải quyết căn cơ, chặt chẽ vấn đề đảm bảo cấp nước an toàn; đưa nguồn tài nguyên nước về đúng vị trí đặc biệt quan trọng mà nó vốn có.

Hoàng Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lam-gi-de-nha-nha-duoc-tiep-can-nuoc-an-toan-139056.html