Làm gì để ngăn chặn tình trạng lạm thu đầu năm học?

Ngày 18-9, sau khi Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố các sai phạm của một số trường học về nhiều khoản thu không đúng quy định đầu năm, dư luận lại 'nóng' lên vấn đề bức xúc diễn ra từ nhiều năm nay.

Biến tướng các loại phí đầu năm học

Trong buổi làm việc với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ngày 19-9, ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính, Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho biết: "Tính đến thời điểm hiện tại, đường dây nóng phản ánh về tình trạng lạm thu của sở (được mở từ ngày 5-9) nhận được 16 cuộc gọi phản ảnh. Trong số đó có 6 cuộc gọi của phụ huynh, mong muốn được thông tin cụ thể về các khoản thu ở nhà trường; 10 cuộc gọi còn lại phản ảnh về tình trạng thu trái quy định. Con số này trong năm học 2016-2017 là 185 cuộc gọi, trong đó có 29 thông tin phản ảnh qua kiểm tra là chính xác.

Những ngày qua, nhiều vụ việc lạm thu vẫn xảy ra ở Hà Nội. Trong đó, Sở GD&ĐT TP Hà Nội đã chỉ đạo phòng GD&ĐT các quận, huyện tiến hành kiểm tra và kiên quyết xử lý một số trường như: Trường Tiểu học Hải Bối (huyện Đông Anh), Trường Tiểu học Chúc Sơn A (huyện Chương Mỹ), Trường Tiểu học Uy Nỗ (huyện Đông Anh)…

Theo kết quả thanh tra Bộ GD&ĐT vừa công bố, có 4 cơ sở trường học bị thanh tra có vi phạm về các khoản thu đầu năm. Trong đó, có trường thu sai quy định một cách nghiêm trọng. Trường Tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình (Hà Nội) có 10 khoản thu đầu năm theo diện tự nguyện được quy định mức thu và tổ chức thu không đúng, như: Thu tiền học 2 buổi/ngày số tiền 100.000 đồng/học sinh/tháng; tiền sổ liên lạc điện tử 40.000 đồng/học sinh/tháng… Bên cạnh đó, trường còn có khoản thu gọi là tự nguyện đóng góp của 254 phụ huynh có con vào lớp 1 với tổng số tiền là 408.300.000 đồng. Tương tự, Trường Tiểu học Uy Nỗ, huyện Đông Anh còn đề ra nhiều khoản thu núp dưới danh nghĩa là tự nguyện khác, như: Chủ trương thu tiền lắp điều hòa 1.000.000 đồng/học sinh đối tượng đầu cấp; thu tiền lắp máy chiếu 500.000 đồng/học sinh…

Trường Tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình, TP Hà Nội có 10 khoản thu tự nguyện không đúng mức thu và thực hiện thu không đúng.

Không chỉ riêng TP Hà Nội, nhiều địa phương khác, tình trạng thu sai quy định cũng xảy ra. Tại Trường Tiểu học Đặng Cương, huyện An Dương (TP Hải Phòng), theo kết quả thanh tra của Bộ GD&ĐT thì có đến 18 khoản thu dưới danh nghĩa thu tự nguyện và thu xã hội hóa. Với phép tính cộng sơ bộ, nếu như đối tượng học sinh phải đóng hết các khoản thì số tiền phải đóng góp lên đến gần 8 triệu đồng. Đặc biệt, trong đó có những khoản thu “lạ” như: Vận động hỗ trợ ủng hộ 500.000 đồng/học sinh; tổ chức câu lạc bộ trong hè 800.000 đồng/học sinh…

Có thể thấy, tình trạng thu các khoản sai quy định trong các nhà trường đang núp dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể được biến tướng thành các khoản thu xã hội hóa, thu tự nguyện hay dưới danh nghĩa hội phụ huynh… Nói về điều này, ông Tống Duy Hiến, Phó chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT chỉ rõ: Quá trình thanh tra việc thu, chi ở một số cơ sở giáo dục, có thể thấy, nhiều khoản thu thỏa thuận (tự nguyện) các trường thực hiện không đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Nhiều khoản thu được ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra thu theo mức bình quân trái với Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22-11-2011 của Bộ GD&ĐT về Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh. Đặc biệt, có địa phương, Chủ tịch UBND xã tự phê duyệt mức thu và các khoản thu tự nguyện không đúng quy định.

Phải giải quyết căn cơ từ gốc

Tình trạng lạm thu đầu năm học đang ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của ngành giáo dục, gây ra tâm lý nặng nề, thậm chí bức xúc cho nhiều phụ huynh học sinh và cả xã hội, làm phai nhạt niềm tin của xã hội dành cho các thầy giáo, cô giáo. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục vi phạm là cần thiết. Song cần phải tìm ra nguyên nhân và có những giải pháp căn cơ để ngăn chặn từ gốc vấn đề này.

Trong đơn thư của phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Hải Bối, huyện Đông Anh (TP Hà Nội) mà chúng tôi nhận được nêu rõ: Một số khoản thu tự nguyện được cho là dưới dạng ép phụ huynh đóng. Trong đó có chủ trương thu xã hội hóa giáo dục 300.000 đồng/học sinh. Giải trình về điểm này, bà Bùi Thị Sinh, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Nhà trường hiện chưa triển khai vận động xã hội hóa giáo dục do còn chờ cấp trên phê duyệt. Mặc dù vậy, trên thực tế nhà trường đã phải tiến hành tu sửa, chỉnh trang cơ sở vật chất, chuẩn bị cho năm học mới. Nhất là cải tạo, sửa chữa phần lớn các nhà vệ sinh đã xuống cấp, quá tải…

Như vậy, nhu cầu về các khoản chi phù hợp đầu năm của các nhà trường là có thật. Chính cái khó của nhiều cơ sở giáo dục khi tìm nguồn kinh phí cũng là nguyên nhân xuất hiện các khoản thu chưa đúng với quy định. Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ GD&ĐT lý giải: Có một thực tế là hiện nay, cơ sở vật chất ở nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước xuống cấp. Các địa phương đã vận dụng xã hội hóa để thu. Bên cạnh đó, các địa phương khi phân bổ ngân sách cho các trường có tiêu chí riêng, nhưng theo quy định phải bảo đảm chi cho lương là 82% và chi 18% cho các hoạt động thường xuyên. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều địa phương do ngân sách hạn hẹp nên chi tới 90%, thậm chí là cao hơn cho lương và các khoản theo lương. Điều đó dẫn đến kinh phí cho hoạt động thường xuyên bị thiếu hụt. Từ đó, các cơ sở giáo dục phải tự tìm cách bù vào. Chính vì thế, để tránh việc lạm thu thì trước hết nguồn kinh phí cho hoạt động thường xuyên của các cơ sở trường học phải được cân đối và cấp đủ theo quy định.

Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính, Sở GD&ĐT TP Hà Nội cũng chỉ rõ: Trong các nguyên nhân lạm thu, ngoài nguyên nhân từ phía nhà trường cũng có tâm lý của phụ huynh là mình đóng góp cho nhà trường, thể hiện tình cảm với nhà trường là tốt. Chính vì thế, cha mẹ học sinh tự ý thống nhất với nhau thu nhiều khoản trái quy định. Để tránh được điều đó, người đứng đầu các nhà trường cần thông tin một cách đầy đủ, minh bạch các quy định thu, chi, các khoản thu cho phụ huynh được biết. Có như vậy sẽ tránh được việc thu, chi sai quy định dưới danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh và gây tâm lý không tốt cho nhiều phụ huynh.

PGS, TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Bản thân phụ huynh, vì một số lý do đã không lên tiếng trước các khoản thu sai. Khi đóng tiền rồi mới có ý kiến. Điều này gây ra tâm lý không tốt. Để tránh được lạm thu, cần minh bạch thu, chi; có hình thức kỷ luật đối với vi phạm một cách nghiêm minh để răn đe, tránh tình trạng lạm thu của các cơ sở giáo dục.

Cùng với việc kiên quyết xử lý các sai phạm trong thu, chi thì giải quyết tốt công tác tài chính cho giáo dục, có các quy định cụ thể, chấn chỉnh lại hoạt động thu, chi sẽ là các giải pháp lâu dài để góp phần ngăn ngừa từ gốc tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục.

DUY VĂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/lam-gi-de-ngan-chan-tinh-trang-lam-thu-dau-nam-hoc-518265