Làm gì để hỗ trợ điện ảnh trong phát triển du lịch?

Có lẽ chúng ta không cần nói thêm nhiều về những lợi ích của điện ảnh với du lịch. Số liệu thực tế sau mỗi bộ phim thành công lôi kéo khán giả đến các điểm quay trong phim đã đủ để nói lên tất cả.

Phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" đã mang lại cho Phú Yên biệt danh xứ hoa vàng cỏ xanh - Ảnh: ĐPCC

Phú Yên đã trở thành điểm du lịch “nóng” trong nước sau khi Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ra mắt.

Tràng An thành điểm đến của nhiều khách du lịch sau khi bộ phim Hollywood Kong: Đảo Đầu Lâu ra mắt.

Rất nhiều bạn trẻ sau khi xem Em và Trịnh đã đi check-in ở các bối cảnh tại Huế và Đà Lạt.

Chúng ta có thể tham khảo các nước xung quanh về cách thu hút lượng lớn khách du lịch từ các bộ phim điện ảnh quốc tế thành công.

Điện ảnh đem lợi ích gì cho du lịch?

Trước tiên phải kể đến The Lord of the Rings và du lịch New Zealand. Bộ phim The Lord of the Rings được quay tại New Zealand, với các cảnh quay tại các địa điểm đẹp như ngọn núi, cánh đồng và hồ nước.

Qua bộ phim, New Zealand đã được giới thiệu đến với khán giả quốc tế như một điểm đến du lịch hấp dẫn với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Sau đó, du lịch tại New Zealand đã tăng đáng kể, với lượng khách du lịch quốc tế đến thăm các địa điểm quay phim tăng lên.

Bối cảnh đẹp như mơ của The Lord of the Rings thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng ở New Zealand - Ảnh: Newzealand.com

Phim Eat, Pray, Love (2010) - bộ phim do Julia Roberts đóng chính - đã được quay tại Bali, Indonesia. Sau khi phim ra mắt, du lịch tại Bali đã tăng đáng kể. Theo Bộ Du lịch Indonesia, vào năm 2010, sau khi phim được phát hành, số lượng khách du lịch nước ngoài đến Bali đã tăng 39% so với năm trước đó.

Các địa điểm quay phim nổi tiếng trong phim, như biển Padang-Padang, đã trở thành điểm đến phổ biến cho du khách quốc tế.

Bộ phim truyền hình nổi tiếng Game of Thrones đã quay cảnh tại thành phố Dubrovnik ở Croatia, biến nơi đây thành "King's Landing" - một trong những địa điểm quan trọng nhất trong bộ phim.

Điều này đã tạo ra sự tò mò và quan tâm đến Dubrovnik, và du lịch tại thành phố này đã phát triển mạnh sau đó. Du khách đến Dubrovnik để khám phá các địa điểm quay phim và trải nghiệm không gian được thể hiện trong bộ phim.

Ở Việt Nam, chúng ta thường từ chối các dự án phim quốc tế vì e ngại họ mô tả hình ảnh xấu của Việt Nam trên phim ảnh.

Nhưng trên thực tế, khán giả thế giới không vì sợ giang hồ xã hội đen nhan nhản trên phim Hong Kong mà không đến Hong Kong, không vì sợ mafia Nhật Bản mà sợ đến Nhật du lịch, không phải vì sợ khủng bố ở Mỹ mà từ chối đến Mỹ du lịch.

Trái lại, khi một bộ phim thành công, nó còn kích cầu du lịch. Không hẳn lúc nào các bộ phim cũng nhất thiết phải mô tả cuộc sống tươi đẹp, cảnh đẹp thì mới thu hút khách du lịch. Có rất nhiều bộ phim tuy câu chuyện đen tối, nhưng bộ phim hay và hấp dẫn vẫn khiến khán giả đến tham quan địa điểm đã từng quay.

Dưới đây là một vài ví dụ để chúng ta có thể thấy điều này.

Hiện tượng phim Squid Game (Trò chơi con mực) mô tả Hàn Quốc là một đất nước đẩy người nghèo vào chỗ chết, người nghèo phải tham gia một trò chơi giết lẫn nhau để giành tiền, nhưng có lẽ chẳng mấy ai tỉnh táo lại tin rằng xã hội thật ở Hàn Quốc như thế.

Sau bộ phim, du lịch Hàn Quốc lại tăng vọt.

Squid Game làm khán giả đổ xô đến đảo Jeju, Hàn Quốc - Ảnh: Netflix

Chẳng hạn, đảo Jeju - Hàn Quốc được đề cập một lần trong trò chơi bi thứ tư khi Sae Byeok nói với Ji Young rằng cô ấy thực sự muốn đến đảo Jeju với em trai của mình sau khi trò chơi kết thúc. Jeju trở nên phổ biến ngay sau khi phim phát hành trên Netflix.

Trong năm 2021 khi phim ra mắt, Google Trends cho thấy Jeju có số điểm tìm kiếm cao nhất là 100. So với năm 2019 và 2020, nó chỉ đạt được số điểm là 20.

Chính quyền tỉnh Jeju đã triển khai các sự kiện quảng cáo, bao gồm tổ chức trò chơi tách kẹo đường trong Squid Game để thu hút du lịch về hòn đảo này.

Hiện tượng Money Heist (Phi vụ triệu đô) của Tây Ban Nha mô tả về một băng cướp nhà băng làm náo loạn Madrid nhưng không khiến thế giới nhìn Tây Ban Nha như một đất nước của tội phạm, mà còn giúp cho Madrid trở thành thành phố được nhắc đến nhiều hơn trong thời gian series vừa phát hành.

Quảng trường Callao ở Madrid, một trong những bối cảnh nổi tiếng của phim Money Heist - Ảnh: Travel.earth

Thông qua phân tích từ 1.117 tweet trên mạng xã hội Twitter (nay là X), Money Heist là phim được tweet nhiều nhất và trong đó có tới 14% tweet nhắc đến Madrid.

Với số lượng tweet được truy xuất, không thể suy ra rằng tiềm năng du lịch màn hình ở Madrid bắt nguồn từ phim Money Heist. Tuy nhiên, 56% tweet được gửi bởi những người không cư trú ở Madrid và 43% người gửi không phải là người Tây Ban Nha, cho thấy tiềm năng phát triển du lịch nhờ phim Money Heist.

Những khó khăn

Các nhà làm phim khi đến các địa phương thông thường gặp nhiều khó khăn trong các thủ tục hành chính. Có quá nhiều giấy tờ, các ban bệ, đôi khi không thống nhất về mặt yêu cầu thủ tục.

Chẳng hạn, Luật Điện ảnh đã không còn yêu cầu các hãng phim duyệt kịch bản phim để được cấp phép quay, nhưng các địa phương vẫn yêu cầu giấy kiểm duyệt khiến các hãng phim rất khó xử.

Các địa phương cũng chỉ thường tập trung giới thiệu các địa điểm du lịch nổi tiếng, nhưng với các nhà làm phim, họ cũng mong muốn tìm những địa điểm quay phim mới lạ chưa từng xuất hiện trên phim.

Nếu không được người địa phương giới thiệu, các nhà làm phim có thể mất nhiều thời gian để tự đi tìm khám phá, hoặc không bao giờ biết đến những địa điểm đẹp này.

Chính sách thu hút

Có thể rút ra những kinh nghiệm thực tế trong quá trình làm phim điện ảnh liên kết với du lịch như sau:

Cần nắm vững văn hóa địa phương. Trước khi bắt đầu làm phim, nhà làm phim phải nghiên cứu và hiểu rõ văn hóa, lịch sử và đặc điểm của địa phương nơi bạn định quay phim. Điều này giúp bạn xây dựng được câu chuyện phù hợp và tạo ra sản phẩm phim tương thích với nền văn hóa địa phương.

Hợp tác với địa phương. Cần xây dựng mối quan hệ và hợp tác với các đối tác địa phương như cơ quan du lịch, nhà sản xuất địa phương và cộng đồng địa phương. Điều này giúp bạn có được sự hỗ trợ, tư vấn và thông tin cần thiết để thực hiện quá trình làm phim một cách hiệu quả và thuận lợi.

Cầu Trường Tiền của Huế trong phim Em và Trịnh - Ảnh: ĐPCC

Hãy sử dụng cảnh quay thực tế. Khi làm phim liên kết với du lịch, hãy tận dụng cảnh quay thực tế tại các địa điểm du lịch nổi tiếng và đẹp mắt. Những cảnh quay này không chỉ mang lại giá trị hình ảnh cao mà còn giới thiệu vẻ đẹp của địa phương đến với khán giả trên toàn thế giới.

Chú trọng tiếp thị và quảng bá. Để tăng tiềm năng kích cầu du lịch, hãy đảm bảo rằng bạn có kế hoạch tiếp thị và quảng bá sản phẩm phim của mình. Sử dụng các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và các kênh truyền thông khác để giới thiệu bộ phim và tạo sự quan tâm từ khán giả.

Nhà làm phim hợp tác với ngành du lịch. Hợp tác này có thể bao gồm cung cấp thông tin và hình ảnh cho các chiến dịch quảng bá du lịch, tổ chức các sự kiện liên quan đến phim và du lịch, và thiết lập các gói du lịch đặc biệt dựa trên nội dung phim.

Nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh (từ trái sang) gặp gỡ để thảo luận về dự án phim điện ảnh "Ngày xưa có một chuyện tình" quay tại Phú Yên - Ảnh: NVCC

Các địa phương cần làm gì?

Để tạo thuận lợi cho các đoàn phim đến quay phim tại các địa phương, các nước thường sẽ có các ủy ban điện ảnh với cơ sở từ cấp nhà nước đến cấp địa phương.

Các hoạt động và chính sách mà các ủy ban điện ảnh này hỗ trợ bao gồm:

Cung cấp thông tin và tư vấn: Thông tin chi tiết về địa phương, bao gồm cảnh quay, địa điểm, hỗ trợ sản xuất, quy định và thủ tục pháp lý, tư vấn về các vấn đề kỹ thuật, cách thức làm việc với đoàn làm phim địa phương và tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ như quay phim, làm kịch bản, thiết kế sản xuất…

Hỗ trợ tài chính: Cung cấp hỗ trợ về kinh phí và quảng bá, hoặc giới thiệu các nguồn tài trợ, chương trình hỗ trợ tài chính từ chính phủ và các tổ chức tài trợ khác để hỗ trợ các dự án quay phim quốc tế.

Các chính sách này bao gồm việc cung cấp khoản hỗ trợ tài chính, giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị và hỗ trợ về các chi phí sản xuất.

Giảm thuế và hỗ trợ thuế: Cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ về quy định thuế đối với các nhà làm phim quốc tế; giúp đỡ trong việc làm thủ tục và giảm phí, thuế đối với dự án quay phim tại địa phương, như thuế nhập khẩu trang thiết bị và chi phí sản xuất.

Ngoài ra là các vai trò khác như hỗ trợ về thủ tục hành chính; hỗ trợ visa và giấy phép, quảng bá và tiếp thị; hỗ trợ logistics và quản lý sản xuất, hợp tác với các cơ quan du lịch và địa phương; đào tạo và phát triển nhân lực, hỗ trợ và ưu đãi thuế.

Đặc biệt, là văn phòng một trạm (One-Stop-Office).

Ủy ban Điện ảnh của Philippines đã thiết lập một hệ thống One-Stop-Office để giúp các nhà làm phim quốc tế tiếp cận các dịch vụ và thông tin liên quan.

Hệ thống này cung cấp một điểm liên lạc duy nhất để giải quyết các thủ tục giấy phép, hỗ trợ về visa, và các yêu cầu khác liên quan đến quay phim tại Philippines.

Phan Gia Nhật Linh

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//chuyen-hay/lam-gi-de-ho-tro-dien-anh-trong-phat-trien-du-lich-c17a64316.html