Làm gì để giáo dục Lịch sử không khô khan?

Trao đổi tại diễn đàn 'Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn', các bạn trẻ cho rằng, trẻ Gen Z không phải không thích lịch sử, vấn đề là cần giáo dục lịch sử một cách trực quan hơn, phong phú hơn để phù hợp với cách tiếp cận của người trẻ.

Chiều nay (14/3), Trung ương Đoàn tổ chức diễn ra diễn đàn "Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn", với chủ đề "Sáng mãi con đường cách mạng của thanh niên" nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn (26/3/1931 – 26/3/2024). Chương trình diễn ra tại 10.819 điểm cầu trong và ngoài nước; 1.224.881 cán bộ đoàn các cấp và đoàn viên, thanh niên theo dõi trực tiếp tại các điểm cầu và hàng triệu đoàn viên, thanh niên theo dõi trên các nền tảng số của Đoàn.

Trung ương Đoàn cho biết, tính đến sáng ngày 14/3, diễn đàn đã nhận được hơn 11.000 câu hỏi của đoàn viên thanh niên trên cả nước. Các câu hỏi tập trung vào 8 nhóm vấn đề trong đó có: công tác tuyên truyền giáo dục; đồng hành với thanh niên; phong trào hành động cách mạng; công tác Đội thiếu nhi; công tác quốc tế; tham gia xây dựng chính quyền; xây dựng đoàn kết tập hợp thanh niên…

Ban Bí thư Trung ương Đoàn trực tiếp trao đổi, trả lời các câu hỏi, ý kiến góp ý của thanh thiếu nhi toàn quốc

Trao đổi tại diễn đàn, bạn Lý Hữu Trường, tỉnh Hà Giang, chủ kênh "Trường lịch sử" trên TikTok đã chia sẻ về câu chuyện mở kênh truyền tải thông tin về lịch sử. Trường cho rằng, các bạn trẻ Gen Z như Trường không phải là không thích lịch sử, vấn đề là cần giáo dục lịch sử một cách trực quan hơn, phong phú hơn để phù hợp với cách tiếp cận của giới trẻ. Hiện cách truyền tải lịch sử chưa đủ hấp dẫn với giới trẻ nên cần đổi mới.

Lý Hữu Trường dẫn chứng từ bộ phim đề tài lịch sử “Đào, phở và piano” công chiếu thời gian vừa qua đã tạo hiệu ứng rất tốt trong việc lan tỏa lòng yêu nước và giáo dục truyền thống cho giới trẻ.

“Em rất mong thời gian tới tổ chức Đoàn có thêm nhiều giải pháp để giáo dục lịch sử, lòng yêu nước, truyền thống cách mạng của dân tộc. Em cũng rất mong được các anh chị định hướng để em và các bạn làm sáng tạo nội dung trên mạng xã hội tham gia góp sức của mình với tổ chức Đoàn để thực hiện nhiệm vụ đó", Trường nói.

Chia sẻ về câu hỏi này, anh Nguyễn Minh Triết- Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam hoan nghênh bạn Trường cũng như nhiều bạn trẻ khác đã góp phần giúp nhiều người, đặc biệt là thanh niên hiểu thêm về lịch sử nước nhà.

Anh Triết cho rằng, số người thích kênh TickTok của Trường cho thấy xu hướng là người trẻ yêu thích lịch sử. Thời gian qua, nhiều bạn trẻ rất sáng tạo trong học tập, lao động trong đó có sự lan tỏa về lịch sử, văn hóa của dân tộc.

Anh Nguyễn Minh Triết đồng quan điểm rằng, nội dung lịch sử không khô khan, điều quan trọng là làm sao việc truyền tải lịch sử sống động và phù hợp với các tiếp cận của giới trẻ. Với định hướng của Đoàn luôn mong muốn đồng hành với các bạn trẻ để giáo dục lịch sử một cách phù hợp với giới trẻ.

Nhắc tới nhóm bạn trẻ phục dựng ảnh liệt sĩ trao tặng các gia đình liệt sĩ, anh Triết nói, đây là những việc làm hết sức có nghĩa của thanh niên: "Tôi rất mong trong thời gian tới, Trường sẽ có thêm nhiều sản phẩm ý nghĩa nữa để lan tỏa tình yêu lịch sử và góp phần giúp các bạn trẻ hiểu thêm về truyền thống hào hùng của dân tộc ta thông qua những sản phẩm truyền thông đó. Tôi mong có nhiều bạn trẻ làm như vậy", anh Triết nói.

Chia sẻ tại diễn đàn có đội ngũ truyền thông của quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây là nhóm gồm các bạn trẻ đang cùng nhau có những ý tưởng làm mới các địa điểm, khu di tích của thành phố Hà Nội từ những khu di tích đã gần gũi, quen thuộc.

Đội ngũ truyền thông của quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia mong muốn tận dụng được thật tốt những thiết chế hiện có để quảng bá, giới thiệu về văn hóa, cũng như phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy ghi nhận và bày tỏ sự trân trọng hoạt động của đội ngũ truyền thông của Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Anh Huy cho biết, văn hóa được xem như hồn cốt, bản sắc của mỗi dân tộc quốc gia, thậm chí là “tấm hộ chiếu” thể hiện gương mặt, thứ bậc và bản lĩnh của một quốc gia dân tộc trong trường quốc tế. Vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã đặt ra chiến lược về phát triển, chấn hưng văn hóa. Trong đó, yếu tố trung tâm là con người vì con người vừa là yếu tố tạo ra giá trị văn hóa vừa là yếu tố thụ hưởng các giá trị văn hóa.

Tổ chức Đoàn trước tiên cần tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống đối với tất cả bạn trẻ. Hơn ai hết, người trẻ cần hiểu rõ truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc mình. Đồng thời, Đoàn cần tổ chức được các sân chơi, cuộc thi để người trẻ có cơ hội sản xuất, giới thiệu quảng bá các sản phẩm văn hóa do mình tạo dựng.

Hỗ trợ các ý tưởng trong giới trẻ về chấn hưng văn hóa, nhất là 12 nhóm ngành văn hóa được Nhà nước xác định. Trách nhiệm của tổ chức Đoàn các cấp là hỗ trợ các ý tưởng đó thành hiện thực.

Đặc biệt, muốn có các sản phẩm văn hóa, cần tạo dựng được đội ngũ trẻ sản xuất các sản phẩm văn hóa. Có nhiều nhóm như đội ngũ truyền thông của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, sẽ có nhiều sản phẩm giới thiệu đến người dân, người trẻ.

“Việc xây dựng được lực lượng hùng hậu, đủ mạnh có năng lực sản xuất các sản phẩm văn hóa rất quan trọng”, anh Huy nhấn mạnh.

Từ thực tế hoạt động của đội ngũ truyền thông của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, anh Huy cho rằng, cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa công nghệ và ý tưởng sáng tạo với sự hiểu biết lịch sử văn hóa của người trẻ. Điều này đặt ra yêu cầu đối với tổ chức Đoàn, đó là vừa nâng cao năng lực số, năng lực công nghệ cho người trẻ vừa nâng cao kiến thức, hiểu biết về lịch sử văn hóa truyền thống cho các bạn trẻ.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/lam-gi-de-giao-duc-lich-su-khong-kho-khan-post1082648.vov