Làm gì để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn?

Hôm nay, Quốc hội chất vấn về nhóm lĩnh vực văn hóa, xã hội, trong đó có các vấn đề liên quan đến du lịch. Chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp du lịch mong muốn phiên chất vấn không chỉ làm rõ trách nhiệm của trưởng ngành mà còn tìm được các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam và đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

PGS.TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Ưu tiên cho nhân lực du lịch

Sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch đã phục hồi mạnh mẽ. Năm 2023 chưa kết thúc song mục tiêu đón khách quốc tế đã đạt và vượt, khả năng cả năm đạt 12 triệu khách (mục tiêu là 8 triệu lượt). Khách nội địa cũng tăng trưởng đáng kể.

Tuy nhiên, ngành du lịch hiện vẫn còn những vấn đề nổi cộm như: công tác xúc tiến, quảng bá du lịch hạn chế; thiếu tính liên kết vùng, liên kết địa phương; đầu tư cơ sở hạ tầng còn hạn chế... Đặc biệt, nhân lực du lịch hiện nay vừa thiếu, vừa yếu kỹ năng, tay nghề.

Tại phiên chất vấn, tôi mong muốn các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi làm rõ vấn đề trên và quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch. Theo đó, cần chấn chỉnh lại hệ thống đào tạo du lịch từ bậc sơ cấp, trung cấp, cao đẳng cho đến đại học. Đào tạo du lịch phải phân biệt rõ là đào tạo theo định hướng nào, ví như đào tạo nghiên cứu học thuật, hay đào tạo tay nghề, kỹ năng, nghiệp vụ. Hiện nhiều trường đại học “lấn sân” các trường cao đẳng, trung cấp ở chỗ tập trung đào tạo nghề quá nhiều và chưa chú trọng đào tạo kiến thức học thuật, nghiên cứu, quản trị.

Bên cạnh đó, Bộ Chính trị từ năm 2017 đã ban hành Nghị quyết 08/NQ-TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Kết quả đến nay ra sao? Vướng mắc, khó khăn ở đâu? Làm thế nào để đạt được các mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết? Đây là những nội dung các đại biểu Quốc hội cần đặt ra trong phiên chất vấn để cùng tìm hướng đi nhằm đưa du lịch thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực khác vào năm 2030.

Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công Ty TNHH Du Lịch Duy Nhất Đông Dương
Quan tâm đến chuyển đổi số ngành du lịch

Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 08/NQ-TW xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy vậy, hiện chưa có những đầu tư thỏa đáng cho ngành du lịch, nhất là về chuyển đổi số.

Trong báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi Quốc hội cho biết, đến nay cơ sở dữ liệu của ngành vẫn đang trong quá trình đầu tư, xây dựng, chưa hoàn thiện. Thực tế, cơ sở dữ liệu của ngành liên quan đến hệ thống chuyển đổi số, nhưng nền tảng công nghệ của ta lại đi chậm so với nhiều nước, công tác tính toán thống kê cũng chưa có những chỉ số đạt chuẩn và đây cũng là điểm yếu.

Dù ngành du lịch đã có những định hướng chuyển đổi số mạnh mẽ, xây dựng cơ sở dữ liệu đạt chuẩn, chính xác nhưng 8 ngành ưu tiên trong Đề án chuyển đổi số quốc gia lại không có ngành du lịch; chính trong những chủ trương lớn mà chưa có sự quan tâm đến ngành du lịch thì rất khó phát triển bền vững.

Chuyển đổi số là hướng đi tất yếu của ngành du lịch, do đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn về vấn đề này để thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi số của ngành.

Bà Hồ Trang, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Cổ phần Du lịch Liên minh Việt Nam (Mustgo)
Tìm giải pháp cho du lịch xanh

Dù có tăng trưởng tích cực nhưng về dài hạn câu chuyện phát triển du lịch vẫn gặp phải nhiều vấn đề. Thực tế, các điểm đến phổ biển và đặc biệt như Phú Quốc (Kiên Giang) năm nay lượng khách giảm sút, cho đến bây giờ khi Phú Quốc bước vào mùa đẹp nhất thì lượng khách nội địa cũng rất hạn chế, nếu có cũng chỉ là một phần khách nước ngoài. Đó là thực trạng ngành du lịch cần phải nhìn nhận để có thể thay đổi.

Tại phiên chất vấn, cộng đồng doanh nghiệp du lịch mong muốn các đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ làm rõ 6 vấn đề. Đó là, tại sao dù không phải đợt cao điểm những vé máy bay vẫn cao khiến du lịch nội địa kém hấp dẫn. Làm thế nào tránh tình trạng chèo kéo, tăng giá dịch vụ như thực tiễn diễn ra trong thời gian qua ở một số địa phương? Trong câu chuyện liên kết, cần có những giải pháp như thế nào để tăng cường hợp tác giữa các vùng, miền?

Cùng với đó, cần đánh giá lại các sản phẩm du lịch, xây dựng sản phẩm theo chủ đề, theo giá trị bản địa của người Việt. Đẩy mạnh mạng lưới xúc tiến, quảng bá du lịch. Cuối cùng, du lịch xanh đang trở thành một xu hướng quan trọng và hấp dẫn. Tuy nhiên, phát triển du lịch xanh còn gặp khó khăn trong việc khai thác và sử dụng tài nguyên không hiệu quả, thiếu sự gắn kết bảo vệ môi trường... Vậy đâu sẽ là những giải pháp phù hợp cho sự phát triển bền vững.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/lam-gi-de-dua-du-lich-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-i349152/