Lạm dụng phân bón hóa học: Hậu quả không thể xem thường!

Việc lạm dụng phân bón hóa học, bón không cân đối, không đúng cách, bón quá nhiều trong thời gian dài sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, làm suy kiệt nguồn đất, gây hại đến sinh vật có ích và sức khỏe con người.

Vợ chồng ông Đinh Quốc Triệu (thôn Tiền Phương 2, Văn Phương, Nho Quan) lâu nay đã bỏ thói quen sử dụng phân hữu cơ mà dùng toàn bộ phân vô cơ để chăm sóc cho cây trồng

Thực trạng đáng suy ngẫm

Giữa vụ đông xuân, đây là lúc mà những người nông dân đang tập trung ra đồng chăm bón cho lúa và các loại cây rau màu. Chúng tôi đã có cuộc khảo sát nhỏ về cách thức sử dụng phân bón của bà con. Đầu tiên với câu hỏi ông/bà có sử dụng phân chuồng/phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng không thì hầu hết câu trả lời là không. Lý do thì muôn vàn, nào là giờ gia đình có chăn nuôi đâu mà có phân chuồng, nào là giá phân hữu cơ cao hơn phân vô cơ và quan trọng hơn là sử dụng phân chuồng cồng kềnh, bất tiện, tốn công... Không sử dụng phân bón hữu cơ, lẽ đương nhiên lựa chọn duy nhất lúc này của nông dân là phân bón vô cơ.

Ông Đinh Quốc Triệu (thôn Tiền Phương 2, xã Văn Phương, Nho Quan) chia sẻ: Trước đây, khi phân hóa học chưa phổ biến thì những nông dân như ông chủ yếu sử dụng phân chuồng để bón cho cây trồng, nhưng khoảng 10-15 năm trở lại đây, thói quen này gần như đã bị bỏ quên. Như gia đình ông mặc dù vẫn đang nuôi gà, nuôi lợn nhưng phân bón dùng cho 5 sào ruộng đều bằng phân hóa học.

"Giờ 2 vợ chồng đều đã ở cái tuổi ngoài 70, sức khỏe yếu, chẳng thể lách cách ủ phân rồi đẩy xe cải tiến mà chở ra ngoài đồng được nên ra cửa hàng mua phân hóa học bón cho nhanh gọn" - ông Triệu phân trần. Cũng theo ông Triệu hiện nay may ra chỉ có những hộ trồng rau hay cây ăn quả mới sử dụng phân chuồng.

Không chỉ thiên về sử dụng phân bón hóa học, cách thức sử dụng phân bón của nông dân trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng còn nhiều vấn đề khi việc xác định bón phân vào lúc nào, bón với khối lượng bao nhiêu, tỷ lệ từng loại ra sao đều được bà con làm theo cảm tính và kinh nghiệm.

Chia sẻ về cách bón phân cho 5 sào lúa của gia đình bà Vũ Thị Hiên (xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư) thủng thẳng: Chăm sóc thì đơn giản thôi, chẳng cần phải bón lót. Cứ gieo xong mà thấy lúa cằn thì vãi vài cân đạm cho cây bốc lên, rồi lúc nào lúa chuẩn bị làm đòng thì bón thêm NPK.

Thực tế, do tập quán canh tác, do chưa được đào tạo, tập huấn, rất nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh hiện nay bón phân chưa đúng lượng và đúng cách. Hầu hết bà con có thói quen bón nhiều phân đạm (urê). Như đối với cây lúa, lượng urê mà các nhà chuyên môn khuyến cáo sử dụng chỉ từ 7-8 kg/sào nhưng nhiều nông dân, đặc biệt là bà con khu vực Yên Khánh, Kim Sơn bón tới 10 kg thậm chí 12 kg/sào. Ngoài ra, tình trạng nông dân sử dụng phân đơn, không kết hợp cân đối giữa đạm, lân, kali cũng khá phổ biến. Cách bón phân thì chủ yếu là vãi trên mặt đất, phân bón ít được vùi vào trong đất nên tỷ lệ bay hơi, thất thoát lớn.

Nhiều hệ lụy

Theo ước tính của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, hàng năm, tỉnh Ninh Bình gieo trồng khoảng 100 nghìn ha cây trồng các loại. Trong đó, diện tích gieo trồng cây hàng năm ước khoảng trên 91 nghìn ha, riêng diện tích cây lúa trên 71 nghìn ha, diện tích cây rau, đậu gần 10 nghìn ha; diện tích cây lâu năm trên 7,5 nghìn ha, trong đó cây ăn quả khoảng 6,7 nghìn ha. Trung bình lượng phân bón vô cơ sử dụng trong sản xuất mỗi năm khoảng 92.600 tấn, tương đương với hơn 900 kg/ha - một con số không hề nhỏ.

Trong khi đó, theo nghiên cứu, hiệu suất sử dụng phân đạm khi bón vào đất ở Việt Nam mới chỉ đạt 30-45%, phân lân đạt 40-45%, phân kali đạt 40-50%, tùy theo chân đất, giống cây trồng, thời vụ, phương pháp bón, loại phân bón. Như vậy một lượng lớn phân bón còn lại sẽ bị rửa trôi theo nước mặt và chảy vào các ao, hồ, sông suối gây ô nhiễm nguồn nước mặt; một phần ngấm xuống tầng nước ngầm và một phần bị bay hơi do tác động của nhiệt độ hay quá trình phản nitrat hóa gây ô nhiễm không khí…

Với cách bón phân vãi trên mặt đất thì tỷ lệ bay hơi, thất thoát lớn (ảnh chụp tại một cách đồng trồng dứa ở thành phố Tam Điệp).

Tiến sĩ Mai Thành Luân, Khoa Nông lâm ngư nghiệp (Trường Đại học Hồng Đức) phân tích: Việc lạm dụng phân bón hóa học sẽ làm hệ vi sinh vật đất chết dần. Trong khi đó, vi sinh vật đất đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc vận chuyển và lấy dinh dưỡng về cho rễ cây. Thiếu vi sinh vật, đất sẽ trở nên bạc màu, chai cứng. Khi đó kể cả chúng ta bón phân với liều lượng rất cao, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thì cây cũng không sử dụng được, hiệu suất sử dụng phân bón sẽ càng giảm.

Kỹ sư Nguyễn Thị Nhung, Trưởng Phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh nêu thực trạng: Hiện nay, một số địa phương vẫn còn hiện tượng nông dân bón thừa phân so với khuyến cáo, không những gây gây lãng phí mà còn làm cây trồng giảm sức chống chịu với sâu bệnh, đặc biệt đối với cây lúa là bệnh đạo ôn ở vụ đông xuân và bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn ở vụ mùa.

Đáng lo ngại hơn, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tập quán lãng phí và bừa bãi trong việc sử dụng đạm hóa học khiến dư thừa nitrat trong nông sản. Nitrat trong cơ thể con người được chuyển hóa thành nitrit. Nitrit dễ dàng phản ứng với amin tạo thành nitrosamin, một chất gây ung thư. Để hạn chế nitrat trong sản phẩm cây trồng, theo các chuyên gia, người tiêu dùng không thể làm sạch nó bằng cách rửa, gọt vỏ hay sục rửa, vì nitrat đã ngấm vào các tế bào thực vật nên chỉ còn cách phát hiện dư lượng vượt quá ngưỡng cho phép để không sử dụng hoặc giảm bớt lượng tránh nguy hại cho cơ thể.

Không chỉ các nhà quản lý, nhà khoa học lên tiếng cảnh báo về tác hại của lạm dụng phân vô cơ, chính những người nông dân cũng phải thừa nhận rằng trước đây, họ cảm thấy đất đai màu mỡ hơn, nhưng qua nhiều năm sử dụng nhiều loại phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên đất chai cứng, khả năng giữ nước kém, không còn tơi xốp như trước.

Dứt khoát thay đổi tập quán

Những hậu quả không thể xem thường từ tình trạng lạm dụng phân bón trong trồng trọt cho thấy đã đến lúc phải dứt khoát nói "không" với tập quán sản xuất cũ. Như vậy, nông dân sẽ tiết kiệm được chi phí và quan trọng hơn là sản xuất nông nghiệp an toàn, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.

Tiến sĩ Mai Thành Luân, Khoa Nông lâm ngư nghiệp (Trường Đại học Hồng Đức) nêu quan điểm: Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của phân bón hóa học, không có phân hóa học thì không thể tạo ra năng suất cao. Trước mắt không thể loại bỏ hoàn toàn phân hóa học. Tuy nhiên, trong xu thế nông nghiệp mới, để vừa đảm bảo yếu tố năng suất, kinh tế, môi trường, sức khỏe lại phù hợp với điều kiện của người dân cần phải phối hợp sử dụng cân đối giữa phân vô cơ và phân hữu cơ. Tỷ lệ phối hợp này là bao nhiêu thì cần có nghiên cứu, đánh giá cụ thể với từng vùng.

Bên cạnh việc cắt giảm bớt lượng phân bón, thiết nghĩ nông dân hoàn toàn có thể khai thác hiệu quả nguồn phụ phẩm nông nghiệp của mình để giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận. Hiện, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hàng triệu tấn phụ phẩm trong nông nghiệp, phân gia súc, gia cầm đây là nguồn làm phân bón hữu cơ rất dồi dào nhưng đang bị bỏ phí. Chúng ta hoàn toàn có thể tái sử dụng để ứng dụng trong chuỗi trồng trọt - chăn nuôi theo chuỗi liên hoàn, khép kín.

Thực tế, thời gian qua, tỉnh ta sớm quan tâm định hướng, có nhiều chính sách hỗ trợ để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang hướng hữu cơ và đã đạt được những kết quả nhất định. Đến nay, toàn tỉnh có trên 4 nghìn ha lúa chất lượng cao sản xuất theo hướng hữu cơ, một số diện tích rau màu cũng đã được chứng nhận VietGap... Tuy nhiên những con số này còn quá nhỏ bé so với quy mô sản xuất hiện tại.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: Với những vùng có truyền thống thâm canh cao, đã có thói quen sử dụng nhiều phân bón vô cơ thì việc thay đổi thói quen, tập quán canh tác của người dân sang sử dụng phân bón hữu cơ, đòi hỏi thời gian dài để cải tạo đất, nguồn nước khá lâu và sự kiên trì của chính người sản xuất. Hơn nữa, do biến động của thị trường, giá cả vật tư nông nghiệp cụ thể như giá phân bón vô cơ tăng giảm không ổn định, trong khi giá phân bón hữu cơ vẫn ở mức cao dẫn đến tâm lý đầu tư vào sản xuất của người dân không ổn định, nhất quán. Trong khi đó, giá cả của sản phẩm theo hướng hữu cơ không cao hơn nhiều so với sản phẩm nông sản thông thường nên chưa tạo được động lực cho người dân, ảnh hưởng không nhỏ đến việc mở rộng và duy trì diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ.

Để khắc phục, thời gian tới ngành chuyên môn sẽ tăng cường mở các lớp tập huấn giúp người nông dân có kiến thức chọn đúng loại phân phù hợp với cây trồng, tránh tình trạng bón phân vô tội vạ và không theo quy trình kỹ thuật. Từng bước thay đổi suy nghĩ "bón phân càng nhiều thì cây càng tốt" của người nông dân, làm cho nông dân nhận thức đúng và đầy đủ về những tác hại của việc lạm dụng phân hóa học. Triển khai hiệu quả chương trình 3 giảm (giảm lượng phân đạm, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng giống gieo trồng) để đạt 3 tăng (tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế). Bên cạnh đó, tham mưu cho tỉnh có các cơ chế, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa để khuyến khích người dân sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân vô cơ.

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/lam-dung-phan-bon-hoa-hoc-hau-qua-khong-the-xem-thuong-/d20240326150736151.htm