Lâm Đồng: Kiểm tra vườn sầu riêng tại điểm sạt lở đèo Bảo Lộc

Qua hình ảnh chụp từ trên cao, dư luận đang đặt câu hỏi lớn về nguồn gốc, chủ nhân của vườn sầu riêng nơi xảy ra vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng tại đèo Bảo Lộc.

Những ngày qua, dư luận cả nước không khỏi xót xa trước sự ra đi của 3 chiến sĩ CSGT và 1 người dân trong vụ sạt lở đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Hiện trường vụ sạt lở.

Tuy nhiên, qua hình ảnh flycam, nhiều người thắc mắc vườn sầu riêng phía trên đồi ngay sau trạm cảnh sát giao thông là của ai, tại sao lại có vườn sầu riêng này giữa một cánh rừng phòng hộ bạt ngàn?

Đặc biệt, việc san gạt, trồng sầu riêng lại được thực hiện ngay sau lưng một trạm cảnh sát giao thông.

Theo xác minh của cơ quan chức năng, phần đất xây dựng chốt cảnh sát giao thông đèo Bảo Lộc và một phần đất ở lân cận nằm ngoài đất rừng.

Điều này được ghi rõ trong các quyết định liên quan đến quy hoạch đất và ranh giới đất được ban hành vào năm 2013 và được nhắc lại ở một quyết định tương tự vào năm 2018.

Dựa vào các quy hoạch liên quan đến ranh giới đất khu vực chốt cảnh sát giao thông và khu vực miếu Ba Cô, cơ quan chức năng xác định phần đất trồng sầu riêng có diện tích hơn 2ha thuộc đất rừng.

Cụ thể, thuộc tiểu khu 581B (thị trấn Đạ M'ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng). Trước đây, phần đất rừng này do Lâm trường Đạ Huoai quản lý, đến năm 1999 thì bàn giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Huoai quản lý.

Vụ sạt lở nghiêm trọng ngay tại vườn sầu riêng được canh tác trên phần đất rừng.

Vườn sầu riêng này có diện tích khoảng 1,5ha (đo trên ứng dụng google earth). Những cây sầu riêng này đã được trồng khoảng 3-4 năm.

Tuy nhiên, hiện trạng khu đất này liên tục thay đổi theo các năm. Cụ thể, qua hình ảnh vệ tinh vào thời điểm cuối năm 2018, khu đất trên vẫn là một mảng xanh, chưa bị tác động.

Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 1/2021, một phần đất phía chân đồi, sát mặt đường đèo Bảo Lộc đã bị san gạt, giật cấp, cho đến nay đã hình thành một vườn sầu riêng.

Nhiều người đánh giá, đây là một trong những nguyên nhân gây ra vụ sạt lở. Bởi đất tại khu vực này là đất đỏ, độ dốc cao, khi mất đi lớp cây rừng phủ trên bề mặt thì tình trạng sạt lở không thể tránh khỏi.

Ngày 1/8, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã yêu cầu huyện Đạ Huoai kiểm tra đối với diện tích đất trên, đồng thời giao các cơ quan chức năng liên quan đánh giá, xác định nguyên nhân gây ra vụ sạt lở nghiêm trọng trên.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo UBND huyện Đạ Huoai cho biết đang chỉ đạo các phòng chuyên môn rà soát hồ sơ giao đất qua các thời kỳ để xác định loại đất, chủ nhân của diện tích đất trên.

Chốt CSGT khi chưa xảy ra sạt lở.

Vụ sạt lở này tiếp tục gióng hồi chuông cảnh báo tình trạng sạt lở đất diễn ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Chỉ trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra 4 vụ sạt lở đất khiến 9 người thiệt mạng.

Theo ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, tại Lâm Đồng, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, lượng mưa trung bình từ 1.750 - 3.150mm/năm, là tỉnh có lượng mưa luôn cao hơn bình quân chung cả nước.

Trong đó, năm 2021 lượng mưa đạt 2.102mm, năm 2022 đạt 2.251mm và 7 tháng đầu năm 2023 đạt 1.219mm. Một số thời điểm lượng mưa tại Tp.Đà Lạt, Tp.Bảo Lộc rất cao, đạt từ 100-190mm/ngày làm nền đất bị yếu, gây sạt lở.

Nguyễn Phi Long

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/lam-dong-kiem-tra-vuon-sau-rieng-tai-diem-sat-lo-deo-bao-loc-a619944.html