Lâm Đồng: Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu toàn diện

Với đề án phát triển sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ dược liệu bền vững, tỉnh Lâm Đồng đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển dược liệu một cách toàn diện, nhằm khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của tỉnh.

Cuối năm 2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định phê duyệt "Đề án Phát triển sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ dược liệu bền vững tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025".

UBND tỉnh Lâm Đồng, với lợi thế về địa hình, khí hậu, Lâm Đồng có diện tích rừng khoảng 539 ngàn ha, và 300 ngàn ha đất canh tác nông nghiệp được phân bố theo các tiểu vùng khí hậu với đặc trưng là điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển các chủng loại dược liệu có giá trị dược tính cao; trong tự nhiên Lâm Đồng có 283 họ, 2.291 loài dược liệu được phân bố ở nhiều địa phương trong tỉnh, trong đó có 55 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam như đảng sâm, hà thủ ô đỏ, hoàng liên ô rô, lan gấm, thông đỏ...

Đồng thời hiện trạng sản xuất trong những năm gần đây đã khẳng định cây dược liệu là một trong những cây trồng thế mạnh của ngành nông nghiệp (diện tích 150 ha năm 2015 tăng lên 438 ha năm 2021, nhiều sản phẩm dược liệu đã xây dựng được giá trị thương hiệu cao, có chỗ đứng vững trên thị trường trong nước và quốc tế như Atiso, Linh chi, Đông trùng Hạ thảo, Diệp hạ châu...

Hiện nay, nhu cầu sử dụng dược liệu tự nhiên cung cấp cho công nghiệp dược và y dược học cổ truyền trên địa bàn tỉnh và trong nước ngày càng tăng. Tuy nhiên, nguồn dược liệu tự nhiên đang ngày một cạn kiệt, trữ lượng ngày càng giảm do không có kế hoạch nuôi trồng, khai thác và bảo tồn hợp lý.

Trồng cây atiso tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Lamdong.gov.vn.

Bên cạnh đó, việc trồng và chế biến cây dược liệu còn gặp nhiều khó khăn do mức đầu tư khá lớn, thời gian đầu tư thường dài hơn một số cây rau màu ngắn ngày; sản xuất cây dược liệu còn mang tính tự phát, thiếu bền vững, chưa có quy hoạch, thiếu đầu tư đúng mức về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật và khả năng tiếp cận thị trường. Diện tích trồng dược liệu thấp so với tiềm năng của tỉnh, một số sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu chế biến của các công ty và tiêu thụ của bệnh viện y học cổ truyền cũng như các nhà thuốc đông y của tỉnh. Hiện tại, một số nguyên liệu còn phải nhập khẩu với chi phí lớn, không ổn định.

Do đó việc xây dựng và triển khai đề án "Phát triển sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ dược liệu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025" để đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành hàng dược liệu một cách toàn diện, nhằm khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của tỉnh để nâng cao hiệu quả sản xuất từ đó đóng góp đáng kể cho phát triển KT-XH của địa phương, từng bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI đã đề ra đối với ngành dược liệu của tỉnh.

Tại Đề án này, tỉnh Lâm Đồng cũng đưa ra mục tiêu chung là phát triển ngành dược liệu bền vững, giá trị cao, tương xứng với tiềm năng, lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương, đóng góp khoảng 2-3% trong giá trị sản xuất ngành trồng trọt; đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế rừng góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại.

Về mục tiêu cụ thể nhằm bảo tồn gắn với khai thác bền vững 24 loài dược liệu bản địa, đặc hữu trong tự nhiên, trên quy mô khoảng 1.250 ha rừng; Diện tích sản xuất dược liệu toàn tỉnh đạt 2.000 ha, diện tích sản xuất, thu hái dược liệu được chứng nhận GACP chiếm 50%; giá trị sản xuất bình quân 1 ha dược liệu đạt khoảng 800-850 triệu đồng/ha.

Hằng năm, đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh; có tối thiểu 80% sản lượng dược liệu được sơ chế, chế biến; trong đó: có 50% được tinh chế; hình thành tối thiểu 5 chuỗi giá trị dược liệu chất lượng cao gắn với phát triển thương hiệu; 30% dược liệu qua chế biến được chứng nhận GMP.

Phát triển thêm 15-20 sản phẩm dược liệu được chứng nhận OCOP, trong đó có 3-5 sản phẩm được chứng nhận OCOP 5 sao và trên 5 sản phẩm thực phẩm chức năng từ dược liệu được công nhận.

Điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển y dược cổ truyền dược liệu ở Việt Nam | SKĐS

Mộc Trà

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lam-dong-khai-thac-toi-da-tiem-nang-loi-the-de-phat-trien-duoc-lieu-toan-dien-169231005160023413.htm