Lãi suất huy động tăng: Không đáng lo?

Theo chuyên gia, làn sóng tăng lãi suất huy động không xảy ra mạnh mẽ, chỉ ở một số ngân hàng chứ không phải là toàn hệ thống, trong khi số lượng phát hành không phải là lớn.

Lãi suất chứng chỉ tiền gửi lên tới 9,2%/năm

Trong mấy ngày gần đây, mặt bằng lãi suất huy động đã có sự nhích nhẹ tại khá nhiều ngân hàng , chủ yếu tập trung ở nhóm ngân hàng TMCP có quy mô vừa và nhỏ. Điển hình như ngân hàng Maritime Bank đã tăng tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn 1 và 2 tháng, từ mức 5,05% lên 5,2%/năm; Oceanbank tăng lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 11 tháng, 12 tháng lên mức 7,3%/năm.

Không chỉ tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn, một số ngân hàng trong thời gian gần đây cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn với lãi suất cao kỷ lục.

Cụ thể, ngân hàng Sacombank vừa tung ra chương trình huy động lãi suất 8,88%/năm với chứng chỉ tiền gửi 7 năm và 8,48% đối với kỳ hạn 5 năm+ ngày.

Trong khi đó, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng tính huy động tới 1 nghìn tỷ đồng qua việc phát hành chứng chỉ tiền gửi trung và dài hạn bằng tiền VND trên toàn hệ thống cho khách hàng cá nhân và tổ chức.

Theo đó, khi khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi với kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng và 60 tháng sẽ được hưởng lãi suất tới 8,8%/năm.

Mới đây nhất, ngân hàng VPBank công bố biểu lãi suất mới đối với chứng chỉ tiều gửi với mức tăng vọt. Theo đó, từ ngày 9/3, ngân hàng áp dụng mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi lĩnh lãi cuối kỳ lên tới 9,2%/năm đối với số tiền từ 5 tỷ, kỳ hạn 5 năm. Các mức lãi suất khác cũng dao động từ 7,5% đến 9,1%, tùy vào số tiền và kỳ hạn, cao hơn rất nhiều so với mức chỉ từ 7,5% - 7,9% áp dụng trước đó.

Lãi suất cho vay có tăng theo?

Trao đổi với phóng viên BizLIVE, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc trường đào tạo BIDV cho rằng, lãi suất huy động chủ yếu tăng ở kỳ hạn dài, 3 năm, 5 năm, 7 năm. Mục tiêu cơ bản của các ngân hàng là nhằm cơ cấu lại nguồn vốn của họ, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn, để một mặt phục vụ mục tiêu tăng trưởng tín dụng trung và dài hạn cũng như đáp ứng Thông tư 06. Theo Thông tư này, trong năm nay, các ngân hàng chỉ được dùng 50% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, và sang năm tới, con số này thậm chí sẽ giảm xuống còn 40%.

Tuy nhiên, theo chuyên gia, làn sóng tăng lãi suất huy động không xảy ra mạnh mẽ, chỉ ở một số ngân hàng chứ không phải là toàn hệ thống, trong khi số lượng phát hành không phải là lớn.

Về lo ngại lãi suất huy động tăng có thể kéo theo lãi suất cho vay tăng trong thời gian tới, TS. Lực cho rằng, điều này là không đáng lo ngại do còn vướng yêu cầu giữ lãi suất ổn định của Chính phủ.

“Lãi suất cho vay khó có thể tăng do Chính phủ đã yêu cầu ngân hàng giữ lãi suất ổn định, hỗ trợ nền kinh tế trong nước cũng như các ngành ưu tiên. Do đó, các ngân hàng phải cố gắng giữ ổn định lãi suất đầu vào, cộng với việc phải đảm bảo tính cạnh tranh của mình đối với các dự án, khách hàng tốt. Tôi cho rằng, về cơ bản, lãi suất cho vay sẽ được giữ ổn định theo đúng tinh thần của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước”, TS. Lực nhận định.

Cũng vì lãi suất huy động đang nhích dần lên trong khi lãi suất cho vay thì không tăng nên lợi nhuận từ hoạt động tín dụng của các nhà băng trong năm nay được dự đoán sẽ bị gia tăng áp lực. Theo đó, để duy trì được mức lợi nhuận mục tiêu, chuyên gia cho rằng, các nhà băng cần phải tiết giảm chi phí và tăng lợi nhuận từ các hoạt động dịch vụ.

Trần Thúy

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/ngan-hang/lai-suat-huy-dong-tang-khong-dang-lo-2584894.html