Lại chuyện công an đánh người

Vụ công an đánh công an ở Quảng Ninh khiến dư luận chưa kịp lắng, thì mới đây lại xảy ra chuyện cảnh sát hình sự thuộc Công an huyện Đông Anh (TP Hà Nội) nện chảy máu mồm nhà báo...

Ngành công an hồi này sao mà nhiều chuyện thế, mà toàn chuyện “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”. Chỉ trong tháng 9 này, đã có hai vụ: Vụ công an đánh công an ở Quảng Ninh khiến dư luận chưa kịp lắng, thì mới đây lại xảy ra chuyện cảnh sát hình sự thuộc Công an huyện Đông Anh (TP Hà Nội) nện chảy máu mồm nhà báo. Sự việc như sau:

Sáng ngày 23/9, PV Quang Thế (thuộc văn phòng báo Tuổi Trẻ thường trú tại Hà Nội) đến chân cầu Nhật Tân để tác nghiệp về vụ việc một lái xe taxi chết bất thường. Vừa bắt đầu tác nghiệp, thì PV bị một người mặc cảnh phục ngăn cản. Thấy vậy, PV trình giấy tờ và lùi lại chừng 30 m để tác nghiệp tiếp. Nhưng ngay lập tức anh bị một cảnh sát khác mặc thường phục lao vào hành hung. Anh bị đá, bị đấm vào đầu, vào mặt, chảy cả máu mồm máu mũi, bị giật camera không cho tác nghiệp...

Thông tin kèm theo đoạn clip về vụ việc trên được các báo đồng loạt đăng lên, khiến dư luận bức xúc. Nhưng sau đó dư luận càng bức xúc hơn trước lời giải thích của thượng tá Phạm Nam Thắng, đội trưởng đội CSHS của Công an huyện Đông Anh, rằng đó là “những chiến sỹ trẻ, có thể do áp lực bảo vệ hiện trường có đông người nên đã hành xử không đúng”.

Đã là công an, thì hẳn ai cũng phải thuộc nằm lòng “6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân”, trong đó điều thứ 4 là “đối với dân, phải kính trọng, lễ phép”. Là chiến sỹ trẻ, thì càng phải tu dưỡng, rèn luyện nhiều hơn. Và cao hơn nữa, là phải thi hành công vụ đúng pháp luật.

Trong vụ việc trên, rõ ràng nhà báo đã hành xử đúng quy định của Luật Báo chí: Đã xuất trình giấy tờ, đã lùi xa hiện trường tới 30 m để tác nghiệp. Dù hiện trường không có biển cấm quay phim, chụp ảnh, cũng không có dây căng ngăn cách. Và xem đoạn clip, không ai không nhận ra là hiện trường vụ chết người cũng không có đông người như lời ông thượng tá, nên những cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ bảo vệ hiện trường ở đó không hề có “áp lực” nào cả.

Thế mà nhà báo vẫn bị hành hung. Thế thì việc hành hung đó chỉ thể hiện tính côn đồ, bất chấp pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác, của một số người trong nhóm công an đó mà thôi. Pháp luật nào quy định hễ cứ bị “áp lực” là có thể quay ra hành hung bất cứ ai?

Côn đồ ngoài đời đã vô cùng nguy hiểm rồi. Nhưng côn đồ trong lực lượng công an còn bội phần nguy hiểm hơn, vì những hành vi côn đồ đó còn được nhân danh pháp luật.

Dư luận đang trông chờ vào lời hứa của Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc CA TP Hà Nội trước vụ việc này, rằng dù là công an hay không, thì cũng xử lý nghiêm. Nhưng đến nay, mới thấy có việc mấy công an phải viết bản tường trình, mà danh tính người viết thì vẫn chưa được tiết lộ.

Không chỉ tường trình, mà phải đưa nhà báo Quang Thế đi giám định thương tích. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội “cố ý gây thương tích...” theo điều 104 BLHS, thì phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/lai-chuyen-cong-an-danh-nguoi-post175981.html