Lai Châu phát triển y học cổ truyền từ nguồn dược liệu quý dồi dào

Tại buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề 'Thế mạnh vùng trồng dược liệu tại Lai Châu', BSCKII Nguyễn Thế Phong, Phó Giám đốc Sở Y tế Lai Châu đã chia sẻ xung quanh câu chuyện phát triển dược liệu và y học cổ truyền ở địa phương.

Theo BSCKII Nguyễn Thế Phong, Lai Châu là tỉnh biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc. Là tỉnh được đánh giá có nguồn dược liệu tự nhiên phong phú và đa dạng về chủng loại và công dụng làm thuốc. Đất đai và khí hậu phù hợp với nhiều loài cây trồng, trong đó có nhiều loài cây thuốc quý xuất xứ từ các nguồn khác nhau trong thiên nhiên.

Để phát huy thế mạnh của rừng Lai Châu chứa đựng nguồn dược liệu quý và phong phú, ngành Y tế Lai Châu đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại, phù hợp với từng giai đoạn, với những mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể.

BSCKII Nguyễn Thế Phong, Phó Giám đốc Sở Y tế Lai Châu tại buổi giao lưu trực tuyến.

Hệ thống khám chữa bệnh bằng Y dược cổ truyền tiếp tục được củng cố, kiện toàn từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Đẩy mạnh thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng bằng Y học cổ truyền, kết hợp Y học cổ truyền với Y học hiện đại; nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền; đào tạo, chỉ đạo tuyến về chuyên môn kỹ thuật.

Tỉnh Lai Châu có bệnh viện chuyên khoa y học cổ truyền, các cơ sở khám bệnh chữa bệnh đều có khoa/bộ phận/cán bộ thực hiện khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Tăng cường khai thác, chế biến các nguồn dược liệu tại chỗ để phục vụ bệnh nhân là điều rất cần thiết.

Theo BSCKII Nguyễn Thế Phong, để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng các kỹ thuật mới về y dược cổ truyền, tập trung vào các nội dung sau:

+ Nghiên cứu về tính vị và tác dụng theo y học cổ truyền của các vị thuốc nam, thuốc dân gian, bài thuốc kinh nghiệm được xác định theo y học cổ truyền và y học hiện đại có tác dụng trong điều trị một số bệnh, chứng bệnh;

+ Nghiên cứu lựa chọn các bài thuốc dân gian, bài thuốc kinh nghiệm được xác định theo y dược cổ truyền và y dược hiện đại có tác dụng trong điều trị một số bệnh, chứng bệnh;

Nhiều cây dược liệu phát triển tươi tốt tại vùng núi cao Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: TNMT.

-Đẩy mạnh thông tin, truyền thông về thuốc và các phương pháp điều trị của y dược cổ truyền, giúp nhân dân hiểu đúng về tác dụng, hiệu quả của thuốc và các phương pháp điều trị của y dược cổ truyền, về các thành tựu của y dược cổ truyền.

-Tăng cường vai trò của Hội Đông y tỉnh trong công tác quản lý và điều hành các cấp Hội Đông y trên địa bàn, hoạt động của Hội gắn liền với hoạt động quản lý và phát triển của ngành y dược học cổ truyền tại địa phương.

Chia sẻ thêm với bạn đọc về lộ trình phát triển y học cổ truyền ở Lai Châu, BSCKII Nguyễn Thế Phong cho hay, ngành Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 790/KH-UBND ngày 21/4/2020 về thực hiện Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại tỉnh Lai Châu đến năm 2030.

Trong đó có lộ trình phát triển tới năm 2025 có 90% bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, trung tâm y tế huyện, thành phố có Khoa y, dược cổ truyền; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn và tương đương có triển khai hoạt động tư vấn sử dụng y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe hoặc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền.

Đến năm 2030: 95% bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, trung tâm y tế huyện, thành phố có Khoa y, dược cổ truyền; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn và tương đương có triển khai hoạt động tư vấn sử dụng y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe hoặc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền…

6 loại thực phẩm nên tránh khi bị viêm khớp | SKĐS

Mộc Trà

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lai-chau-phat-trien-y-hoc-co-truyen-tu-nguon-duoc-lieu-quy-doi-dao-169231118092347507.htm