Lạc quan với thị trường xuất khẩu gạo

Giá lúa gạo đang được ghi nhận ở mức cao với sản lượng xuất khẩu tăng. Từ nay đến cuối năm và bước sang năm 2024, sản xuất lúa gạo Việt Nam sẽ tiếp tục thắng lợi.

Lạc quan với thị trường xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm và bước sang năm 2024.

"Vừa trúng mùa vừa trúng giá"

Tại Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu, thu đông, mùa năm 2023, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2023 - 2024 vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức chiều 14/9, ông Lê Thanh Tùng - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, giá lúa tăng từ cuối vụ hè thu 2023 đến nay dẫn đến các doanh nghiệp tăng cường liên kết với nông dân để bao tiêu thu mua lúa theo giá thị trường hoặc giá cố định ngay từ đầu vụ, giúp nông dân an tâm sản xuất không lo đầu ra.

Theo Cục Trồng trọt, diện tích gieo trồng lúa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 ước đạt trên 3,8 triệu ha, tăng hơn 13 nghìn ha; năng suất ước đạt gần 63 tạ/ha và sản lượng ước đạt gần 24 triệu tấn, tăng 416 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2022. Nhìn chung, tỷ lệ sử dụng giống lúa thơm và lúa chất lượng cao tăng, đáp ứng theo yêu cầu thị trường xuất khẩu gạo.

Các địa phương vùng ĐBSCL khẳng định, trái với thông thường trước đây trúng mùa giá thấp và khi thất mùa thì giá cao - năm nay ĐBSCL vừa trúng mùa vừa được giá.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho hay, tình hình tiêu thụ lúa các vụ trong năm ở Long An cũng tương đối thuận lợi, giá bán các nhóm lúa chất lượng cao, lúa thơm, nếp… đều tăng từ 500 -2.800 đồng/kg so cùng kỳ.

Ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cũng chia sẻ: “Được mùa, được giá lúa, nông dân ĐBSCL rất phấn khởi. Ngành Nông nghiệp và các địa phương sẽ tiếp tục có những giải pháp để giúp nông dân trồng lúa có lợi nhuận ổn định, bền vững”.

Về phía hiệp hội, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thông tin thêm, 8 tháng đầu năm 2023, cả nước đã xuất khoảng 5,8 triệu tấn gạo, kim ngạch gần 3,2 tỷ USD, tăng hơn 20% về sản lượng và 34% về giá trị.

Các doanh nghiệp kinh doanh gạo của Việt Nam đang bắt đầu đàm phán với khách hàng để tìm thị trường xuất khẩu gạo.

Bình quân mỗi tháng doanh nghiệp có thể xuất được 400 nghìn tấn gạo

Theo dự báo của Hiệp hội VFA, từ nay đến cuối năm 2023, Việt Nam sẽ xuất khẩu thêm từ 1,2- 1,6 triệu tấn; nâng cả năm lên từ 7 - 7,4 triệu tấn gạo. “4 tháng cuối năm, bình quân mỗi tháng doanh nghiệp có thể xuất được 400 nghìn tấn gạo là chuyện bình thường, bởi năng lực của doanh nghiệp tháng cao nhất xuất khẩu gạo bằng đường biển trên 800 nghìn tấn”- ông Nam khẳng định.

Theo ông Nam, hiện nhu cầu thị trường tiêu thụ gạo trên thế giới khá cao do nguồn cung hạn hẹp bởi lệnh cấm xuất khẩu từ Ấn Độ. Điển hình như Indonesia có nhu cầu nhập gạo số lượng lớn; Philippines có khả năng giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống còn 10%. Các thị trường khác như Malaysia, Trung Quốc cũng sẽ có những kế hoạch nhập khẩu gạo trong thời gian tới...

Trong khi đó, nguồn cung xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện không còn dồi dào, do đó giá lúa vẫn có khả năng giữ vững ở mức như hiện nay cho đến khi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu.

Cũng theo ông Nam, thời điểm này, các doanh nghiệp kinh doanh gạo của Việt Nam đang bắt đầu đàm phán với khách hàng để tìm thị trường xuất khẩu gạo. Thời điểm xuống giống vụ đông xuân sớm bắt đầu từ ngày 10/10 và bước vào tháng 1/2024 sẽ thu hoạch. Trong khi đó, vụ thu đông 2023 hiện đã bắt đầu thu hoạch và kéo dài đến tháng 12. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nguyên liệu phục vụ thị trường xuất khẩu gạo.

Từ các yếu tố trên cho thấy, tình hình xuất khẩu gạo những tháng cuối năm 2023 và sang năm 2024 sẽ tiếp tục thuận lợi; đây là điều kiện tốt cho nông dân an tâm sản xuất vụ mới.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đánh giá mô hình cánh đồng lớn. Theo đó, hiện Đồng bằng sông Cửu Long có 2 hình thức liên kết chủ yếu: Doanh nghiệp đầu tư có tham gia một phần vào quá trình sản xuất của nông dân và bao tiêu sản phẩm; doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra nhưng không đầu tư, không tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất. Thực hiện cánh đồng lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích liên kết sản xuất mỗi vụ khoảng 150.000ha - 200.000ha.

Để việc hợp tác, liên kết sản xuất đạt kết quả tốt, thời gian tới cần rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/lac-quan-voi-thi-truong-xuat-khau-gao-135834.html