Kỳ vọng thoát khỏi tấm áo đã chật từ con đường hơn 3,6 tỷ USD

Người dân và chuyên gia cùng chung kỳ vọng với tuyến vành đai 4, Hà Nội và các địa phương miền Bắc sẽ được mở rộng không gian đồng thời kiến tạo một giai đoạn phát triển mới.

Giữa trưa hè tháng 6, mặt trời đứng bóng kèm cái nắng bỏng lưng. Tiếng còi báo hiệu phà sang bến vừa vọng lại từ phía xa sông Hồng, 4 người phụ nữ quê Khoái Châu (Hưng Yên) dựng vội chân chống xe để chạy lại nơi có mái che trên phà tránh nắng. Sau mỗi xe đều gắn phần cơi nới thêm bằng sắt, phía trong có vài mớ rau hay đôi ba chậu cây cảnh sót lại sau phiên chợ sáng.

Những chuyến phà như vậy tại bến Bình Minh đã gắn bó với bà Thu hơn nửa đời người. Người phụ nữ 54 tuổi hàng ngày vẫn qua lại để mang nông sản đi từ nhà sang chợ Vồi (Thường Tín, Hà Nội) để bán. Cái nắng buổi trưa khiến đôi mắt bà đỏ hoe, mồ hôi thấm đẫm chiếc khẩu trang vải.

Giữa trưa vắng khách, người lái phà cố đợi thêm cho đủ chuyến dù hơn 20 phút đã trôi qua. Kể từ cầu Thanh Trì, toàn bộ các huyện phía nam Hà Nội bám dọc sông Hồng không có cầu bắc sang phía Hưng Yên. Hàng chục nghìn dân vì thế chịu cảnh lụy đò.

Câu chuyện về mớ rau, con cá trong phiên chợ sáng vừa dứt, bà Thu cùng nhóm người qua sông lại nhắc về cây cầu Mễ Sở trên tuyến vành đai 4 sẽ được khởi công vào cuối tuần này. Khi đó, đôi bờ sông Hồng sẽ không dừng lại ở những chuyến xe máy chở nông sản qua sông đi bán mà nó còn là lời giải cho bài toán liên kết vùng, thúc đẩy phát triển cả một miền đất nước.

Hàng chục bến đò ngang qua sông Hồng đang hoạt động hàng ngày để kết nối Hà Nội và Hưng Yên. Ảnh: Hồng Quang.

Tấm áo đã chật

Khi mở rộng địa giới hành chính 15 năm trước, Hà Nội định hướng xây dựng một số xã ở huyện Thường Tín và Phú Xuyên như một đô thị vệ tinh ở phía nam với đặc thù phát triển công nghiệp, trung chuyển hàng hóa đồng thời hình thành các khu đô thị ở vùng đồng bằng phía nam sông Hồng.

Nằm sát trục cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, nhiều năm qua hàng trăm ha đất của phân khu số 2, đô thị vệ tinh Phú Xuyên chỉ dừng lại ở việc quây rào và xây một ngôi nhà điều hành. Hàng đêm, tại đây trở thành bến bãi của các loại xe tải chở hàng và tập kết vật liệu.

Chỉ tay về phía khu đất bỏ hoang rộng hàng chục ha được phân lô rõ ràng, anh Nguyễn Khắc Định (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên), nói tại đây được quảng cáo là khu đô thị và công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội nhưng nhiều năm qua không có hoạt động xây dựng nào. Cách đó một con đường, người dân vẫn cấy lúa 2 vụ trên những khu quy hoạch.

Tiềm lực đất đai lớn nhưng phía nam Hà Nội vẫn chưa thể cất cánh. Ảnh: Hồng Quang.

Sau 15 năm về với Hà Nội, Phú Xuyên không phải là đô thị vệ tinh duy nhất nằm yên ắng. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng từng đặt vấn đề Hà Nội phát triển rất nhanh, nhiều khu vực quá tải nhưng khu vực Hà Tây trước đây, hay nói cách khác là phía tây, phía nam và tây bắc thành phố lại gần như giậm chân tại chỗ trong khi có nguồn lực đất đai rất lớn.

"Hà Nội hiện nay trong cái áo quá chật, đường vành đai 3 tắc suốt ngày đêm. Tất cả cửa ngõ dồn vào khu vực Pháp Vân - Cầu Giẽ, tắc suốt. Nhưng nếu mình làm không gian rộng ra, có đường vành đai 4 thì không gian phát triển đô thị ở thành phố vô cùng lớn", Bí thư Đinh Tiến Dũng nói.

Hà Nội hiện nay trong cái áo quá chật, đường vành đai 3 tắc suốt ngày đêm.

Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Giai đoạn 2009-2012, Hà Nội tràn đầy sinh khí của một giai đoạn phát triển mới khi lần lượt giai đoạn I và II của tuyến vành đai 3 được thông xe. Khi đó, thành phố xác định đây là tuyến cao tốc trên cao, vừa phục vụ giao thông nội đô vừa phục vụ giao thông liên vùng. 7 tuyến cao tốc kết nối 4 hành lang kinh tế Bắc Bộ đều lấy Hà Nội làm tâm, hướng vào vành đai 3. Nhu cầu vận tải liên tỉnh từ các tỉnh phía nam đi phía bắc, phía tây và ngược lại quá cảnh qua Hà Nội chủ yếu đều thông qua tuyến này.

Tuy nhiên, với sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cá nhân và phát triển đô thị ồ ạt, đến nay vành đai 3 được nhận định đã trở thành tuyến đường đô thị đúng nghĩa.

6 năm lái xe tải chuyên tuyến Lào Cai - Ninh Bình, anh Phan Văn Tùng không có nhiều lựa chọn để đi từ cao tốc Pháp Vân lên cao tốc Nội Bài – Lào Cai, ngoài vành đai 3. Anh nói cánh tài xế phải lập một nhóm để trao đổi thông tin thường xuyên về tình hình “con đường đau khổ”. Những dòng tin tức: Tai nạn liên hoàn, vành đai 3 kẹt cứng hay “cầu kiên trì” (chỉ cầu Thanh Trì) đã tắc gần một tiếng, xuất hiện liên tục.

“Trăm con đường của thủ đô đều đổ về đây, thậm chí xe liên tỉnh không có nhu cầu vào nội thành cũng phải quá cảnh mà có quá ít lựa chọn thay thế”, tài xế Phan Văn Tùng nói.

Tại buổi tổng kết kế hoạch giải quyết ùn tắc giao thông tuyến vành đai 3 - cầu Thanh Trì vào cuối năm ngoái, chỉ huy Đội CSGT số 14, Phòng CSGT Công an Hà Nội cho hay lượng xe cộ trên vành đai 3 hiện cao gấp 8-10 lần so với thiết kế. Thống kê cho thấy có gần 125.000 lượt xe lưu thông mỗi ngày ở đường trên cao, trong khi đó thiết kế ban đầu của tuyến chỉ đáp ứng 15.000 xe/ngày đêm. Đặc biệt trong thời gian lễ, Tết, xe cộ tăng rất cao dẫn đến hạ tầng không thể đáp ứng nổi.

Hạ tầng đô thị phía trong vành đai 3 Hà Nội đã quá tải, trong khi xe cộ liên tỉnh chưa có các tuyến tránh để không phải quá cảnh qua trung tâm thành phố. Ảnh: Hồng Quang.

Khát vọng mở rộng không gian phát triển

Họp phiên toàn thể tại hội trường sáng 16/6/2022, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư đường vành đai 4 - vùng thủ đô với 474/475 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Trong lộ trình 5 năm thực hiện "siêu dự án" (2022-2027), ngay khi được Quốc hội thông qua, Hà Nội cùng Bắc Ninh, Hưng Yên, đã đi những bước đầu tiên ở khâu giải phóng mặt bằng. Do là công trình đặc biệt, hạng mục này được tách riêng thành một dự án độc lập và phải hoàn thành tối thiểu 70% trước khi khởi công.

Tại Hà Nội, diện tích thu hồi đất phục vụ dự án khoảng 800 ha, liên quan trực tiếp tới gần 17.000 hộ dân thuộc 7 quận, huyện. Trong số này, hơn 1.100 hộ cần bố trí tái định cư do bị thu hồi hoàn toàn đất ở. Đáng chú ý, có khoảng 11.000 ngôi mộ cần di dời trong phạm vi dự án. Địa phương có nhiều phần mộ cần di dời nhất là Thường Tín với hơn 4.200 ngôi, chủ yếu nằm ở xã Văn Bình do chỉ giới đường đỏ vào cả khu nghĩa trang.

Dự án hơn 85.000 tỷ, làm chậm một năm là mất rất nhiều tiền.

Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Nguyễn Hữu là dòng họ lớn nhất của xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội. Trong căn nhà thờ họ rộng chưa đầy 50 m2, ông Nguyễn Hữu Tôn (trưởng họ) không nhớ nổi đã có bao nhiêu cuộc họp được diễn ra trong hơn 3 tháng qua để tìm lời giải cho bài toán di dời hơn 300 ngôi mộ phục vụ giải phóng mặt bằng tuyến vành đai 4. Theo phong tục và trách nhiệm, người đàn ông 54 tuổi phải chủ trì các buổi họp này.

Ông Tôn cho biết dòng họ của ông hiện có hơn 600 nhân khẩu, chia làm 4 chi phụ, con cháu làm ăn tản mạn khắp cả nước nhưng phần mộ của tiền nhân vẫn yên nghỉ tại nghĩa trang của làng. Thậm chí có những ngôi mộ có tuổi đời gần 500 năm nên nhiều người trong họ khi hay tin di dời đã bày tỏ băn khoăn, không muốn “phạm” tới mồ mả.

Sau nhiều lần họp bàn căng thẳng “không kém cán bộ”, ông Tôn cho hay từ khoảng tháng 2 tới tháng 3 Âm lịch vừa qua, cả họ đã thống nhất di chuyển toàn bộ 300 ngôi mộ để giải phóng mặt bằng dự án xây dựng tuyến đường.

“Chính quyền yêu cầu làm ngay đợt cuối năm ngoái, nhưng tôi nói với họ là sát Tết quá, để qua năm thì tôi cam kết hơn một tháng sẽ làm xong. Từng nhà vướng ở đâu, tôi sẽ đại diện làm việc để tháo gỡ đồng thời động viên”, ông Tôn nói.

Đến nay, hơn 95% mộ phần trong họ Nguyễn Hữu đã được đưa tới nơi an táng mới mà theo ông Tôn, đó là “mời các cụ từ nhà cũ lên khu đô thị mới. Nơi này quy hoạch bài bản hơn, trong tâm con cháu cùng hoan hỉ”.

Ông Nguyễn Hữu Tôn trong căn nhà thờ họ, nơi chứng kiến không ít cuộc họp để thống nhất phương án di dời hơn 300 ngôi mộ. Ảnh: Hồng Quang.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, tính đến ngày 20/6, 7 quận, huyện của thành phố đã thu hồi đất bàn giao mặt bằng được 651 ha đất (đạt trên 81,6%). Trong đó, tổng số mộ đã di chuyển được là 6.035/10.039 ngôi. Con số này vượt kế hoạch và cam kết của thành phố ban đầu là thu hồi trên 70% trước lễ khởi công.

“Dự án hơn 85.000 tỷ, làm chậm một năm là mất rất nhiều tiền, GPMB sớm ngày nào là rẻ ngày đó đồng thời giúp dân mau ổn định đời sống. Chúng tôi yêu cầu tất cả quận, huyện phải lấy đất đấu giá, đất tốt nhất để làm tái định cư”, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh đồng thời cho biết “bí quyết” này của Hà Nội khiến “bà con rất vui vẻ và chấp hành” .

Vành đai 4 là một loại bất động sản đặc biệt

Là đại biểu trực tiếp bấm nút thông qua nghị quyết xây dựng tuyến vành đai 4 tại nghị trường Quốc hội, trước ngày khởi công dự án, GS Nguyễn Anh Trí nói ông rất phấn khởi khi Đảng bộ và nhân dân thủ đô cùng thống nhất, chung tay hiện thực hóa con đường này.

Khi bắt tay vào làm vành đai 4, Hà Nội cần khắc phục hoàn toàn những bài học hiện tại của vành đai 3.

TS Đào Huy Hoàng

Theo ông Trí, thủ đô Hà Nội đang chịu áp lực rất lớn khi đảm nhiệm vai trò trung tâm của các luồng lưu thông toàn miền Bắc. Trong khi đó, hạ tầng thành phố lại thiếu đi những mảnh ghép có tính khung sườn. Vành đai 4 được nhận định sẽ “mở ra triển vọng tốt đẹp” khi nó xuất hiện đúng thời điểm Hà Nội cùng cả vùng đang cần thêm không gian và động lực phát triển mới.

“Ngay cả các địa phương ở vòng ngoài vành đai 4 như Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… có thể tận dụng sẵn các tuyến đã có hoặc xây dựng thêm 1-2 con đường đấu nối vào là họ sẽ có thêm cả nghìn ha làm công nghiệp hoặc đô thị”, vị đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội nhận định.

Ngoài vai trò kết nối, GS Nguyễn Anh Trí cũng nêu quan điểm đường vành đai 4 sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, hình thành các chùm đô thị vệ tinh, giúp “hút” dân ra khỏi nội đô. Do vậy, ông nhấn mạnh cần coi con đường là một loại bất động sản đặc biệt của quốc gia. Bất động sản này sinh lời cho cả một miền đất nước, do vậy chất lượng công trình và tầm nhìn quy hoạch các tuyến kết nối cần đảm bảo cho ít nhất 100 năm tới.

Đồng quan điểm, TS Đào Huy Hoàng (Viện Khoa học và Công nghệ GTVT) cho rằng khi bắt tay vào làm vành đai 4, Hà Nội cần khắc phục hoàn toàn những bài học hiện tại của vành đai 3. Hai yếu tố được ông nhấn mạnh là: Bề mặt cầu trên tuyến không quá hẹp và các nút giao phải thiết kế khoa học.

"Bề mặt cầu cần tối thiểu 6-8 làn trong khi đó các nút giao giữa vành đai 4 với đường cao tốc, đường trục chính hướng tâm cần làm khoa học, đa tầng, khoảng cách không nhỏ hơn 5-10 km và phải kết nối thuận lợi", ông Hoàng nhấn mạnh.

Chuyên gia cho rằng việc quy hoạch vành đai 4 cần rút bài học đã xảy ra với vành đai 3. Ảnh: Hồng Quang.

Hồi đầu tháng 3, trước ngày khởi công vành đai 4 khoảng 3 tháng, Bộ GTVT đã có phản hồi, bày tỏ đồng thuận về đề xuất mở rộng mặt cắt 3 cây cầu trên tuyến. Hai cầu Hồng Hà, Mễ Sở qua sông Hồng (Hà Nội) và cầu Hoài Thượng qua sông Đuống (Bắc Ninh) sẽ có mặt cắt rộng 24,5 m thay vì 17,5 m như trong khi báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Điều này đồng nghĩa với việc, ngoài 4 làn xe cơ giới, mỗi bên cầu sẽ bố trí thêm được một làn phục vụ xe máy, xe thô sơ.

Ở Khoái Châu (Hưng Yên), bà Đỗ Thị Thu nói những người nhường đất cho dự án không mong gì hơn ngoài cây cầu giúp họ thoát cảnh lụy đò. Cầu có làn cho xe máy chạy, những người không có ôtô có thể dễ dàng đi lại giữa Hà Nội và Hưng Yên với nhau. Bản thân bà cũng dễ dàng mang cây cảnh sang Hà Nội bán, khi đau ốm, lúc nửa đêm cũng nhanh chóng tới được bệnh viện phía thủ đô. Và như vậy, niềm vui khi có tuyến đường hơn 3,6 tỷ USD cũng thêm phần trọn vẹn.

Toàn cảnh đường vành đai 85.800 tỷ bao quanh Hà Nội Dự án Vành đai 4 Vùng thủ đô đi qua nhiều huyện ngoại thành Hà Nội. Công trình dự kiến khởi công tháng 6/2023 và cơ bản hoàn thành vào năm 2026.

Hồng Quang

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/ky-vong-thoat-khoi-tam-ao-da-chat-tu-con-duong-hon-3-6-ty-usd-post1441752.html