Kỳ vọng phát triển năng lượng tái tạo

"Chính phủ Việt Nam đã điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, trong đó phấn đấu đến năm 2030, điện sản xuất từ năng lượng tái tạo sẽ chiếm 30% cơ cấu năng lượng quốc gia" - Đó là nội dung vừa được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ với ông Haike C.Manning, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam và các thành viên đại diện nhóm các quốc gia ủng hộ cải cách chính sách trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch gồm các nước Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy.

Nhà máy Phong điện 1 với 20 tua bin gió tại tỉnh Bình Thuận.

Ngành công nghiệp điện trên thế giới chủ yếu dựa trên công nghệ nhiệt điện và thủy điện, đã bộc lộ mặt trái của nó đối với môi trường trái đất. Với việc đốt cháy nhiên liệu gốc hóa thạch (than đá, dầu khí), đã trở thành nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu (BĐKH) trên toàn cầu. Còn công nghệ điện hạt nhân lại không an toàn, gây ra những hiểm họa phóng xạ như Chernobyl (1986), Fukishima (2010) và để lại tác hại lâu dài cho môi trường. Thế kỷ XXI với chiến lược phát triển bền vững trên toàn cầu, đặc biệt là thời kỳ phát triển “kinh tế xanh”, “năng lượng xanh” đã bắt đầu chứng kiến những công nghệ mới để sản xuất điện, nhiên liệu "sạch hơn" từ nguồn năng lượng tái tạo có sẵn trong tự nhiên như mặt trời, gió, sinh khối, sóng biển, thủy triều...

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc triển khai các dự án phát triển loại hình năng lượng này ở Việt Nam cũng rất thuận lợi. Trong một báo cáo phân tích về tiềm năng điện gió của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định có tới 8,6% diện tích lãnh thổ Việt Nam có tiềm năng điện gió tốt, cao hơn rất nhiều lần các nước trong khu vực như Campuchia khoảng 0,2% diện tích, Thái Lan 0,2%, Lào 2,9%. Còn nếu xét theo tiêu chuẩn để xây dựng các trạm điện gió cỡ nhỏ phục vụ phát triển kinh tế ở những khu vực khó khăn thì Việt Nam có đến 41% diện tích nông thôn.

WB cho rằng, tổng tiềm năng điện gió của Việt Nam vào khoảng 713.000MW, tương đương 250 lần công suất của Thủy điện Sơn La. Hai vùng giàu tiềm năng về điện gió là Sơn Hải (Ninh Thuận) và Mũi Né (Bình Thuận) với vận tốc trung bình có thể lên tới 6-7m/s, gió có xu thế ổn định, số lượng các cơn bão khu vực ít, thích hợp với các trạm điện gió công suất 3-3,5MW. Trong khi đó, với cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao, số giờ nắng trung bình hằng năm khoảng 2.000-2.500 giờ, tổng năng lượng bức xạ mặt trời ở Việt Nam vào khoảng 150kCal/cm2, thì năng lượng mặt trời hoàn toàn có thể triển khai. Bên cạnh đó, chính sách phát triển năng lượng của Việt Nam cũng dành nhiều sự ưu đãi cho năng lượng tái tạo, năng lượng sạch…

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế về tự nhiên, để định hướng đề ra trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đạt kết quả như mong muốn cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Bàn về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ Việt Nam đã điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, trong đó phấn đấu đến năm 2030, điện sản xuất từ năng lượng tái tạo sẽ chiếm 30% cơ cấu năng lượng quốc gia. Từ nay đến năm 2030, nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ rất lớn. Vì vậy, Chính phủ đang xem xét, cân đối giữa năng lượng tái tạo và năng lượng hóa thạch. Thực tế, Việt Nam có nhiều hành động tích cực như vận hành thử nghiệm 2 dự án điện gió; triển khai xây dựng thử nghiệm nhà máy điện mặt trời; đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo…

Bộ trưởng cũng cho rằng, việc giá điện từ năng lượng tái tạo còn cao do giá điện từ năng lượng không tái tạo thấp so với giá thị trường cũng dẫn đến việc khó phát triển ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Do vậy, việc hoạch định các yếu tố tài nguyên và môi trường vào tính toán giá điện có thể giải quyết vấn đề này. Việc tính đúng, tính đủ giá điện sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận điện của người nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, nguồn thu tiền điện từ các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam sẽ góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước. Nguồn thu này có thể dùng để trợ giá điện hoặc hỗ trợ cho người nghèo tiếp cận các nguồn năng lượng tái tạo khác như năng lượng mặt trời, năng lượng gió…

Như vậy, vừa có thể cung cấp điện giá rẻ cho người nghèo và cũng giải quyết được bài toán “giá điện thấp” đang làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường tăng lên hiện nay. Đồng thời, việc sớm phê chuẩn kế hoạch thực hiện "Thỏa thuận Paris 2015" sẽ là cơ sở thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác phát triển trong các dự án về năng lượng tái tạo.

Phương Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/852012/ky-vong-phat-trien-nang-luong-tai-tao