Kỳ vọng mới về những hiệu quả trong dạy học theo Thông tư 22

GD&TĐ - Với những thay đổi về nội dung, lẫn hình thức trong đánh giá HS, Thông tư 22 đang mang lại nhiều kỳ vọng mới cho cán bộ, giáo viên trường học.

Cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đều có chung nhìn nhận, những thay đổi của Thông tư 22 đã tạo thêm điều kiện thuận lợi cho giáo viên khi thực hiện đánh giá HS, có nhiều thời gian hơn để quan tâm, hỗ trợ HS học tập. Đồng thời, giúp HS tự nhận ra mình có điểm mạnh gì, thiếu hụt những gì về kiến thức kĩ năng để cố gắng phấn đấu; còn phụ huynh HS cởi bỏ được những băn khoăn, thắc mắc để cùng chung tay với nhà trường hỗ trợ con em mình học tập.

Thuận lợi hơn khi đánh giá HS

Thông tư 22 ra đời trên cơ sở sửa đổi, bổ sung những điều bất cập của Thông tư 30 được các cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học đón nhận một cách phấn khởi. Bởi nói như lời chia sẻ của cô Phan Thị Hà – Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Ngọc Bình (xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), những thay đổi ở Thông tư 22 mang tính chất rất căn bản, sẽ giúp cho giáo viên thuận lợi hơn khi thực hiện đánh giá HS, có nhiều thời gian để quan tâm, hỗ trợ HS trong quá trình học tập, rèn luyện.

Cũng theo lời cô Hà, việc thay đổi đánh giá thường xuyên về học tập, việc đánh giá theo 3 mức (Hoàn thành tốt, Hoàn thành, Chưa hoàn thành) sẽ giúp giáo viên thuận lợi hơn trong đánh giá HS, đồng thời giúp các em HS thấy rõ hơn kết quả học tập của mình, nhận ra mình thiếu hụt những gì để tiếp tục nỗ lực phấn đấu học tập, rèn luyện, tạo nên một kênh phản hồi để giáo viên, cùng các em HS thực hiện điều chỉnh hoạt động dạy và học một cách phù hợp, kịp thời.

Cô giáo Hồ Thị Đào – Hiệu trưởng Trường TH Tân Hiệp (đảo Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ, Thông tư 22 quy định việc đánh giá sự hình thành năng lực, phẩm chất của HS thành 2 nhóm: Năng lực (tự phục vụ, tự quản; hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề); Phẩm chất (chăm học, chăm làm; tự tin, trách nhiệm; trung thực, kỉ luật; đoàn kết, yêu thương), sự thay đổi này giúp giáo viên dễ dàng hơn trong đánh giá, tránh được sự hiểu nhầm như cách đánh giá ở Thông tư 30.

Theo đó, Thông tư 22 cũng quy định thông qua quá trình đánh giá thường xuyên đến giữa và cuối mỗi học kì, lượng hóa mỗi năng lực, phẩm chất thành ba mức (Tốt, Đạt, Cần cố gắng) so với trước đây theo Thông tư 30 chỉ có 2 mức (Đạt, Chưa đạt) đã cho phép giáo viên, cũng như phụ huynh xác định được mức độ hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của HS sau một giai đoạn học tập, rèn luyện.

Nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên

Theo thầy Nguyễn Văn Giàu – Hiệu trưởng Trường TH Sơn Tân (xã miền núi Sơn Tân, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi), việc Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 22 thay thế, sửa đổi Thông tư đã triển khai thực hiện 2 năm qua thực sự rất kịp thời, khắc phục được những hạn chế, thiếu sót trong công tác đánh giá HS không điểm số. Theo sự nhìn nhận của tôi, việc đánh giá HS theo 3 mức; rồi HS ở lớp 4, 5 có thêm bài kiểm tra giữa kì; việc khuyến khích HS tự nhận xét và tham gia nhận xét sản phẩm học tập của bạn, nhóm bạn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ học tập; quy định về khen thưởng khá rõ ràng… Sẽ không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên trong theo dõi, đánh giá HS, mà còn giúp HS cảm nhận được sức học của bản thân, để có động lực phấn đấu học tập, rèn luyện. Điều này, cũng giúp phụ huynh nhận rõ hơn tình hình học tập của con em mình.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều cán bộ quản lý cơ sở cũng cho rằng, các bổ sung, sửa đổi trong Thông tư 22 sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng sổ sách cho giáo viên tiểu học; đồng thời, giúp giáo viên nhìn nhận rõ hơn quyền, trách nhiệm của bản thân trong thực hiện đánh giá HS. Bên cạnh đó, còn đòi hỏi người cán bộ quản lý trường học phải không ngừng nâng cao tinh thần, trách nhiệm khi tổ chức, triển khai thực hiện đánh giá HS.

Cụ thể theo cô Hồ Thị Đào, Thông tư 22 quy định hồ sơ đánh giá chỉ bao gồm Học bạ và Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp; trong đánh giá thường xuyên, giáo viên được trao quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của HS, dùng lời nói chỉ ra cho HS biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của HS khi cần thiết… những thay đổi này giúp cho giáo viên thuận lợi hơn khi thực hiện đánh giá HS, có nhiều thời gian hơn để quan tâm đến việc hỗ trợ HS trong quá trình dạy học. Nội dung quy định khen thưởng HS cụ thể hơn, tạo thuận lợi cho giáo viên và nhà trường khi thực hiện, vừa đảm bảo yêu cầu không gây áp lực cho HS, phụ huynh, vừa nhằm hạn chế được vấn đề khen thưởng để chạy theo thành tích.

Với sự phát huy, kế thừa và điều chỉnh, sửa đổi những điểm còn bất cập của Thông tư 30, Thông tư 22 được đội ngũ cán bộ, giáo viên trường học kỳ vọng tiếp tục tạo thêm luồng gió mới trong dạy học, khẳng định tinh thần nhân văn theo chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/ky-vong-moi-ve-nhung-hieu-qua-trong-day-hoc-theo-thong-tu-22-2391510-b.html