Ký ức của bà giáo vinh dự được gặp Bác Hồ

– Với dáng người nhỏ nhắn, đôi mắt tinh anh, bà Triệu Thị Lạng niềm nở đón tiếp chúng tôi tại căn nhà ở thôn Còn Pheo, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc. Trong căn nhà nhỏ gọn gàng, tấm hình chụp cùng Bác Hồ được bà treo trang trọng nơi chính giữa ngôi nhà. Dù đã ở tuổi 83 nhưng bà vẫn còn khỏe và minh mẫn lắm. Cho đến bây giờ, trải qua nhiều chục năm, mỗi khi kể về lần vinh dự được gặp Bác năm ấy, bà giáo Lạng vẫn nhớ như in từng chi tiết nhỏ, từng cử chỉ, lời thăm hỏi, động viên của Bác…

Khoảnh khắc quý giá bà Triệu Thị Lạng (hàng giữa, người thứ 3 từ trái qua phải) cùng các bạn học được chụp ảnh cùng Bác Hồ năm 1957

Bà Triệu Thị Lạng là người dân tộc Tày, sinh năm 1940, quê ở xã Thụy Hùng, châu Văn Uyên (nay là xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc). Bà là 1 trong 4 học sinh đầu tiên của Trường Việt Bắc tỉnh Lạng Sơn được cử đi học tại Trường Sư phạm miền núi. Cùng khóa với bà còn có bà Hoàng Thị Biền (Tràng Định), Đinh Thị Xuyên (Cao Lộc), Đường Thị Vương (Văn Lãng) đều là những học sinh có thành tích học tập tốt của tỉnh.

Nói về niềm hạnh phúc được gặp Bác năm đó, bà kể: “Đó là một buổi sáng ngày 18/6/1957, Bác Hồ đến thăm Trường Sư phạm miền núi tại Hà Nội. Khi nghe tin Bác Hồ đến thăm, cả trường ai nấy đều phấn khởi, háo hức, xen lẫn chút hồi hộp, mong được gặp Bác. Lần đầu nhìn thấy Bác, từ xa Bác mặc trên người bộ quần áo kaki và đi đôi dép cao su giản dị. Bác có dáng người gầy, đôi mắt sáng. Bước vào trường, Bác vẫy tay chào mọi người với nụ cười đôn hậu”.

Trong trí nhớ của bà Lạng, hình ảnh vị lãnh tụ hiện lên thật đẹp đẽ, khiêm nhường hết mực. “Hôm đó Bác chia sẻ với học sinh và giáo viên của nhà trường rất nhiều. Bác nói chuyện từ tốn, ân cần hỏi thăm sức khỏe tất cả mọi người, chúng tôi chăm chú nghe từng câu, từng lời Bác nói. Bác quan tâm đến tình hình học tập của các cháu, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Bác nói: Học sinh khi ra trường phải về các vùng quê xa, vùng núi và vùng mới được giải phóng vì đó là những vùng các em đang rất cần được dạy bảo học tập”.

“Sau cuộc nói chuyện, các giáo viên và học sinh được chụp ảnh lưu niệm với Bác. Lúc đó, tôi cùng các bạn ai cũng chạy thật nhanh để được đến bên Bác chụp ảnh. Lớp chúng tôi hôm đó ai cũng xúc động khi được đứng gần Bác, nhìn thấy Bác ngay trước mắt và cảm nhận được sự gần gũi, hiền hòa của Bác.” – Bà Lạng nhớ lại.

Nghe theo lời dạy của Bác, sau khi tốt nghiệp ra trường, bà Lạng về quê hương dạy học. Thời kỳ bấy giờ, nghề giáo viên còn khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng những lời căn dặn của Bác đã tiếp thêm nghị lực, là nguồn cổ vũ lớn lao để bà vượt qua những vất vả, đem tâm nguyện mang tri thức đến cho học trò vùng sâu, vùng xa.

Suốt gần 30 năm công tác, bà giáo Lạng luôn dốc hết tâm huyết cho nghề. Từng dạy học tại các trường: Tiểu học Hồng Thái, Tiểu học Nhạc Kỳ (huyện Văn Lãng) và Tiểu học Bình Trung, Tiểu học Hồng Phong (huyện Cao Lộc). Đến năm 1973, bà Lạng về dạy học tại Trường Tiểu học Thụy Hùng cho đến năm 1986 thì nghỉ hưu.

Đã hơn 66 năm trôi qua, hình ảnh vị Lãnh tụ của dân tộc, người Cha già kính yêu vẫn đọng mãi trong trái tim, khối óc của bà Lạng. Thấm nhuần lời dạy của Bác nên đến hiện tại, dù tuổi đã cao nhưng bà Lạng vẫn tích cực vận động con cháu trong gia đình sống tốt, đoàn kết, gương mẫu trong mọi lĩnh vực, cùng với bà con trong khu dân cư tích cực lao động sản xuất, góp sức mình xây dựng quê hương.

DƯƠNG THỊ THÙY LINH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-hoa/608145-ky-uc-cua-ba-giao-vinh-du-duoc-gap-bac-ho.html