Ký ức chiến tranh: Vào trận - P36

Khoảng 16 giờ 30. Bỗng nghe mấy tiếng nổ lớn tiếp theo là tiếng súng AR15, tiếng lựu đạn, phóng lựu M79 dồn dập khoảng hơn 20 phút từ hướng bưng Đức Huệ dội lại. Linh cảm mách bảo chúng tôi, các đồng chí ấy đã bị địch phục kích! Không một tiếng súng AK đáp trả. Chúng tôi nhìn nhau và đều hiểu: 'Thế là hết!'.

Tối hôm đó, điện của Trung đoàn cho biết, Đại đội thám sát 773 của tiểu khu Hậu Nghĩa đã phục kích bằng mìn clâymo rồi xả súng bắn chết 13 trên tổng số 14 đồng chí. Duy nhất, chỉ một đồng chí thông tin may mắn thoát được; bỏ máy lại. (không hiểu vì sao cậu ta lại thoát chết!). Cũng ngay tối hôm đó, Đài Phát thanh Sài Gòn (ngụy) loan tin "Quân lực Việt Nam cộng hòa đã hạ sát một trung đội ác ôn Việt cộng, thu nhiều chiến cụ cùng chiến lợi phẩm" (qua giấy tờ, huân, huy chương và quà tặng thu được, chúng biết rất rõ). Đồng thời chúng quyết định khao thưởng cho đại đội thám sát ác ôn này.

Tác giả Vương Khả Sơn tại Sa vĩ - Quảng Ninh

Nỗi đau nghẹn ứ. Trung đoàn mất 13 đồng chí có nhiều chiến tích trong các chiến dịch. Đó là nguồn cán bộ cốt cán có năng lực trong tương lai. Một tổn thất to lớn đối với Trung đoàn. Còn tôi, có nỗi đau riêng. Tôi mất đi hai người đồng hương thân thiết là Hà Duy Hưng và Lê Thanh Chung. Nhất là Hưng người bạn học ngồi cùng bàn, cùng lớp với mình...

Cho đến bây giờ, di cốt các liệt sỹ đó, đã có ai tìm được và đưa vào nghĩa trang nào chưa? Tôi cũng không được rõ. Tôi đã mấy lần đến nhà ông Hà Duy Mân, thân sinh Hà Duy Hưng, đã gần tám mươi, tóc bạc như cước Ông đón tôi và cho biết vẫn chưa tìm thấy mộ Hưng. Tấm lưng trần của người cha mỏi mòn, khắc khoải trông đợi tin con, giờ đã còng rạp hẳn xuống. Mẹ Hưng đau xót, héo mòn không đợi đón được hài cốt hưng trở về nên bà đã lâm trọng bệnh và mất khi chưa được gặp Hưng! Đã hai lần, tôi viết thư cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Long An và Huyện đội Đức Hòa, Đức Huệ nhờ họ tìm tung tích của các liệt sỹ hy sinh trong trận ấy, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm...

... Sau một thời gian bổ sung quân, củng cố lực lương và ôn luyện kỹ chiến thuật, chúng tôi được lệnh hành quân vượt bưng trở lại Gò Nổi. Nhiệm vụ lúc này là không tổ chức đánh lớn như hồi 1972 hay đợt bảo vệ Hiệp định Paris vừa qua. Chúng tôi thường xuyên tổ chức các trận đánh nhỏ, lẻ; đánh tàu, tập kích hoặc vào ấp chiến lược để làm binh vận, tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho nhân dân. Cũng có tình huống phải tổ chức chống càn, vì bọn địch thường càn ra bưng để thăm dò nhằm tiêu diệt lực lượng ta.

Sau chiến dịch bảo vệ Hiệp định Pari, khi chúng tôi rút đi, bọn địch ở đây ngoan cố lấn chiếm, đóng thêm một số bốt nữa. Bốt An Sơn và Rạch Gần ở An Ninh. Bốt Rạch Nhum ở Tân Phú sát bờ sông Vàm Cỏ v.v... Bọn địch ngoan cố lấn chiếm và đóng bốt An Sơn để ngăn chặn ta từ xa. Chúng tôi được giao nhiệm vụ phải nhổ bằng được cái bốt này nhưng chưa có thời cơ. Bởi vậy, thường phải vác cối 82 tập kích vào bốt hoặc phục kích đánh nhỏ lẻ khi bọn địch nống ra thăm dò. Cách đánh của chúng tôi là từ ba đến bốn người, sáng sớm, vào sát đồn, bí mật theo dõi địch, chờ cho chúng kéo ra rồi vừa bám vừa rút dần. Đến một địa hình nào thích hợp, nhắm vào tốp đi đầu bắn một vài trái B40 cùng mấy loạt AK vào đội hình địch rồi tháo chạy về "cứ". Làm như vậy, kẻ địch rất hoang mang, không dám càn ra.

(Còn nữa)

Trái tim người lính

CCB Vương Khả Sơn/Thành Đô (biên tập -giới thiệu)

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-uc-chien-tranh-vao-tran-p36-a19441.html