Kỳ tuyển sinh 2016 không ồn ào, lộn xộn nhưng... vỡ trận

Đến thời điểm này, nhiều trường ĐH dù không tuyển đủ chỉ tiêu vẫn quyết định dừng tuyển sinh, không tiếp tục xét tuyển các đợt bổ sung bởi không thể hạ điểm chuẩn thêm được nữa.

Thí sinh nộp hồ sơ tại ĐH Sư phạm TP.HCM

ĐH Lâm nghiệp xét tuyển bổ sung 800 chỉ tiêu nhưng đến ngày cuối cùng của đợt xét tuyển cũng chỉ nhận được 600 hồ sơ đăng ký. Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên nhận được hơn 200 hồ sơ trong khi tuyển bổ sung hơn 600 chỉ tiêu. Lãnh đạo trường cho biết chỉ tuyển sinh nốt đợt này bởi xác định nguồn tuyển gần như đã cạn.

Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết, trường tuyển bổ sung 700 chỉ tiêu, số hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt này khoảng 1.000. Trường xác định sẽ không tuyển bổ sung đợt 2 dù số hồ sơ này vẫn có tỷ lệ ảo.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận được 502 hồ sơ đăng ký trong khi chỉ tiêu còn thiếu là hơn 500. Mặc dù trường xác định chắc chắn có tỷ lệ ảo nhưng vẫn quyết định không tuyển bổ sung đợt 2.

Trường ĐH Mở TP.HCM kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung có trên 1.200 thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển trong khi chỉ tiêu còn lại là 380 nhưng không phân bổ đều cho các ngành.

Một số ngành như quản trị kinh doanh, ngôn ngữ Anh, tài chính - ngân hàng có nhiều hồ sơ xét tuyển nhưng chỉ tiêu không nhiều trong khi một số ngành khác khó tuyển lại rất ít hồ sơ nên khả năng sẽ không tuyển đủ. Tuy nhiên, trường xác định không tuyển bổ sung đợt 2.

Lãnh đạo nhiều trường cho biết, do tỷ lệ thí sinh ảo quá cao nên đã dẫn đến nhiều bất cập trong mùa tuyển sinh năm nay.

Năm 2015, trong đợt xét tuyển đầu tiên, thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào một trường và được thay đổi nguyện vọng. Các trường công khai tình hình nộp hồ sơ, đưa ra điểm xét tuyển tạm thời để thí sinh căn cứ vào đó quyết định nộp, rút hồ sơ.

Mặc dù xảy ra những hệ lụy, áp lực tâm lý và rổi loạn khi thí sinh nộp – rút hồ sơ vào giờ chót nhưng về cơ bản, thí sinh tìm được đúng trường (có thể không đúng ngành) phù hợp với mức điểm. Hầu hết trường top trên và giữa đều tuyển đủ trong đợt xét tuyển đầu tiên.

Năm nay, theo quy chế mới, thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng trong đợt xét tuyển đầu tiên, song vào 2 trường và không được thay đổi nguyện vọng. Các trường không được cập nhật và công khai tình hình thí sinh đăng ký xét tuyển, dẫn đến tỷ lệ thí sinh ảo lên đến 50%, thậm chí 70%.

Điều này đã dẫn đến tình trạng gần như chưa có năm nào mà các trường khối y dược, quân đội… phải xét tuyển đợt 2 và điểm chuẩn trúng tuyển đợt 2 lại thấp hơn điểm chuẩn đợt 1. Rất nhiều thí sinh rớt đợt 1 cảm thấy oan ức khi có điểm cao hơn điểm trúng tuyển đợt 2 nhưng vẫn không được vào học.

Tỉ lệ thí sinh ảo quá lớn khiến các trường lúng túng. Tổng chỉ tiêu của ĐH Công nghiệp TPHCM tại cơ sở chính là 6.350, trường nhận được hơn 13.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển nhưng đến nay phải tiếp tục xét tuyển đợt 3 vì thí sinh ảo quá nhiều.

ĐH Cần Thơ cũng có đến 12.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 1 nhưng vẫn phải xét tuyển 1.300 chỉ tiêu cho đợt 2 mà vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.

TS Trần Văn Châu, Phó trưởng Phòng Đào tạo ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết, trường còn hơn 1.000 chỉ tiêu trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung này và nhận khoảng 1.500 thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển.

Điểm chuẩn hầu hết các ngành đều đã giảm, tuy nhiên, trường xác định không hy vọng tuyển đủ chỉ tiêu, chỉ mong đạt trên 80% và sẽ dừng tuyển sinh tiếp vì không thể hạ thêm điểm chuẩn được nữa.

TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho biết, kỳ tuyển sinh năm nay không có hiện tượng thí sinh rút hồ sơ lộn xộn như năm trước nhưng lại gây nên sự bất ổn, điểm chuẩn đợt 2 giảm rất nhiều so với điểm chuẩn đợt 1.

Đây là sự bất cập khá lớn khi các thí sinh điểm cao bị trượt ở ngành mình yêu thích trong khi thí sinh điểm thấp hơn lại được vào học vì điểm chuẩn xét tuyển đợt 2 thấp hơn.

Bạch Dương

?

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ky-tuyen-sinh-2016-khong-on-ao-lon-xon-nhung-vo-tran-post208614.info