Kỳ tích ghép gan ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

So với các trung tâm ghép tạng khác trong cả nước, Bệnh viện Trung ương Quân đội (TƯQĐ) 108 là đơn vị triển khai kỹ thuật ghép gan muộn hơn với ca đầu tiên được thực hiện vào tháng 10-2017.

Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai, bệnh viện đã thực hiện thành công 108 ca, trở thành trung tâm ghép gan lớn nhất toàn quốc vào thời điểm hiện tại. Đây cũng là đơn vị ghép gan từ người cho sống nhiều nhất cả nước, với 105 ca.

Trao đổi với Trung tướng, GS, TS, Thầy thuốc Nhân dân (TTND) Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện TƯQĐ 108, chúng tôi được biết, ghép gan là một kỹ thuật rất khó, đòi hỏi sự kết hợp của nhiều chuyên ngành. Muốn tiến hành một ca ghép gan thành công, tất cả các chuyên ngành đều phải phát triển ở trình độ cao, đáp ứng được chất lượng chẩn đoán, cấp cứu, điều trị... Từ khi quyết định triển khai đề án ghép gan, bệnh viện đã đặt mục tiêu phải tiếp cận được kỹ thuật hiện đại và tiến hành ghép gan một cách nhanh nhất. Bệnh viện đã tổ chức cho các nhóm đi học tập ở trong và ngoài nước, mời các chuyên gia hỗ trợ 5 ca ghép đầu tiên. Những ca ghép sau đều do cán bộ, nhân viên bệnh viện thực hiện.

Đến nay, Bệnh viện TƯQĐ 108 đã làm chủ được kỹ thuật ghép gan từ người cho sống, là kỹ thuật ghép gan khó và phức tạp hơn rất nhiều so với ghép gan từ người cho chết não. Đồng thời, có thể triển khai thực hiện ghép gan trong nhiều tình huống và nhiều loại hình ghép khác nhau, như: Ghép gan cấp cứu, ghép gan theo kế hoạch, ghép lấy từ người cho chết não, ghép từ người cho sống, ghép gan cho người lớn, ghép gan cho trẻ em, lấy ghép gan tại chỗ và tổ chức điều phối lấy ghép gan xuyên quốc gia với rất nhiều ca đặc biệt.

Các thầy thuốc Bệnh viện Trung ương 108 thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép gan từ người hiến sống (tháng 1-2022).

Các thầy thuốc Bệnh viện Trung ương 108 thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép gan từ người hiến sống (tháng 1-2022).

Đại tá, TS Lê Văn Thành, Phó viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật gan-mật-tụy, Trưởng tiểu ban Ghép gan Bệnh viện TƯQĐ 108, cho biết: “Sau ca ghép gan cùng huyết thống từ người cho sống đầu tiên tại bệnh viện được thực hiện vào tháng 10-2017, hiện nay, bệnh viện đang tổ chức thực hiện ghép gan thường quy hằng tuần, trung bình mỗi tuần từ 1 đến 2 ca. Đặc biệt, đầu tháng 12-2020, bệnh viện đã lập kỳ tích khi đồng thời triển khai ghép gan 5 ca trong một tuần, tương đương với nhiều trung tâm ghép gan hàng đầu trên thế giới. Tháng 11-2021, bệnh viện tiếp tục ghi dấu ấn khi thực hiện lấy mảnh ghép gan bằng phẫu thuật nội soi từ người hiến sống và tiến hành ghép gan thành công. Đây là bệnh nhân đầu tiên được thực hiện kỹ thuật này tại Việt Nam. Trên thế giới cũng mới chỉ có một số ít trung tâm ghép gan tại các quốc gia có nền y học phát triển thực hiện được”.

Theo Trung tướng, GS, TS, TTND Mai Hồng Bàng, lập được kỳ tích trên là do sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ đặc biệt của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, sự phối hợp, hợp tác hiệu quả của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cùng các chuyên ngành có liên quan khác. Cùng với đó là sự tự tin, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc của bệnh viện; sự hy sinh cao cả của người hiến tạng và gia đình người hiến tạng. Sau 4 năm thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người” tại Bệnh viện TƯQĐ 108, đến nay, bệnh viện đã ghép được 8/11 loại mô tạng với hơn 400 ca ghép, trong đó có 110 ca ghép thận, 108 ca ghép gan, 3 ca ghép phổi, 18 ca ghép giác mạc, 132 ca ghép tế bào gốc, 40 ca ghép tủy, 2 ca ghép chi thể...

Từ những kết quả đạt được, thời gian tới, Bệnh viện TƯQĐ 108 tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, các trung tâm ghép tạng và bệnh viện trong cả nước nhằm tìm kiếm nguồn tạng ghép cho các bệnh nhân. Quá trình tổ chức các ca ghép, bệnh viện tăng cường tổ chức hội chẩn liên viện, đa chuyên ngành, hội chẩn quốc tế với các chuyên gia y tế hàng đầu trong nước và trên thế giới, nhằm tìm giải pháp tối ưu. Mục tiêu của bệnh viện là đến năm 2025 sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng ghép mô, bộ phận cơ thể người đồng bộ; tập trung nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người tiên tiến, hiện đại; phấn đấu trở thành trung tâm ghép mô, bộ phận cơ thể người ngang tầm với các quốc gia có nền y học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, góp phần xây dựng Bệnh viện TƯQĐ 108 ngày càng hiện đại, đồng bộ “Chuyên sâu-chuyên tâm-vươn tầm quốc tế”, xứng đáng với niềm tin yêu của bộ đội và nhân dân.

Bài và ảnh: CHIẾN VĂN - MAI HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/ky-tich-ghep-gan-o-benh-vien-trung-uong-quan-doi-108-688104