Kỹ thuật trồng lúa giảm phát thải khí mê-tan tại Việt Nam là kinh nghiệm quý cho thế giới

Theo hãng AP, Việt Nam hy vọng sẽ mang đến những cải tiến mới trong kỹ thuật trồng lúa nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Kỹ thuật trồng lúa giảm phát thải khí mê-tan tại Việt Nam

Khác với hàng nghìn cánh đồng lúa màu ngọc lục bảo khác trên khắp tỉnh Long An ở đồng bằng sông Cửu Long phía nam Việt Nam, ông Vo Van Van, 60 tuổi đã áp dụng kỹ thuật trồng lúa không làm ngập nước trên cánh đồng.

Máy bay không người lái chở phân bón bay trên cánh đồng lúa ở tỉnh Long An, vùng đồng bằng sông Cửu Long phía nam Việt Nam. (Ảnh AP / Jae C. Hong)

Từ trên cao, một chiếc máy bay không người lái sải cánh đưa mưa phân bón hữu cơ trải đều xuống ruộng lúa xanh phía dưới.

Trồng lúa ít nước hơn và sử dụng máy bay không người lái để bón phân là những kỹ thuật mới mà ông Van đang thử nghiệm. Việt Nam hy vọng sẽ mang đến những cải tiến mới trong kỹ thuật đối với nghề trồng lúa bởi loại cây trồng khó tính này không chỉ dễ bị tổn thương mà còn góp phần gây ra biến đổi khí hậu.

Lúa phải được trồng tách biệt với các loại cây trồng khác. Trồng lúa là công việc nặng nhọc, vất vả đòi hỏi công sức lao động cao và nước tạo ra nhiều khí mêtan, một loại khí làm nóng hành tinh, sẽ giữ nhiệt ở khí quyển gấp hơn 80 lần so với carbon dioxide trong thời gian ngắn.

Đây là một vấn đề đặc biệt đối với nghề trồng lúa, vì những cánh đồng ngập nước ngăn không cho oxy xâm nhập vào đất, tạo điều kiện cho vi khuẩn sản sinh khí mê-tan. Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp năm 2023, những cánh đồng lúa đóng góp 8% tổng lượng khí mêtan do con người tạo ra trong khí quyển.

Việt Nam gắn liền với văn minh lúa nước

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới và nền văn hóa lúa nước ở Việt Nam đã duy trì trong thời gian dài. Những cánh đồng xanh tươi trải dài đã giúp người dân Việt Nam vượt qua phần nào những khó khăn trong quá khứ. Gạo không chỉ là món chính trong hầu hết các bữa ăn mà còn được xem là "món quà từ các vị thần".

Lúa cũng làm ra mì gạo và lên men thành rượu gạo. Thông thường lúa sẽ được phơi khô và tách vỏ bằng máy trước khi được đóng gói để bán trong các nhà máy.

Ông Van đã làm việc với một trong những nhà xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam trong hai năm qua và đang sử dụng Kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ (AWD) - một trong những kỹ thuật tưới ướt khô luân phiên và mực nước luôn giữ ở mức thấp trong giai đoạn tưới tiêu.

Cách làm này cần ít nước hơn so với canh tác truyền thống vì ruộng lúa của ông không bị ngập nước liên tục. Điều đó cũng tạo ra ít khí mê-tan hơn.

Bên cạnh đó, sử dụng máy bay không người lái để bón phân cho cây trồng giúp tiết kiệm chi phí lao động. Với những cú sốc về khí hậu thúc đẩy làn sóng di cư đến các thành phố, việc tìm công nhân làm việc ở trang trại ngày càng khó khăn hơn. Quá trình phun tưới phân cũng phải đảm bảo số lượng chính xác. Quá nhiều phân bón khiến đất thải ra khí nitơ làm trái đất nóng lên.

Sau khi thu hoạch xong vụ mùa, ông Van cũng không đốt rơm rạ bởi đây là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí. Thay vào đó, nông dân sẽ thu gọn để bán cho các công ty khác sử dụng rơm làm thức ăn chăn nuôi và trồng nấm rơm.

Nghề trồng lúa giúp ông Van được hưởng lợi theo nhiều cách khác nhau. Chi phí giảm xuống nhưng sản lượng vẫn giữ nguyên. Việc sử dụng phân bón hữu cơ cũng giúp sản lượng lúa đạt tiêu chuẩn xuất sang thị trường châu Âu, nơi khách hàng sẵn sàng trả giá cao cho gạo hữu cơ.

Tái cơ cấu ngành lúa gạo

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết những phương pháp canh tác này giúp nông dân sử dụng ít hơn 40% giống lúa và ít hơn 30% nước. Chi phí thuốc trừ sâu, phân bón và lao động cũng thấp hơn.

Ông Thuận nói thêm tập đoàn Lộc Trời - nơi xuất khẩu gạo sang ở hơn 40 quốc gia bao gồm Châu Âu, Châu Phi, Hoa Kỳ và Nhật Bản - đang hợp tác với nông dân để mở rộng diện tích từ 100 ha hiện tại lên 300.000 ha theo phương pháp canh tác này.

Đó là một chặng đường dài so với mục tiêu của Việt Nam là trồng "gạo chất lượng cao, ít phát thải" trên 1 triệu ha đất nông nghiệp, diện tích gấp 6 lần diện tích London (Anh) vào năm 2030.

Việt Nam đã sớm nhận ra rằng cần phải tái cơ cấu ngành lúa gạo. Quốc gia Đông Nam Á hiện là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất, trước cả Ấn Độ và Thái Lan, đã ký cam kết năm 2021 hướng tới mục tiêu giảm lượng khí thải mêtan tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu hàng năm của Liên hợp quốc ở Glasgow, Scotland.

Đồng bằng sông Cửu Long, nơi trồng 90% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, là một trong những khu vực trên thế giới dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu.

Một báo cáo về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2022 đã cảnh báo tình trạng lũ lụt sẽ nặng hơn vào mùa mưa và hạn hán vào mùa khô. Mực nước biển đang dâng cao và làm vùng hạ lưu sông bị nhiễm mặn. Trong khi đó, việc bơm nước ngầm và khai thác cát để xây dựng cũng làm tăng thêm các vấn đề.

"Việc thay đổi các hình thức trồng lúa trong hàng thế kỷ đã rất tốn kém, và mặc dù khí mê-tan là nguyên nhân gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu mạnh mẽ hơn so với carbon dioxide, nhưng lại chỉ nhận được 2% nguồn tài trợ khí hậu", ông Ajay Banga, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc tại Dubai năm ngoái.

Ngân hàng Thế giới đang hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam và đã bắt đầu giúp chính phủ Indonesia mở rộng hoạt động nông nghiệp thích ứng với khí hậu như một phần của dự án nhằm giảm lượng khí mê-tan trên thế giới.

Lewis H. Ziska, Giáo sư khoa học sức khỏe môi trường tại Đại học Columbia hy vọng rằng sẽ có nhiều quốc gia phải làm theo cách này của Việt Nam, mặc dù không có "một quy mô chung cho tất cả". Điểm chung duy nhất là cần có nước và bổ sung thêm các phương pháp trồng trọt và tưới tiêu khác nhau để giúp quản lý nước tốt hơn./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/ky-thuat-trong-lua-giam-phat-thai-khi-me-tan-tai-viet-nam-la-kinh-nghiem-quy-cho-the-gioi-20240508164006448.htm