Kỹ sư Bùi Hiển: Sự quan tâm đến từ Bộ Quốc phòng

Sau khi thử nghiệm thành công máy bay Giấc Mơ của mình, kỹ sư Bùi Hiển đã được Bộ Quốc phòng chỉ dẫn rất kỹ càng về thủ tục cấp phép bay.

Trao đổi với Đất Việt, ngày 28/9, kỹ sư Bùi Hiển (Bình Dương) - cha đẻ của máy bay "made in Vietnam" cho biết: "Hiện nay, tôi đang dành thời gian để tu sửa lại chiếc máy bay, phục vụ cho việc tập bay thêm.

Vừa qua, trong quá trình bay thử, tôi có bị va chạm mạnh khi tiếp đất, nên càng hạ cánh đã bị méo, giờ cần phải chỉnh lại cho an toàn. Thời gian này, cũng đang rảnh rỗi vì chờ đợi câu trả lời từ các đơn vị Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương về ý định xin ra nước ngoài nhập khẩu thiết bị máy móc về".

Bên cạnh đó, theo ông Hiển, phía Bộ Quốc phòng cũng đã gửi cho ông hồ sơ để xin cấp phép bay, trong đó có khá nhiều giấy tờ, đến 5-6 bộ hồ sơ. Nhưng sau khi xem xét thì tất cả quy trình ông Hiển có thể tự làm được.

Kỹ sư Bùi Hiển bên chiếc máy bay Giấc Mơ

Theo sự chỉ dẫn của bên quốc phòng, ông Hiển quyết định không làm máy bay trực thăng không người lái, vì giá trị thấp. Nếu sáng chế không người lái rất đơn giản, mà dưới thành phố họ bán rất nhiều, công nghệ cũng đã làm hiện đại hơn.

Bây giờ, còn có bộ 3D, tự cân bằng, máy bay bay tự động, nếu có làm thì không hay, không có giá trị, vô nghĩa. Mà có làm thì cũng chỉ làm mô hình nhỏ, còn mô hình lớn không người lái rất khó.

"Động cơ máy nổ 4D hay bị nhiễu hệ thống điều khiển, ngày xưa tôi đã từng làm, máy bay không người lái bằng máy cưa xăng, tôi đã từng bay được, nhưng tia lửa điện của máy nó níu bộ phận điều khiển, nên không chuẩn và chính xác.

Vừa rồi, Hiệp hội hàng không vũ trụ VN có gợi ý làm máy bay không người lái, tôi thấy không đúng với mục đích của tôi khi sáng chế, cho nên, tôi sẽ tự đi lần mò xin giấy phép", ông Hiển tiết lộ.

Sắp tới, ông Hiển sẽ đi mua động cơ nếu có giấy phép đồng ý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương. Còn riêng phần khung sườn thì dễ, vì chỉ cần treo khung lên cao từ từ, rồi thả xuống, cái này Đại học Bách khoa sẽ giúp đỡ được.

"Nói chung là nếu nhập được động cơ chính, đĩa điều khiển, cánh quạt thì mọi việc được xử lý.

Bên Bộ KHCN cũng hướng dẫn phải có đầy đủ giấy phép nhập khẩu động cơ, nên tôi quyết định sẽ làm luôn một thể, để chiếc máy bay "Giấc Mơ" sẽ cất cánh trên bầu trời, được công nhận là một đề tài sáng chế khoa học thực sự.

Tôi thấy thực sự vui khi những cống hiến của mình suốt thời gian qua đã được công nhận, sau khi bay thử thành công, dù chưa cao, nhưng bên Quốc phòng, Hội hàng không cũng như các lãnh đạo đã có sự quan tâm hơn, đối với tôi sự động viên tinh thần này vô cùng quan trọng", ông Hiển chia sẻ đầy tâm huyết.

Video kỹ sư Bùi Hiển bay thành công:

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/ky-su-bui-hien-su-quan-tam-den-tu-bo-quoc-phong-3319714/