Kỷ niệm ngày Nhà giáo vòng quanh thế giới

Không chỉ Việt Nam, các quốc gia khác trên thế giới cũng có ngày Nhà giáo nhằm tôn vinh công việc thiêng liêng, cao cả của những người làm giáo dục. Đây cũng là dịp hoàn hảo để học sinh toàn thế giới tri ân thầy cô mình. Nguồn gốc lịch sử, thời gian, cách thức kỷ niệm Ngày nhà giáo ở mỗi nước mỗi khác nhưng đều có chung không khí vui vẻ, ấm áp.

Việt Nam

Ngày Nhà giáo Việt Nam được lấy theo ngày “Quốc tế Hiến chương các nhà giáo” do tổ chức quốc tế FISE (Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục) khởi xướng, trong đó có Công đoàn giáo dục Việt Nam làm thành viên.

Quyết định chọn ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam

Ngày 20/11/1982 là lần đầu tiên ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức kỷ niệm một cách trọng thể trên cả nước. Trước đó không lâu, vào ngày 28/9/2981, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã chính thức quyết định lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam. Đến nay, ngày 20/11 được coi là ngày truyền thống của ngành giáo dục và vẫn được duy trì tổ chức để tôn vinh, tri ân những người đã đóng góp công sức, tâm huyết cho công việc cao cả là “trồng người”.

Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để học sinh cả nước tri ân thầy cô giáo

Ngày 20/11 được tổ chức kỷ niệm rộng khắp trên cả nước. Trong ngày này, học sinh thường mang tặng thầy cô những đóa hoa tươi thắm tấm thiệp đầy ắp lời chúc ý nghĩa, món quà nhỏ hữu dụng hoặc tặng phẩm tự tay làm ra để thay lời tri ân, tỏ lòng biết ơn những người đã giáo dục, dạy dỗ mình nên người.

Ấn Độ

Ấn Độ lấy ngày sinh nhật 5/9 của vị tổng thống thứ 2 của đất nước là Dr Sarvepalli Radhakrishnan để kỷ niệm, tôn vinh ngày Nhà giáo. Trong ngày này, học sinh, sinh viên năm cuối ở các trường học sẽ chịu trách nhiệm giảng dạy cho các em khóa dưới như một cách trải nghiệm công việc ý nghĩa này cũng như bày tỏ sự biết ơn đối với thầy cô giáo của họ.

Ngoài ra, các em học sinh sẽ tặng thiệp, hoa và tự làm đồ ăn nhẹ để mời các thày cô. Đáp lại tình cảm của học trò, các thầy cô giáo ở Ấn Độ sẽ cùng chơi thể thao hoặc kể chuyện, giao lưu và truyền đạt kinh nghiệm học tập cho học sinh của mình.

Trung Quốc

Học sinh mẫu giáo ở Trung Quốc vẽ tranh tặng cho thầy cô

Năm 1931, Đại học quốc gia Trung ương (Trung Quốc) tổ chức ngày Nhà giáo đầu tiên. Đến năm 1932, ngày này được chính phủ Trung Quốc thừa nhận.

7 năm sau, ngày Nhà giáo được tổ chức vào ngày 27/8, theo ngày sinh nhật của Khổng Tử. Năm 1951, chính phủ Trung Quốc bãi bỏ ngày này.

Sau đó, ngày Nhà giáo được tái thiết lập vào năm 1985 và lấy ngày 10/9 để tổ chức kỷ niệm. Hiện nay, nhiều người Trung Quốc bày tỏ mong muốn tổ chức ngày Nhà giáo vào đúng sinh nhật Khổng Tử.

Hàn Quốc

Học sinh Hàn Quốc tặng hoa cẩm chướng cho thầy cô giáo

Ngày Nhà giáo cũng là một trong những ngày lễ lớn ở Hàn Quốc, diễn ra vào ngày 15/5 hàng năm. Học sinh, sinh viên Hàn Quốc được nghỉ học vào ngày này.

Trong giai đoạn 1973 – 1982, ngày Nhà giáo không được tổ chức rộng rãi ở Hàn Quốc. Nhưng từ sau sự kiện một nhóm thanh niên là thành viên Hội chữ thập Đỏ đến thăm các thầy cô giáo cũ trong bệnh viện, ngày Nhà giáo Hàn Quốc được kỷ niệm rộng rãi hơn để các thế hệ học sinh tỏ lòng biết ơn với người thầy.

Học sinh Hàn Quốc thường tặng các thầy cô giáo hoa cẩm chướng, những tấm thiệp viết tay thân thương, món quà nhỏ, đồ ăn tự làm… để thể hiện sự tri ân, ghi nhớ công lao thầy cô của mình.

Nga

Hoa là quà tặng phổ biến cho ngày Nhà giáo ở các nước. Ảnh: Getty Images

Những năm 1965 – 1994, ngày Nhà giáo ở nước Nga được tổ chức vào chủ nhật đầu tiên của tháng 10. Nhưng từ năm 1994 đến nay, dịp lễ tri ân công lao của thầy cô giáo đã chuyển sang ngày 5/10 hàng năm, trùng với ngày Quốc tế giáo viên được UNESCO công nhận.

Nhiều hoạt động có ý nghĩa dành cho các thầy cô được tổ chức đúng ngày Nhà giáo Nga, các thế hệ học sinh, sinh viên cũng dành thời gian về thăm và mua quà tặng cho thầy cô giáo của mình.

Mỹ

Ở Mỹ, ngày Nhà giáo là ngày nghỉ không chính thức, diễn ra vào thứ 3 của tuần đầu tiên trong tháng 5. Ngày này được kỷ niệm với sự trang trọng và tươi vui. Một số hoạt động được tổ chức tại các trường học để tôn vinh các thầy cô giáo. Thậm chí lễ kỷ niệm có thể kéo dài nguyên cả tuần đó.

Thái Lan

Học sinh ở Thái Lan chuẩn bị quà tặng thầy cô giáo

Năm 1956, chính phủ Thái Lan quyết định chọn ngày 16/1 hàng năm làm ngày Nhà giáo để vinh danh các thầy cô, những ai làm công tác giáo dục. Đến năm 1957, ngày Nhà giáo đầu tiên ở Thái Lan được tổ chức.

Trong ngày này, các giáo viên và học sinh được nghỉ dạy và học. Thay vào đó, các trường học tổ chức mittinh và các chương trình văn nghệ chào mừng. Học sinh sẽ mang hoa dâng tặng lên các thầy cô.

Iran

Ở Iran, ngày Nhà giáo được tổ chức vào ngày 2/5 để tưởng niệm giáo sư người Iran Ayatollah Morteza Motahhari. Giáo sư được biết đến là nhà văn nổi tiếng, người thầy tận tâm có đóng góp lớn cho ngành giáo dục và bị ám sát vào ngày 2/5/1980. Trong ngày này, học sinh Iran dành tặng thầy cô những bông hoa rực rỡ để tôn vinh nghề giáo thiêng liêng, cao quý.

Thổ Nhĩ Kỳ

Đất nước Thổ Nhĩ Kỳ coi nghề giáo là nghề thiêng liêng và không gì so sánh nổi. Ngày Nhà giáo Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra vào ngày 24/11 hàng năm, tổ chức theo ngày mất của lãnh tụ Mustafa Kemal Atatürk - tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên.

Sinh thời, Tổng thống Kemal Atatürk luôn cho rằng thầy cô giáo có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục, đào tạo và hình thành thế hệ mới. Ông cũng được nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ tôn vinh là người thầy đầu tiên vì có công lớn trong việc tạo bảng chữ cái mới cho đất nước vào năm 1923.

Malaysia

Tại Malaysia, ngày Nhà giáo được gọi là “Hari Guru” và được tổ chức vào ngày 16/5. Trong ngày này, các thầy cô giáo và học sinh vẫn đi làm, đi học bình thường.

Phillippines

Philippines tổ chức kỉ niệm ngày Nhà giáo vào 5/10 hàng năm, lấy theo con số tượng trưng của 50 vạn thầy cô giáo trong cả nước. Trong dịp này cũng có nhiều hoạt động dành riêng cho các thầy cô giáo được tổ chức để thể hiện sự quan tâm, tri ân của xã hội với những người có công trong việc giáo dục, dạy dỗ lớp trẻ trưởng thành.

Cuba

Tại đất nước Cuba, ngày Nhà giáo 22/12 là một ngày rất đặc biệt, có ý nghĩa vô cùng to lớn. Không chỉ là ngày thể hiện lòng biết ơn với thầy cô giáo, đây còn là dịp trọng đại, mang tính lịch sử vì nó là ngày cựu chủ tịch Fidel Castro tuyên bố nước này thoát khỏi nạn mù chữ. Cũng như nhiều nước khác, học sinh Cuba sẽ gửi tặng thiệp, quà cho thầy cô của mình trong ngày Nhà giáo.

Nhật Bản

Nhật Bản là đất nước hiếm hoi không kỷ niệm ngày Nhà giáo. Người dân nước này cho rằng, giáo viên cũng là một nghề nghiệp. Không chỉ có nghề giáo mà những nghề khác như luật sư, kỹ sư, bác sĩ… cũng rất đáng vinh danh. Nếu chỉ tổ chức ngày Nhà giáo sẽ khơi dậy sự đố kỵ giữa các nghề nghiệp khác. Do đó người Nhật không mấy quan tâm tới ngày Nhà giáo.

Ngày Nhà giáo thế giới

Năm 1994, UNESCO đã công nhận ngày 5/10 hàng năm là ngày quốc tế giáo viên với mục đích đề cao vai trà của giáo viên trong việc hình thành phát triển xã hội, đồng thời huy động sự hỗ trợ cho các giáo viên để đảm bảo nhu cầu của các thế hệ tương lai sẽ tiếp tục được các giáo viên đáp ứng.

Hàng năm, Tổ chức giáo dục quốc tế (EI) đều phát động một chiến dịch nâng cao nhận thức của cộng đồng để làm nổi bật những đóng góp của nghề giáo dục.

Hiện nay có khoảng 100 quốc gia tham gia kỷ niệm Ngày quốc tế giáo viên. Trong đó có hơn 20 quốc gia lấy Ngày quốc tế giáo viên 5/10 làm ngày Nhà giáo quốc gia như: Nga, Canada, Estonia, Đức, Lithuania, Macedonia, Maldives, Philippines, Kuwait, Qatar…

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/the-gioi-bon-phuong/ky-niem-ngay-nha-giao-vong-quanh-the-gioi