Kỷ niệm biên giới nhân ngày 27/7

Chiến tranh biên giới Tây Nam đã đi vào quá khứ, song những kỷ niệm tàn khốc, đau thương, những tội ác dã man năm xưa vẫn mãi mãi in đậm trong lòng những người lính biên phòng.

Mỗi lần trở lại Lộc Ninh, Bình Phước, lòng tôi lại bâng khuâng, xao xuyến bồi hồi, khi đến thăm những đồng đội cũ còn trụ lại và gắn bó với nơi đây, đến những nơi để lại nhiều dấu ấn khó phai mờ trong cuộc đời người lính của một thời máu lửa đau thương.

Năm 1977, tại Đại đội Cơ động 3 Biên phòng gần Ngã ba Công Chánh thuộc huyện Bù Đốp, những người lính còn rất trẻ mà trước đó là những thanh niên chân lấm tay bùn, chuyên cần cày cuốc của quê hương chiếc gậy Trường Sơn đã tập kết tại đây để được biên chế về các đơn vị và các đồn Biên phòng tỉnh Sông Bé lúc ấy là 705 - Bù Gia Mập, 707 - Đăk Quýt, 709 - Hoàng Diệu, 713 - Cầu Trắng, 717 - Hoa Lư, 721 - Tà Nốt, 725 - Tà Vát... và các làng Một, làng Hai, làng Chin, làng Mười… thuộc các xã Lộc Tấn, Lộc Khánh, Lộc Hưng, Lộc Thắng, Lộc Thiện… của huyện Lộc Ninh.

Miền Đông đất đỏ mây mù.
Trập trùng đồi núi, cao su bạt ngàn.
Mùa khô xứ Lộc nắng tràn.
Mịt mù bụi cuốn từng làn lên mây.

Biên cương Tổ quốc là đây.
Hành quân đến mảnh đất này rồi sao.
Đoàn quân miền Bắc mới vào.
Núi rừng đất lạ, nao nao cõi lòng.

Những người lính biên phòng chúng tôi đã cống hiến những năm tháng tuổi xuân đẹp nhất của cuộc đời trên những cánh rừng già biên giới xa xôi. Nhiều người không gục ngã trước đạn pháo quân thù nhưng lại gục ngã trước bệnh tật, sự khó khăn, thiếu thốn nơi “rừng thiêng nước độc”.

Đường tuần tra biên giới đầy chông gai, đủ các loại mìn gài và biết bao hiểm nguy rình rập, khi đêm về màn trời chiếu đất, muỗi đốt xuyên qua tăng võng, không ít người sốt rét ác tính, ban đêm mê sảng kêu tên cha mẹ, vợ con, sáng ra đã thấy cứng đơ từ lúc nào, không kịp trăn trối lời vĩnh biệt, những nỗi đau xé lòng người ở lại trong niềm tiếc thương đồng đội vô hạn.

Nơi đây lam chướng nghìn trùng
Mênh mông, thăm thẳm núi rừng miền Đông.

Cuộc chiến tàn khốc đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng người dân vô tội vùng biên giới và những người lính Biên phòng, đồng đội của chúng tôi. Đó là…

… Gần 1 giờ sáng ngày 24/9/1977, bọn ác quỷ khát máu là lính áo đen Pônpôt, Campuchia tràn qua biên giới, mò vào Trường Phổ thông Cấp 1 và 2 xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, tàn sát, đốt phá, hãm hiếp rồi giết hại dã man hơn 800 thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh đang ở lại trường chờ đón Tết Trung Thu và gây thiệt hại nặng cho đồn Biên phòng Sa-mát gần đó…

… Quá nửa đêm ngày 22/12/1977, bọn lính Pônpot bất ngờ đồng loạt tấn công các đồn bBiên phòng tỉnh Bình Phước. Sau nhiều giờ giao tranh ác liệt, biết không thể cướp được gì, bọn chúng vội vã tháo chạy về bên kia biên giới trước khi trời sáng, để lại nhiều xác chết phơi trên chiến hào xung quanh trận địa các đồn biên phòng Bình Phước.

… 23 giờ đêm ngày 27/2/1978, hơn hai trung đoàn quân Pônpôt Campuchia ồ ạt tấn công đồn Biên phòng 717 Hoa Lư từ nhiều hướng, Hàng loạt đạn lớn nhỏ, pháo, cối, M.79, B.40, B.41… thi nhau trút lửa vào trận địa của đồn.

Sau gần hai ngày đêm giao tranh không cân sức ác liệt, Đồn trưởng Nguyễn Văn Vải cùng 32 cán bộ chiến sĩ của đồn Biên phòng 717 Hoa Lư đã anh dũng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất biên giới Tây Nam thiêng liêng của Tổ quốc.

… Gần 2 giờ sáng ngày 16/3/1978, bọn lính áo đen Pônpôt luồn sâu vào đất Việt Nam hàng chục cây số, tại thôn Sa Trạch, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp, phía Bắc Lộc Ninh, lại tàn sát, đốt phá, hãm hiếp phụ nữ, giết người già, xé xác trẻ em hoặc tung lên, lấy lưỡi lê hứng rồi quăng vào lửa… Nơi đây gần đồn Biên phòng 707 Đăk Quýt, tỉnh Bình Phước.

Nhờ phát hiện kịp thời, cán bộ chiến sĩ đồn Biên phòng 707 đã đánh bật nhiều đợt tấn công ăn cướp của kẻ thù, hàng chục tên phải phơi xác trên cánh đồng Xa-rây trước cửa đồn.

Ngày hôm sau, gần 500 ngôi mộ mới mọc lên trong đổ nát hoang tàn.

Điển hình nhất là vụ thảm sátngày 18/4/1978, tại thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang cách biên giới gần 7 km, đã có 3.157 người dân thuộc thị trấn Ba Chúc bị giết hại dã man, khi bọn lính áo đen Pônpôt dồn hết dân làng vào các ngôi chùa và trường học quanh Núi Tượng và Núi Dài, rồi xả súng bắn chết. hoặc chặt đầu, phụ nữ bị hãm hiếp dã man xong lại bị đóng cọc vào chỗ kín, trẻ em bị chúng dùng lưỡi lê giết chết…

Đau thương, oán hận ngút trời, tội ác chồng chất, trời không dung, đất không tha của bọn lính áo đen Pônpôt dọc theo đường biên giới Tây Nam từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Kiên Giang lúc đó là không ngòi bút nào tả xiết.

Trong chiến tranh, mọi điều không biết trước đều có thể xảy ra.

Điều mà chúng tôi bất ngờ là các cuộc chia ly sau Tết Nguyên đán Kỷ Mùi, Phnompenh được giải phóng 7/1/1979, thì đến ngày 10/2/1979. Đại đội Cơ động 3 của Biên phòng tỉnh Bình Phước từ Ngã ba Công Chánh - Bù Đốp được lệnh lên đường sang làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, thuộc Trung đoàn 6 Biên phòng…

Có ba người lính trẻ luôn kề vai sát cánh bên nhau, ăn cùng mâm, ngủ chung một chiếu, tắm chung một dòng nước mát biên cương… Đó là Hà Văn Phái, Hoàng Ngọc Ánh và Hoàng Phúc Long ngày ấy lại phải chia tay nhau mỗi người một nơi.

Thế rồi, không lâu sau đó, ngày 7/12/1979, hạ sĩ Hà Văn Phái đã anh dũng hy sinh tại biên giới Lộc Ninh khi đang trên đường tuần tra bảo vệ biên giới.

Chiều nay sao quá não nùng.
Lòng mình đau xót vô cùng, Phái ơi!
Ra đi chẳng nói một lời.
Đau thương đột ngột, tuổi đời còn xanh
Phái ơi, đi thế sao đành
Phái đi, sao nỡ bỏ anh em mình
Hai năm trên đất Lộc Ninh
Những ngày chung sống nghĩa tình chưa phai
Tưởng đâu cuộc sống còn dài
Ai ngờ giờ lại chia hai ngả đường
Khóc sao hết được đau thương,
Nặng tình đồng đội, đồng hương chúng mình…

… Một ngày cuối tháng 8/1980, tôi nhận được một bức thư từ nước ngoài gửi về, bên ngoài bì thư đề phiên hiệu hòm thư một đơn vị thuộc Quân khu 9 “Châu Đốc - An Giang” nhưng bên trong lại ghi: “Kôcông - Puôcsắt CPC ngày 25/7/1980…” nói về nỗi nhớ gia đình, Tổ quốc, quê hương và những năm tháng cùng chung ngọt sẻ bùi với anh em tại biên giới Việt Nam của hạ sĩ Hoàng Ngọc Ánh, ở Đại đội 3 thuộc Trung đoàn 6 Biên phòng đang làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia từ ngày 10/2/1979.

Ngay sau đó tôi đã viết trả lời:

“Lộc Ninh - Việt Nam, ngày 30/8/1980
Ánh thương nhớ nhiều!
Trời miền Đông, chiều nay lộng gió.
Nhớ Ánh nhiều, Ánh có biết không.
Xa nhau bao nỗi nhớ mong.
Quê hương đang nhắc, gọi Long, Ánh nhiều.
Ánh ơi, sớm sớm chiều chiều.
Bên nhau tâm đắc bao điều buồn vui.
Đã từng chung ngọt sẻ bùi.
Đã từng cay đắng nếm mùi chát chua.
Lúc hờn giận, lúc vui đùa.
Cuộc đời sớm nắng chiều mưa chung đường.
Gần nhau có lúc bình thường.
Xa nhau bao nỗi nhớ thương vô cùng.
Con đường hai đứa đi chung.
Giờ đây mỗi đứa một vùng xa xôi.
Biên cương đất bạn, quê người.
Vùng biên Tổ quốc, hai nơi xa vời.
Ánh ơi, cũng một cuộc đời.
Làm người lính chiến thế thời sao đây.
Năm năm, tháng tháng, ngày ngày.
Càng xa, càng cách, càng dày nhớ mong.
Nơi xa Ánh có nhớ Long.
Từng giờ mình vẫn chờ mong Ánh về ….”

Thư đến thì mừng, thư đi lại chờ mong …

Đầu tháng 10/1980. Một đồng đội từ Trung đoàn 6 Campuchia về Việt Nam công tác, hớt hải chạy đến báo tin: “Long ơi! Ánh đã hy sinh rồi, ngày 23/9/1980 tại Kôcông, gần biên giới Thái Lan, thư của Long đến muộn, chỉ có bọn mình đọc thôi. Anh em mình sang đó hy sinh mấy người rồi …”.

Như tiếng sét ngang tai, tôi đứng sững như trời trồng giữa sân đơn vị, không biết gì nắng gió và cát bụi. Một lúc sau có người gọi mới bừng tỉnh… Một nỗi đau xót quá nặng nề…

Cảm động trước sự hy sinh anh dũng của các anh, nhân dịp tìm thấy và đưa hài cốt các anh về với gia đình, quê hương, nhà thơ Sơn Hoàng (Hoàng Văn Năm) đã viết bài thơ đầyxúc động

NGÀY VỀ

Bình minh buổi sớm rực trời đông
Ngày ấy ra đi lúc tuổi hồng
Tây Nam biên giới ta thẳng tiến
Một lòng kiên định với non sông

Tiếp bước Cha, Anh giữ biên cương
Gian lao vất vả vẫn coi thường
Xuyên rừng vượt núi lòng hăng hái
Thỏa nỗi chờ mong của hậu phương

Chân bước ra đi tự nhủ lòng
Ngày về thắng lợi vẫn chờ mong
Hậu phương Cha dõi theo từng bước
Mỗi độ xuân về Mẹ ngóng trông…

Thấm thoát nhiều năm trở về đây
Vẫn con đường cũ với hàng cây
Đất nước thanh bình lòng rạo rực
Quê hương hạnh phúc mãi tràn đầy!

Hàng năm, cứ đến ngày 27/7, chúng tôi lại ngậm ngùi nhớ thương những người bạn còn nằm lại các chiến trường, và các anh em đồng đội đã sớm về bên kia thế giới. Chiến tranh mà, biết làm sao được. Cầu mong cho các bạn yên giấc ngàn thu, an lòng nơi chín suối vì cuộc sống thanh bình của quê hương yêu dấu và đất nước tươi đẹp của chúng ta.

Hoàng Phúc Long

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/ky-niem-bien-gioi-nhan-ngay-277_t114c1159n122142