Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng (16-10-1948 - 16-10-2023) Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh: Kết hợp nhuần nhuyễn giữa 'xây và chống'

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng (16-10-1948 - 16-10-2023), Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh về những kết quả đạt được trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay.

Ông Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh

- Ông đánh giá như thế nào về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay?

- Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn xác định công tác kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đồng thời rút kinh nghiệm sâu sắc từ các sai phạm, khuyết điểm của nhiệm kỳ trước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Do đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, cấp ủy các cấp đã xây dựng và ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra (UBKT), quy chế phối hợp giữa UBKT với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng; chủ động phổ biến, quán triệt, cụ thể hóa và triển khai các nghị quyết, kết luận, quy định về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng phù hợp với nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị mình. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 05 về một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới. Đặc biệt, cấp ủy, UBKT các cấp đã chủ động, sớm xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát toàn khóa và cụ thể hóa thành chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm để triển khai thực hiện các nội dung có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, như: Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng… Nhiều vụ việc khó, phức tạp, nổi cộm được dư luận quan tâm đã được UBKT Tỉnh ủy kiểm tra, làm rõ các khuyết điểm, vi phạm và xử lý nghiêm minh, như: Vụ việc sai phạm trong công tác quản lý đất đai ở huyện Cam Lâm; sai phạm trong công tác quản lý tài chính, tài sản công tại Trung tâm Phát triển quỹ đất Khánh Hòa…

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy và UBKT các cấp đã kiểm tra 4.555 lượt đảng viên và 3.388 lượt tổ chức đảng, trong đó kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 137 lượt đảng viên và 31 lượt tổ chức đảng (tăng 158,5% lượt đảng viên và 181,8% lượt tổ chức đảng so với nửa đầu nhiệm kỳ trước); giám sát 3.283 lượt đảng viên và 1.272 lượt tổ chức đảng (tăng 61,3% lượt đảng viên và 25,4% lượt tổ chức đảng so với nửa đầu nhiệm kỳ trước); thi hành kỷ luật 362 lượt đảng viên và 12 lượt tổ chức đảng (tăng 94,6% lượt đảng viên và 100% lượt tổ chức đảng so với nửa đầu nhiệm kỳ trước), trong đó có 19 đảng viên thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Từ kết quả trên có thể khẳng định, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh được tăng cường và có nhiều đổi mới, chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động, kết hợp nhuần nhuyễn giữa “xây và chống”, trong đó xác định “xây” là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng cấp bách, thường xuyên, quyết liệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Trong “xây” xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, phẩm chất đạo đức trong sáng, vừa “hồng”, vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Trong “chống” thì tập trung chống tư tưởng nể nang, né tránh trách nhiệm, làm việc cầm chừng, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm trong thực hiện nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao…; kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Đây là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Nhờ đó, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát được nâng lên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đóng góp quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, tạo điều kiện để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.

- Từ những kết quả trên, chúng ta có thể rút ra được những bài học gì, thưa ông?

- Từ thực tiễn công tác kiểm tra, giám sát từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, chúng ta có thể rút ra bài học kinh nghiệm sau:

Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng cần nhận thức đúng, đầy đủ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát; phải xác định rõ công tác kiểm tra, giám sát là một chức năng lãnh đạo và là nhiệm vụ quan trọng của Đảng. Vì vậy, cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu phải chỉ đạo và trực tiếp tiến hành công tác kiểm tra, giám sát một cách chủ động, thường xuyên. Những vụ việc, vụ án xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã để lại cho Đảng bộ tỉnh nhiều bài học đau xót trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và công tác kiểm tra, giám sát nói riêng. Nếu cấp ủy, UBKT các cấp chủ động, thường xuyên kiểm tra, giám sát sẽ phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế được vi phạm, không bị thất thoát tài sản Nhà nước và mất cán bộ.

Hai là, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh, đúng quy định nhưng phải trên quan điểm toàn diện và quan điểm lịch sử cụ thể, sát với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy gắn với giải quyết các vấn đề nổi cộm được dư luận quan tâm, góp phần thúc đẩy việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ba là, cấp ủy, UBKT các cấp cần nắm chắc tình hình địa bàn, kết hợp chặt chẽ giữa kiểm tra và giám sát với phương châm: “Giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm”, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, phức tạp, dễ xảy ra vi phạm; thực hiện tốt việc công khai kết quả xem xét, xử lý vi phạm đối với các tổ chức đảng và đảng viên theo quy định nhằm tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

- Theo ông, để làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, thời gian tới, ngành Kiểm tra Đảng cần phải làm gì?

- Xuất phát từ thực tiễn của địa phương và yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, thời gian tới, cấp ủy và UBKT các cấp cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm chính trị trong toàn Đảng, trước hết là cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; xác định công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tổ chức thực hiện đúng, nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy trình, hướng dẫn của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.

Thứ hai, xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và tổ chức thực hiện có hiệu quả; chú trọng kiểm tra, giám sát tổ chức đảng gắn với trách nhiệm người đứng đầu; tập trung lựa chọn những lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, phức tạp, dễ xảy ra sai phạm, các vấn đề nổi cộm, những nghị quyết, chỉ thị, kết luận có ảnh hưởng quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng cũng như nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó đánh giá đúng, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, xử lý nghiêm minh các vi phạm; đồng thời phát hiện những vấn đề bất cập, không còn phù hợp, thiếu tính khả thi để tháo gỡ các “nút thắt”, “điểm nghẽn”, kịp thời điều chỉnh các chủ trương, kế hoạch cho sát với tình hình thực tế.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các cơ quan quản lý nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tạo ra sức mạnh tổng hợp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, không để chồng chéo, trùng lặp trong thực hiện nhiệm vụ.

Thứ tư, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đảm bảo số lượng, chất lượng, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường luân chuyển cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ kiểm tra; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ; đẩy mạnh, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, phương pháp làm việc, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ kiểm tra đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi ghi nhận và cảm ơn sâu sắc sự đóng góp của các thế hệ cán bộ kiểm tra qua các thời kỳ. Xin chúc đội ngũ cán bộ ngành Kiểm tra Đảng tỉnh Khánh Hòa sức khỏe và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

- Xin cảm ơn ông!

XUÂN THÀNH (Thực hiện)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202310/ky-niem-75-nam-ngay-truyen-thong-nganh-kiem-tra-dang-16-10-1948-16-10-2023-cong-tac-kiem-tra-giam-sat-cua-dang-bo-tinh-ket-hop-nhuan-nhuyen-giua-xay-va-chong-c4d01f3/