KỶ NIỆM 20 NĂM THÀNH LẬP QUẬN THANH KHÊ (21-1-1997 - 21-1-2017): - Dấu ấn 20 năm xây dựng và phát triển

Tại thời điểm thành lập, Q.Thanh Khê (TP Đà Nẵng) gặp không ít khó khăn, thách thức. Đó là, điểm xuất phát kinh tế thấp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị yếu kém. Đây còn là địa bàn phức tạp về ANCT và TTATXH. Thế nhưng, trải qua chặng đường 20 năm xây dựng, phát triển, Q.Thanh Khê đã vươn mình lớn mạnh.

Tại thời điểm thành lập, Q.Thanh Khê (TP Đà Nẵng) gặp không ít khó khăn, thách thức. Đó là, điểm xuất phát kinh tế thấp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị yếu kém. Đây còn là địa bàn phức tạp về ANCT và TTATXH. Thế nhưng, trải qua chặng đường 20 năm xây dựng, phát triển, Q.Thanh Khê đã vươn mình lớn mạnh.

Ban Thường vụ Thành ủy làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Khê. Ảnh: P.K

Ban Thường vụ Thành ủy làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Khê. Ảnh: P.K

Đi lên từ xuất phát điểm thấp

Ông Lê Minh Trung, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND Q.Thanh Khê đã đưa ra một nhìn nhận có tính khái quát như vậy khi trao đổi với người viết. Bằng chứng là khi mới thành lập năm 1997, trên địa bàn quận chỉ có 115 đơn vị kinh tế nhưng đến năm 2016, toàn quận đã có gần 3.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ đủ các loại hình, thành phần kinh tế. Kết quả thu ngân sách năm sau luôn cao hơn năm trước; thu ngân sách năm 2016 khoảng hơn 444,6 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 13%/năm.

Điểm nhấn kinh tế của quận 20 năm qua chính là sự chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng thương mại-dịch vụ, giảm tỷ trọng công nghiệp, thủy sản và luôn duy trì nhịp độ tăng trưởng cao. Tỷ trọng ngành dịch vụ tăng nhanh từ 43,68% năm 1997 lên 60,54% năm 2016. Đề cập đến câu chuyện này, Chủ tịch UBND Q.Thanh Khê Nguyễn Văn Tĩnh chia sẻ, với lợi thế về mặt địa bàn và môi trường sau khi quy hoạch, chỉnh trang đô thị cũng như công tác CCHC được thực hiện thường xuyên, hạ tầng thương mại luôn được quy hoạch, đầu tư và phát triển đều khắp các KDC nên dịch vụ-thương mại tăng trưởng mạnh. Điều đó rất dễ nhận thấy khi các khu vực, tuyến đường có truyền thống thương mại điển hình như Nguyễn Văn Linh, Điện Biên Phủ, Lê Duẩn, Hàm Nghi... đã phát huy được hiệu quả hoạt động, thu hút nhiều nhà đầu tư, đặt văn phòng đại diện giao dịch tại miền Trung và cả nước. Nhiều siêu thị lớn được xây dựng trên địa bàn quận như Big C, Nguyễn Kim, Co.op Mart. Đặc biệt, năm 2015 tuyến phố Lê Duẩn (đoạn từ đường Ông Ích Khiêm đến ngã ba Cai Lang-Điện Biên Phủ) được đầu tư bằng nguồn ngân sách thành phố (có một phần vốn đối ứng của quận) đã hình thành và đưa vào hoạt động kinh doanh chuyên về thời trang, may mặc, góp phần làm cho đô thị ngày càng khang trang hiện đại. Bên cạnh đó, hoạt động của ngành CN-TTCN của Q.Thanh Khê tiếp tục phát triển và duy trì nhịp độ tăng trưởng bình quân hàng năm 17%. Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.000 tỷ đồng vào năm 2016, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực. Trong khi đó, ngành thủy sản vốn là ngành nghề truyền thống của địa phương; tuy nhiên theo chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với thực tế hiện nay nên tỷ trọng này giảm xuống còn 5,61%. Song, một điều đáng ghi nhận là, mặc dù số lượng tàu thuyền có sự biến động giảm lớn nhưng năng lực đánh bắt của tàu thuyền lại tăng dần qua các năm, từ 137CV/tàu năm 2006 tăng lên 287CV/tàu trong năm 2016.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ và Chủ tịch UBND Q.Thanh Khê Nguyễn Văn Tĩnhdự lễ ra quân đầu năm trên công trình nút giao thông khác mức Ngã ba Huế (năm 2015).Ảnh: P. Kiếm

Điểm nhấn của sự phát triển

"Bên cạnh phát triển kinh tế, công tác chỉnh trang đô thị cũng có bước phát triển vượt bậc và là khâu đột phá không chỉ giúp Q.Thanh Khê mở rộng không gian và thay đổi diện mạo đô thị theo hướng văn minh, hiện đại"-Chủ tịch UBND Q.Thanh Khê Nguyễn Văn Tĩnh khẳng định. Ông Tĩnh dẫn chứng, khi mới thành lập, giai đoạn 1997-2000, trên 250 công trình kết cấu hạ tầng đô thị được xây dựng, chỉnh trang với tổng giá trị đầu tư hơn 140 tỷ đồng. Do ngân sách khó khăn nên một số công trình bê-tông hóa nền đường, cống thoát nước, điện chiếu sáng phải thực hiện việc đầu tư thông qua phương thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Nhờ đó, về cơ bản đã góp phần giải quyết kịp thời nhu cầu cấp thiết của nhân dân nhưng do kinh phí vận động từ nhân dân có khó khăn dẫn đến quy mô và chất lượng cũng chỉ dừng lại ở mức tương đối. Tuy vậy, từ năm 2006 đến nay, các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư 100% từ ngân sách quận nên đến nay hầu hết các kiệt, hẻm trên địa bàn quận đã được bê-tông hóa, có cống thoát nước và điện chiếu sáng. Hơn 70 dự án lớn, nhỏ cũng được triển khai thực hiện nhằm quy hoạch và chỉnh trang đô thị. Từ đó, nhiều khu dân cư đô thị mới đã được hình thành và phát triển ổn định như: KDC Phần Lăng 1 và 2, KDC Nhà máy xay xát, KDC Huỳnh Ngọc Huệ, khu tái định cư Thanh Khê Tây... Đặc biệt, nút giao thông khác mức Ngã ba Huế khánh thành và đưa vào hoạt động đúng vào dịp 29-3-2015 không chỉ góp phần giải quyết điểm đen về tình trạng ùn tắc giao thông mà còn được biết đến như là điểm nhấn kiến trúc ấn tượng tại cửa ngõ trung tâm thành phố, làm cho bộ mặt đô thị Q.Thanh Khê đổi thay nhanh chóng. Hiện tại, nhiều khu quy hoạch vẫn đang và sẽ được triển khai nhằm khớp nối với các khu quy hoạch đã có và tiếp tục nâng cấp bộ mặt đô thị, giải quyết vấn đề ngập úng tại các KDC hiện có như: KV Khe Cạn, KV phía Tây hồ điều tiết, thuộc KDC Phần Lăng 2 mở rộng...

Lễ hội cầu ngư truyền thống hàng năm của ngư dân vùng biển Q.Thanh Khê. Ảnh: Phương Kiếm

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã từng phát biểu: "Tôi cho rằng, định hướng phát triển xây dựng Q.Thanh Khê trở thành trung tâm dịch vụ-thương mại của cả thành phố như hiện nay là hoàn toàn đúng đắn. Vì thế, để tạo được đột phá phát triển về dịch vụ-thương mại, Q.Thanh Khê phải giải bài toán cải tạo đô thị cũ. Quận cần nghiên cứu xây dựng đề án vận động nhân dân tham gia cải tạo những KDC chật hẹp, xuống cấp thành chung cư. Bên cạnh đó phải có lộ trình di dời hết các cơ sở TTCN nhỏ lẻ, các nhà máy tập trung về KCN Hòa Cầm; nghiên cứu phát triển du lịch và dịch vụ trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành, thu hút được các DN lớn, có thương hiệu trên các tuyến đường chuyên doanh; sắp xếp quy hoạch, chỉnh trang để tạo ra thương hiệu của từng tuyến phố...". Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ khẳng định: "Tôi tin rằng với mục tiêu và định hướng chiến lược cụ thể, với sức mạnh nội lực kết hợp tận dụng triệt để những lợi thế đang có của địa phương và sự hỗ trợ tích cực của thành phố và Trung ương, Q.Thanh Khê sẽ phát triển KT-XH theo hướng bền vững và ổn định, góp phần vào thành quả chung xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng giàu đẹp, văn minh".

Phương Kiếm

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_160983_da-u-a-n-20-nam-xay-du-ng-va-pha-t-trie-n.aspx