KỶ NIỆM 20 NĂM ĐÀ NẴNG TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG:Những nhịp cầu đưa Đà Nẵng 'vươn mình' (2)

* Bài cuối: "Cú hích" kết nối phát triển kinh tế

Rất nhiều người ví rằng, những cây cầu bắc qua sông Hàn là những "sợi chỉ vàng". "Sợi chỉ" ấy đã dệt nên ước mơ của bao thế hệ người dân từng chứng kiến sự đổi thay của dòng Hàn Giang. Phải, từng cây cầu đưa vào sử dụng đều thêm diện mạo mới, trở thành "cú hích" kết nối phát triển kinh tế các vùng, góp phần xây dựng thành phố thay da đổi thịt...

Cầu Rồng phun lửa về đêm phục vụ khách du lịch đến tham quan.

Còn nhớ, cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, trong một buổi gặp gỡ với cán bộ của Đà Nẵng, ông nói: "Từ khi Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc Trung ương, hầu như TP này bị xới tung lên tất cả. Nhưng sự xới tung ấy là tất yếu, để tương lai không xa, Đà Nẵng trở thành một đô thị đáng sống". Q. Sơn Trà thời đó có hàng trăm nhà "chồ, ổ chuột". Ban đêm nhìn sang bên tê sông, những ngọn đèn tù mù trong căn nhà vách ván dập dềnh trên sóng nước như chốt gác. Ban ngày đứng trên cầu Nguyễn Văn Trỗi nhìn về những ngôi nhà chồ khẳng khiu, lô nhô giống như chiếc lược gãy răng cài. Nơi ấy, chuyện các cô bé, cậu bé vài ba tuổi lẫm chẫm bò qua những con đường gập ghềnh đá hộc; rồi mỗi đám tang muốn ra đường lớn phải khiêng đi bộ từng chặng hoặc đi thuyền... Nhưng diện mạo của sự khác biệt "quận nhất, quận ba" nay đã thay đổi từ khi có cây cầu Sông Hàn. Đôi bờ sông Hàn nay đã thay đổi đến ngỡ ngàng, như những ca từ trong bài hát "Sông Hàn tình yêu của tôi" của cố nhạc sĩ An Thuyên: "Giờ đã sang ngang/ sông Hàn thênh thang/ Ai bắc một chiếc cầu/ ai nối nhịp đôi bờ/ để giờ soi bóng một riêng tôi... Bến sông nay là phố mới/ điện giăng giăng như lưới nhạc/ thành phố như mơ/ Sông Hàn như thơ/ ai biết ngày tôi về/ vui thế ngày tôi về/ Sông Hàn đẹp hơn lần tôi xa"...

Thời điểm có cầu Sông Hàn bắc qua sông, dự án "vệt đường Bạch Đằng Đông" với tổng số vốn ngót nghét 1.000 tỷ đồng được chính quyền TP thực hiện đã xóa đi sự khác biệt giữa các khu vực trong TP, đưa người dân nhà chồ về với đất liền. Với họ, đây quả là sự đổi đời mà bấy lâu không ai dám mơ tới. Suốt gần 20 năm qua, đã có hàng nghìn hộ dân có đất xây nhà mới, nhà chung cư với cơ sở hạ tầng, hệ thống điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, cấp thoát nước... đầy đủ, tiện ích. Sự hình thành của cây cầu đã làm cho "bên nớ, bên ni" gần gũi quá đỗi. Ông Trương Quý Khanh, cán bộ văn hóa P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà-một người dân từng sống ở xóm nhà chồ, bộc bạch: "Trước đây, có ai hình dung rằng, từ Nại Hiên Đông, An Hải Bắc, An Hải Tây... chỉ mất vài phút đạp xe thong dong qua trung tâm TP. Nhìn những căn nhà mới xây vuông vức, thẳng tắp thay thế cho những khu nhà chồ tạm bợ trước đây, không người dân nào như chúng tôi nén nổi cảm xúc khó tả". Từ sự đồng thuận, mỗi người dân Sơn Trà hôm nay ai cũng tự hào bởi sự ra đời của những cây cầu đã giúp Sơn Trà dần dần trở mình thành một "nàng tiên cá" đang ngoi mình lên mặt nước. Ở đó, có những con đường rộng mở thênh thang, vắt vẻo qua những vách núi được những ánh sáng cuối cùng trong ngày soi bóng, khiến Sơn Trà quyến rũ đến nao lòng. Con đường ấy mang tên đại lộ Hoàng Sa, bất cứ ai khi đặt chân đến TP biển để du ngoạn cũng có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đại lộ dài hơn 15 km này. Cũng từ đây, du khách có thể đi bộ men theo bờ biển, trải qua 6 bãi tắm cát trắng, nước trong để tận hưởng "viên ngọc" đang "tỏa sáng" giữa biển Đông. Chiều về, cung đường Hoàng Sa trở về với dáng vẻ bình yên với những khuôn viên ngập sắc hoa cùng những chú chim bồ câu bay lượn trong yên bình. Và khi bình minh thức giấc, hàng nghìn tàu thuyền của ngư dân lại phấp phới cờ đỏ sao vàng, căng buồm rẽ sóng ra khơi.

Tính ở giai đoạn 2010-2015, cơ cấu kinh tế của Sơn Trà đang chuyển dịch nhanh, đúng định hướng. Nếu năm 2010 dịch vụ chiếm 44,5%, công nghiệp 47,6%, nông nghiệp 7,9% thì đến năm 2015, dịch vụ ước đạt 63,93%, công nghiệp - xây dựng 30,67%, nông nghiệp còn 5,4%. 5 năm ấy, tổng sản phẩm trên địa bàn quận ước tăng bình quân gần 12,40%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt khoảng 43 triệu đồng, tăng gấp 2,26 lần năm 2010 và vượt 26% so với nghị quyết. Nhiều hoạt động phong phú như Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, tham quan, tắm biển, chương trình nghệ thuật dân gian miễn phí cuối tuần... cũng thu hút nhiều đoàn khách đến với Sơn Trà. Giai đoạn 2015-2020, chính quyền Q. Sơn Trà cũng đã đặt ra chỉ tiêu để phấn đấu, trong đó có tốc độ tăng GDP bình quân hằng năm cho cả nhiệm kỳ là 10%; tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành dịch vụ: 20,54%, giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng tăng 8,64% và giá trị sản xuất nông nghiệp-xây dựng tăng 6,36%.

Quận Sơn Trà đổi thay từ khi có những cây cầu bắc qua sông.

Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT có lần nói với tôi rằng: Ông đã từng tiếp xúc với nhiều hộ dân khu vực Sơn Trà, được họ chia sẻ nhiều điều. Rằng họ tự hào khi có những cây cầu bắc qua sông. Cứ thêm một cây cầu mới là một lần giúp Sơn Trà từ một địa phương khốn khó, thiếu đường, điện, thông tin liên lạc... dần dần trở mình thành "một nàng tiên cá" ven biển, ven sông. Tính đến nay, trên tuyến đường Hoàng Sa huyết mạch nối đường Trường Sa dài 11,26km (nay đặt tên đường Võ Nguyên Giáp) đã có trên dưới 60 dự án du lịch ven biển mọc lên, khiến nơi đây càng trở nên sầm uất. Những ruộng cằn, cồn cát, trảng dương liễu hoang vu năm xưa đã hóa thành "vàng miếng" với những khu resort triệu đô, khu nhà cao tầng mọc lên san sát. Rồi sự khởi sắc của vùng đất ven đô Hòa Xuân (Cẩm Lệ). Rồi Hòa Xuân, cách đây khoảng 15 năm được ví như vùng "đất chết", nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền TP trong chỉnh trang đô thị, Hòa Xuân bây giờ đã trở thành vùng đất triệu đô với những dự án bất động sản "siêu khủng". Để rồi cái tên "thung lũng" Hòa Xuân năm xưa nay thành tên gọi mới: "Khu đô thị mới Hòa Xuân"...

Cũng tuyến đường chạy dọc Biển Đông này, mới đây, tờ Sunday Herald Sun của Australia cũng nhận xét bãi biển Mỹ Khê là một trong số 10 bãi biển ở Châu Á được yêu thích nhất thế giới... Tất cả yếu tố ấy đã và đang góp phần làm thay đổi hoàn toàn diện mạo đô thị của Quận Ba, Ngũ Hành Sơn "xộc xệch", cằn cỗi trở thành một trung tâm du lịch biển sầm uất với hàng trăm con đường lớn nhỏ, khu dân cư mới cùng hàng chục resort, sân golf, khu biệt thự cao cấp mọc lên. Chưa hết, tới đây khu du lịch văn hóa tâm linh ven sông Cổ Cò soi bóng Ngũ Hành Sơn huyền thoại sẽ hình thành, điểm tô thêm một Ngũ Hành Sơn trầm mặc trở thành một "đặc sản" du lịch.

Giờ đây, mỗi lần đi trên cầu Sông Hàn, Thuận Phước, Trần Thị Lý, cầu rồng... giữa tấp nập dòng xe qua lại, mỗi người dân Đà Nẵng ai không khỏi bồi hồi nhớ về những chuyến phà ngang hiểm nguy vượt qua sông năm xưa. Hẳn ai cũng hài lòng và tự hào rằng, mỗi cây cầu ấy, sự đồng thuận của ý Đảng lòng dân ấy đã tạo ra mỗi "cú hích" phát triển kinh tế, đưa Đà Nẵng thay da đổi thịt, trở thành trung tâm kinh tế năng động, hiện đại bậc nhất miền Trung.

Quỳnh Chi

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_159767_nhu-ng-nhi-p-ca-u-dua-da-na-ng-vuon-mi-nh-2-.aspx