Kỷ niệm 110 năm ngày mất danh nhân văn hóa Đào Tấn

Sáng 19-9, tại rạp Hồng Hà, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm ngày mất của nhà soạn tuồng, danh nhân văn hóa Đào Tấn. Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên đã đến dự.

Trích đoạn vở "Hộ sanh đàn" tại lễ kỷ niệm.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Vương Duy Biên đánh giá đánh giá Đào Tấn là một nhà hoạt động văn hóa toàn tài với một sự nghiệp trước tác phong phú, đồ sộ, ít người sánh kịp, không những trong lịch sử văn hóa nước ta mà còn trên thế giới. Được coi là hậu Tổ của nghệ thuật Tuồng, Đào Tấn đã sáng tác, chỉnh lý, cải biên, dàn dựng hàng trăm vở Tuồng; đưa nghệ thuật Tuồng lên những đỉnh cao chói lọi với những kiệt tác sân khấu như “Trầm hương các”, “Hộ sanh đàn”, “Diễn võ đình”...

Tại buổi lễ, Giáo sư Hoàng Chương – Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, nêu rõ: “Đào Tấn đã để lại cho dân tộc một di sản văn hóa đồ sộ, một khối lượng kịch bản Tuồng, vở diễn Tuồng và văn, thơ cũng như lý luận về sân khấu khó ai bì kịp. Vua Tự Đức đánh giá Đào Tấn có “bút pháp như thần”. Vua Thành Thái coi Đào Tấn là bậc thầy. Ngoài sáng tạo nghệ thuật, ông còn chăm lo đến đào tạo nghệ thuật, “Học Bộ Đình” là trường học do Đào Tấn mở ra ở thành phố Vinh (Nghệ An) – đây được coi là trường dạy nghệ thuật sân khấu đầu tiên ở nước ta từ thế kỷ 19”.

Còn NSND Lê Tiến Thọ, nguyên thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, danh nhân Đào Tấn còn là người đem những cải cách vào tuồng, như phá bỏ kết cấu chương hồi trong tuồng “Quân Quốc”, hay đưa các điệu lý dân gian vào các vở tuồng. Ông cũng là người đưa hiện thực xã hội vào phản ánh trong tuồng, cho nên các vở tuồng của ông mặc dù được viết theo tích cổ Trung Quốc, nhưng vẫn mang hơi thở đời sống xã hội đương thời.

NSND Lê Tiến Thọ cũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tổ chức các liên hoan tuồng Đào Tấn mang tính định kỳ, thực hiện các hội thảo về ông, đưa giải thưởng Đào Tấn thành giải thưởng tầm quốc gia…

Tại buổi lễ, các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng đã trình diễn một số trích đoạn trong các vở tuồng của nhà soạn tuồng Đào Tấn.

KHÁNH NGUYÊN. Ảnh: Tc Văn Hiến.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/34136702-ky-niem-110-nam-ngay-mat-danh-nhan-van-hoa-dao-tan.html