Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Đoàn Khuê (29-10-1923 - 29-10-2023):: Đại tướng và những đóng góp lớn đối với Quân đội và đất nước

Đại tướng Đoàn Khuê

Đại tướng Đoàn Khuê (1923-1999), bí danh Võ Tiến Trình, là đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông từng trải qua nhiều cương vị lãnh đạo quân đội khác nhau với cương vị cuối cùng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đã có rất nhiều gia đình có những đóng góp và hy sinh to lớn cho đất nước, trong đó có gia đình Đại tướng Đoàn Khuê. Đại tướng Đoàn Khuê là con cả trong một gia đình có 9 người con thì có tới 6 người là liệt sĩ. Thân mẫu ông được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

* Sớm tham gia cách mạng

Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1939, khi mới 16 tuổi, ông đã thoát ly gia đình tham gia hoạt động trong phong trào thanh niên phản đế và trở thành Bí thư Thanh niên phản đế phủ Triệu Phong. Năm 1940, ông bị thực dân Pháp bắt, suốt 5 năm (1940-1945), bị giam cầm, đày ải từ nhà lao Quảng Trị đến nhà đày Buôn Ma Thuột. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông cũng luôn tỏ rõ chí khí kiên cường, bất khuất trước những đòn tra tấn tàn bạo của kẻ thù.

Tháng 5-1945, sau khi thoát khỏi nhà tù, ông tiếp tục trở về hoạt động gây cơ sở ở Quảng Bình; sau đó, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 6-1945 (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và được cử làm Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh. Ông đã tích cực xây dựng lực lượng, tham gia chỉ đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền cách mạng ở Quảng Bình.

Đoàn Khuê là người đã tham gia rất sớm vào lĩnh vực quân sự bằng việc trở thành Ủy viên Quân sự của Ủy ban Quân chính Khu C (gồm lực lượng vũ trang các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam) ngay từ những ngày đầu khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ 2. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông đã trải qua nhiều cương vị lãnh đạo quân sự khác nhau như: Chính trị viên, Bí thư Hiệu ủy Trường Lục quân trung học Quảng Ngãi; Chính trị viên, Bí thư Trung đoàn ủy các trung đoàn 69, 73, 78 và 126; Chính ủy, Bí thư Trung đoàn ủy Trung đoàn 84 và Trung đoàn 108 - đơn vị chủ lực cơ động đầu tiên của Liên khu 5 trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

* Đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng

Sau năm 1954, ông tiếp tục lãnh các trọng trách khác nhau trong lực lượng vũ trang như: Phó chính ủy Đại đoàn 305, Chính ủy Lữ đoàn Pháo binh 675, Chính ủy Sư đoàn 351; Ủy viên Đảng ủy Quân khu và giữ chức Chính ủy, Bí thư Lữ đoàn ủy Lữ đoàn 341, đảm nhiệm phòng thủ tại giới tuyến quân sự tạm thời; Phó chính ủy Quân khu 4.

Đánh giá công lao của đồng chí Đoàn Khuê, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định: “Trải qua nhiều cương vị khác nhau, dù ở đâu, làm gì, đồng chí cũng luôn đem hết sức mình cống hiến cho Đảng và nhân dân, đặt lợi ích chung của cách mạng, của quân đội lên trên lợi ích cá nhân, luôn trau dồi kiến thức, sâu sát cơ sở, quan tâm tổng kết thực tiễn, giữ vững tính Đảng, tính nguyên tắc, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”.

Khu 5 là địa bàn khốc liệt trong cuộc kháng chiến thống nhất đất nước, nhất là sau khi chế độ Ngô Đình Diệm thực hiện Chiến lược “ấp chiến lược”. Trước tình hình ấy, ông đã được điều động vào chiến trường Khu 5 giữ chức Phó chính ủy Quân khu, trực tiếp chỉ đạo lực lượng vũ trang tiến hành các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị. Từ năm 1963-1975, ông đã gắn bó chặt chẽ với chiến trường khốc liệt Khu 5. Trên cương vị của mình, bằng nhãn quan của một vị chỉ huy chính trị, ông đã kiên định với đường lối lãnh đạo của Đảng và sáng tạo với tình hình thực tiễn xây dựng các lực lượng vũ trang Khu 5.

Sau khi đất nước thống nhất, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12-1976), ông được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng và được bổ nhiệm làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5; Bí thư Đảng ủy Quân khu 5. Năm 1983, ông được phân công giữ chức Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh 719, Phó trưởng đoàn chuyên gia giúp bạn Campuchia; đến cuối năm 1986, được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 719, Trưởng ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia giúp bạn Campuchia.

Ông giữ các cương vị quan trọng trong Quân đội vào thời điểm đất nước đổi mới như: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (1987-1991); Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (tháng 8-1991 đến năm 1997).

Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, từ kinh nghiệm hoạt động, chiến đấu và rèn luyện trong thực tiễn, đại tướng Đoàn Khuê đã có những đề xuất, tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương đúng đắn về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng…

Hồng Phúc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202310/ky-niem-100-nam-ngay-sinh-dai-tuong-doan-khue-29-10-1923-29-10-2023-dai-tuong-va-nhung-dong-gop-lon-doi-voi-quan-doi-va-dat-nuoc-b722eb9/