Kỹ năng sơ cứu ban đầu cho nạn nhân bị tôn cứa cổ

Qua hai trường hợp bị tôn cứa cổ dẫn đến tử vong, mọi người đều phải cảnh giác và biết cách sơ cứu nếu gặp phải trường hợp tương tự.

Ảnh minh họa.

Trường hợp tử vong đầu tiên vào chiều 23/9, Nguyễn Văn Nam (9 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cùng bạn đạp xe đi chơi. Đến phố Tân Mai, bé trai này va chạm với xích lô chở tôn đang dừng đỗ chờ bốc dỡ hàng, do ông Thạch điều khiển.

Phần cạnh tấm tôn trên chiếc xích lô thò đã cứa vào cổ bé Nam gây thương tích. Được những người có mặt nhanh chóng đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng do vết thương nặng, bé trai đã tử vong.

Trường hợp tử vong thứ hai vào khoảng 13h ngày 25/9 xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại khu vực cầu Mai Lĩnh (quận Hà Đông, Hà Nội) khiến bà Bùi Thị Xuân (sinh năm 1952, quê ở Yên Hòa-Yên Lạc-Yên Thường-Hòa Bình) tử vong do bị tấm tôn cứa vào cổ. Tấm tôn được chở trên xe ba gác tự chế đã văng trúng bà và một số người khác đang chờ bắt xe về quê ở ven đường.

Theo Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng cái chết của cháu bé vô cùng đáng tiếc bởi bé không được sơ cứu đúng cách tại hiện trường. Với vết thương mạch máu như trường hợp này, nạn nhân chết vì mất máu. Vì thế ở khâu sơ cứu tại hiện trường, chỉ cần tìm cách cầm máu sau đó đưa nạn nhân đến viện cấp cứu nhanh nhất. Những vết thương dạng này cũng không phải phẫu thuật phức tạp, chỉ cần mổ cấp cứu 10 phút là bác sĩ đã có thể nối được mạch máu cứu sống nạn nhân.

Theo tiến sĩ Hùng, kỹ năng sơ cứu vết thương mạch máu không quá phức tạp. Người thực hiện sơ cứu chỉ cần bình tĩnh lấy tay bịt vết thương bằng vải, quần áo, khăn hoặc bất cứ vật liệu nào có thể bịt, cầm máu, sau đó đưa người bị nạn đi cấp cứu.

Mất máu rất dễ dẫn đến tử vong nhưng nếu biết cách sơ cứu thì hoàn toàn có thể cứu được”, tiến sĩ Hùng nói.

Theo ông, phổ biến kiến thức sơ cứu thực sự rất cần thiết trong cộng đồng. Với ngành y tế, cấp cứu nạn nhân trước khi đưa đến bệnh viện là khâu cực kỳ quan trọng. Nếu làm tốt công đoạn này thì nhiều người sẽ được cứu với chi phí thấp nhất, thiết bị đơn giản nhất.

Xem thêm: Ý kiến của luật sư trong vụ bé trai 9 tuổi bị tôn cứa cổ

Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ

1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định; b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác; c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Hiệu Duyên (T/h)

Nguồn SKCĐ: http://suckhoe.com.vn/chua-benh/bi-tai-nan-ton-cua-co-cach-tot-nhat-de-so-cuu-la-nhu-the-nao-73324