Kỳ II: Vùng nông thôn 'khát' sân chơi

Ở vùng thị tứ, hoạt động hè khá đa dạng, thu hút đông đảo các em học sinh tham gia. Nhưng ở vùng nông thôn lại không được như vậy.

Lớp bóng đá hè U14 của Trung tâm VH-TT&TT huyện Châu Thành.

Thị tứ: Rục rịch thể thao hè

Những năm qua, hoạt động văn hóa, thể thao ở các Trung tâm VH-TT&TT huyện, thị vẫn luôn duy trì. Trong 3 tháng hè, các đơn vị này đều tăng cường một số hoạt động để phục vụ các em học sinh. Tại Trung tâm VH-TT&TT thị xã Hòa Thành, từ nhiều năm nay, võ đường Taekwondo mang tên Nguyễn Long hoạt động thường xuyên với số lượng học viên từ 70-80 người. Những ngày hè vừa qua, số lượng võ sinh lên đến hơn 100 em.

Đêm 7.6, khi chúng tôi đến võ đường, cả trăm võ sinh chia ra 3 tốp được các huấn huyện viên hướng dẫn tập luyện. Anh Nguyễn Tấn Lợi- chủ nhân võ đường cho biết, các em tập luyện tất cả các buổi tối trong tuần.

Ở các xã, phường của Thị xã đều có lớp võ Taekwondo do anh phụ trách. Các lớp này hoạt động ở Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng hoặc sân trường học ở các xã, phường. Sở dĩ gây dựng được phong trào mạnh như vậy là nhờ lãnh đạo Trung tâm VH-TT&TT thị xã Hòa Thành và các địa phương quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng để mở lớp dạy võ.

Anh Lợi cho biết đang mở thêm một lớp dạy Taekwondo trong khuôn viên sân vận động thị xã Hòa Thành. Hiện tại, các em đang tập luyện ngoài trời. Anh dự kiến xin đầu tư xây cất ở địa điểm mới này một phòng tập trải thảm với đầy đủ dụng cụ tập luyện để đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể cho thanh thiếu niên địa phương.

Ông Bùi Chánh Quốc- Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT thị xã Hòa Thành cho biết, để phục vụ nhu cầu tập luyện thể thao hè của các em học sinh, ngày 9.6, tại CLB bơi lặn Hòa Thành, Trung tâm phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo và Thị đoàn khai giảng lớp kỹ năng bơi lội phòng, chống đuối nước cho 79 học sinh cấp TH, THCS. Các học viên được chia thành 4 lớp, học 2 buổi sáng, chiều các ngày từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần.

Tình hình hoạt động thể thao hè ở Trung tâm VH-TT&TT huyện Châu Thành bước đầu khởi sắc. Trung tâm vừa được đầu tư xây dựng một sân vận động khá quy mô, tọa lạc trên địa bàn xã Trí Bình, gồm một sân bóng đá lớn, có khán đài A, có đường chạy điền kinh.

Bên cạnh sân bóng đá lớn còn có một sân bóng đá mini. Sau khi công trình đưa vào sử dụng, ngày 6.6 vừa qua, Trung tâm chiêu sinh lớp bóng đá hè cho các em học sinh. Kết quả đã khai giảng 2 lớp bóng đá U11 và U14, do huấn luyện viên (HLV) Vũ Danh Tuấn cùng 2 HLV khác hướng dẫn.

Anh Tuấn cho biết mục đích tổ chức sân chơi này nhằm phát triển phong trào bóng đá địa phương, tạo điều kiện để các em học sinh có sân chơi trong thời gian hè. “Lớp dạy bóng đá mới hoạt động được vài ngày, tôi và các anh em huấn luyện ở đây rất phấn khởi khi thấy lãnh đạo Trung tâm hết sức quan tâm, nhiều phụ huynh đưa con em đến học và các cháu rất hứng thú với quả bóng tròn trên sân cỏ”.

Nguyễn Tuấn Tú, 11 tuổi, ngụ thị trấn Châu Thành kể: nghỉ hè, em không có gì để vui chơi nên khi biết ở huyện có lớp dạy bóng đá liền xin cha mẹ cho theo học. Nguyễn Hồng Phúc, 12 tuổi, tâm sự: “Em đến với lớp dạy bóng đá này vì đam mê và muốn lớn lên cống hiến sức mình cho môn bóng đá của đất nước”.

Thú vui ngày hè của cậu bé Nguyễn Văn Nhân và 2 đứa em là rủ nhau bắt cào cào.

Nông thôn: Thiếu “sân chơi” cho trẻ

So với những Trung tâm VH-TT&TT của các huyện, thị, hoạt động hè ở một số xã nông thôn, vùng sâu, vùng xa có phần im ắng hơn. Ông Nguyễn Thanh Liêm- Phó Chủ tịch UBND xã Hảo Đước, huyện Châu Thành cho biết, ngày 1.6 vừa qua, xã đã tổ chức Ngày Quốc tế Thiếu nhi cho 106 em với các hoạt động vui chơi ca hát và tặng quà cho trẻ.

Xã đoàn đã gặp giáo viên Tổng phụ trách Đội của các trường trên địa bàn ký biên bản bàn giao học sinh về địa phương và sắp lịch sinh hoạt cho các cháu ở các điểm khu dân cư. Sắp tới, xã còn tiếp nhận hơn 50 đoàn viên học sinh về sinh hoạt hè trên địa bàn. Lực lượng đoàn viên này sẽ được phân công phụ trách tạo sân chơi cho các nhóm trẻ ở địa phương.

Dự kiến tháng 7 sắp tới, ở Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã tổ chức chương trình dạy kỹ năng sống, phòng chống đuối nước, sơ cấp cứu cho các em. Ông Liêm cho biết thêm, hiện nay, Hảo Đước đang trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới nên còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động thể thao. Xã có diện tích đất đủ rộng để xây dựng sân bóng đá lớn, nhưng chưa được đầu tư.

Các ấp chưa có nhà văn hóa để làm điểm sinh hoạt tập thể. Những năm qua, các em học sinh chỉ có thể đến trụ sở văn phòng Ban quản lý ấp sinh hoạt vào buổi chiều. Trước đây, tại trụ sở UBND xã có lớp võ Taekwodo, sau này số lượng võ sinh ngày càng ít nên lớp võ dời về nhà riêng của HLV và cuối cùng sáp nhập về Trung tâm VH-TT&TT huyện Châu Thành.

Tình hình sinh hoạt hè của trẻ em Việt kiều ở ấp Phước An, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu còn đáng thương hơn. Ngày 8.6, chúng tôi đến địa phương tìm hiểu về hoạt động hè cho trẻ ở đây, bắt gặp cậu bé Nguyễn Văn Nhân, 9 tuổi, đang bắt cào cào trong đám cỏ dại ven đường. Chị Hồ Thị Ngà- mẹ của Nhân tâm sự, trước đây gia đình sinh sống ở khu vực Biển Hồ (Campuchia).

Cuộc sống khó khăn, 7 năm nay, vợ chồng chị đem con về đây sang nhượng lại phần đất nhỏ cất nhà ở. Hằng ngày, chồng chị lưới cá dưới hồ Dầu Tiếng hoặc đi phụ hồ kiếm sống. Chị bị bệnh, mất sức lao động nên ở nhà trông nom con cái. Hỏi về việc sinh hoạt hè của con, chị Ngà trải lòng: “Tôi cũng muốn cho con đi sinh hoạt hè nhưng không biết chạy xe đưa con đến nơi và không có tiền cho con học”.

Trong buổi sáng cùng ngày, tôi bắt gặp 2 cậu bé nước da đen nhẻm, độ tuổi đến trường đang tập chạy xe đạp trên bờ đê hồ Dầu Tiếng. Hỏi han, hai em này cho biết một đứa tên Lên, 12 tuổi và đứa còn lại tên Đạt, 9 tuổi. Cả hai em không biết mình họ gì và cũng chưa đi học. “Ráng tập cho biết chạy xe đạp để năm tới đến trường”- Lên nói với vẻ quyết tâm.

Được biết, ở ấp Phước An có hơn 200 hộ với trên 450 nhân khẩu là người dân gốc Việt ở Campuchia về đây sinh sống. Trong đó, hơn 40 trẻ em độ tuổi đến trường, nhưng chỉ có khoảng 30 em đi học, số còn lại không chịu đến lớp.

Ông Nguyễn Thanh Phong- Phó Chủ tịch UBND xã Phước Ninh cung cấp thông tin: “Hầu hết trẻ em của các hộ di dân này không có giấy tờ tùy thân nên không quản lý hết được. Trên địa bàn ấp có điểm Trường TH Phước Ninh, em nào có nhu cầu học văn hóa, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho vào học dự thính để xóa mù chữ. Một số em theo cha mẹ làm nghề đánh bắt cá, số khác kiếm sống bằng nghề bán vé số dạo”.

Liên quan đến việc ở cơ sở chậm triển khai tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu thi, chị Trịnh Thị Như Trang- Phó Bí thư Tỉnh đoàn giải thích, do các bạn đoàn viên thanh niên ở cơ sở đang tập trung cho chiến dịch Tiếp sức mùa thi, hỗ trợ các em học sinh thi vào lớp 10.

Sau đó, các bạn sẽ ra quân các chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, Hoa phượng đỏ, tập trung chăm lo sân chơi cho trẻ em trên địa bàn dân cư. “Ít nhất mỗi địa phương sẽ có 2 sân chơi miễn phí cho các em học sinh trong dịp hè”- Phó Bí thư Tỉnh đoàn khẳng định.

Đại Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ky-ii-vung-nong-thon-khat-san-choi-a146244.html