Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV: Luật phải đáp ứng nhu cầu hội nhập

Sáng 27.10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Uông Chu Lưu, QH làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra 3 dự án Luật: Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) và Luật Quản lý Ngoại thương.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý Ngoại thương, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng Luật Thương mại 2005 và các văn bản pháp luật có liên quan chưa thể hiện rõ yêu cầu hội nhập, công tác quản lý nhà nước về ngoại thương chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án Luật.

Còn có sự trùng lắp, chồng chéo của hệ thống pháp luật ngoại thương. Việc có quá nhiều văn bản cùng quy định hoạt động ngoại thương dẫn đến sự thiếu minh bạch, rủi ro cho tổ chức, cá nhân trong áp dụng chính sách quản lý hàng hóa; cơ chế quản lý ngoại thương hiện hành đang tạo ra những rào cản về thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, việc xây dựng một đạo luật về quản lý ngoại thương có tính định hướng rõ ràng, phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước, ổn định, minh bạch, thống nhất, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế là cần thiết.

Theo báo cáo thẩm tra dự án Luật trên do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày, Ủy ban Kinh tế tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý ngoại thương nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ điều chỉnh hoạt động ngoại thương; tăng cường công cụ quản lý nhà nước về ngoại thương, đảm bảo minh bạch, hiệu quả, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, góp phần hoàn thiện chính sách phát triển ngoại thương, tạo lập chính sách phòng vệ thương mại linh hoạt và phù hợp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý hoạt động ngoại thương, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Sau khi nghe báo cáo tờ trình, các ĐBQH cơ bản đồng tình với việc cần thiết ban hành Luật Quản lý ngoại thương nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ điều chỉnh hoạt động ngoại thương.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) trong khuôn khổ pháp luật, đặc biệt là khuôn khổ pháp luật về kinh doanh là nhằm đảm bảo tính minh bạch, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để từ đó có thể khuyến khích những nỗ lực của các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Luật Ngoại thương được ban hành trong thời gian tới cùng với các luật khác về kinh doanh sẽ tạo nên môi trường pháp lý như vậy. Ông Lộc cho rằng, đây là điều hết sức cần thiết để tạo nên một khuôn khổ pháp lý hoàn thiện cho hoạt động ngoại thương.

Chúng ta đều biết rằng, thời gian tới, ranh giới giữa các nền kinh tế sẽ bị xóa nhòa dưới tác động của hội nhập, và đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Cho nên khung khổ pháp lý về ngoại thương sẽ phải thay đổi để thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hoạt động XNK của các doanh nghiệp trên cơ sở công bằng, minh bạch...

Cho rằng hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian qua còn nhiều chồng chéo, việc Luật Quản lý ngoại thương ra đời sẽ hạn chế được những tồn tại trong thời gian vừa qua trong lĩnh vực ngoại thương, song ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) còn băn khoăn về danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu được quy định tại Điều 10 của dự thảo Luật.

Bà Hải đề nghị, phải quy định cụ thể danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu tại dự thảo Luật để bảo đảm cơ sở pháp lý cao và minh bạch. Có như vậy, mới phù hợp với quyền tự do kinh doanh đã được quy định trong Hiến pháp.

Cùng đó đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cũng cho rằng, việc ban hành Luật Quản lý ngoại thương sẽ góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, duy trì môi trường kinh doanh thuận lợi góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, phát triển hoạt động xuất nhập khẩu. Về việc cấm xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

“Nên giao Chính phủ thống nhất quy định chi tiết danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu nhằm bảo đảm tính linh hoạt, chủ động trong quản lý, điều hành phù hợp với từng thời kỳ, đồng thời bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân đã được hiến định”, ông Thạch Phước Bình nhấn mạnh.

Còn đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) năm 2005 đã có Luật Thương mại 2005, nhưng khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO kể từ đầu năm 2007 thì chúng ta thiếu đi một bộ luật để định hướng cho hoạt động XNK trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu.

Do vậy, Luật quản lý ngoại thương lần này làm sao đạt được mục tiêu là đưa luật Việt Nam hội nhập quốc tế, chúng ta tuân thủ các điều ước điều khoản đã ký kết với tổ chức Quốc tế.

Đồng thời làm sao đẩy nhanh được hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chiếm trong GDP lên tới khoảng 70 đến 80% GDP và kim ngạch XNK cũng chiếm trên 160 - 170% GDP… với những luật đó khi hoàn thiện nó sẽ đẩy nhanh quá trình hội nhập cũng như giúp cho các DN xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận được thị trường quốc tế dễ dàng hơn.

Trong dự thảo luật lần này có 115 điều luật trong đó dành cho một số điều luật để thực hiện việc phòng vệ thương mại cũng như vấn đề trong giấy phép hoặc vấn đề tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập hoặc cấm XK, NK trong tình huống cần thiết. Tôi nghĩ đây là dự thảo rất cần trong điều kiện hội nhập hiện nay.

Đặng Tiến

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-hop-thu-hai-quoc-hoi-khoa-xiv-luat-phai-dap-ung-nhu-cau-hoi-nhap-44449.html