Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV: Quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước

Chiều 18/5, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9, đây là kỳ họp giữa năm 2020; bên cạnh việc tập trung cho công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian cho công tác giám sát tối cao, xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến việc Quốc hội miễn nhiệm Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo.

Về việc này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ tiến hành miễn nhiệm Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải. Hai nhân sự trên đã được phân công nhiệm vụ mới. Cụ thể, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã được Bộ Chính trị phân công giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội. Do đó, theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (hiện là Trưởng Ban Dân nguyện) do được phân công nhận nhiệm vụ mới. Nhân sự thay thế vị trí của đồng chí Nguyễn Thanh Hải sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội ngay sau đó.

Cuối câu hỏi Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh: Người bị kỷ luật thì Quốc hội “bãi nhiệm”, còn chuyển sang công tác khác thì Quốc hội "miễn nhiệm”.

Theo Chương trình, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào sáng ngày 20/5 và bế mạc vào ngày 18/6. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 19 ngày (không kể ngày nghỉ); Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt:

Đợt 1: Họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20/5 đến ngày 29/5/2020).

Đợt 2: Họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 08/6 đến ngày 18/6/2020). Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 18/6/2020.

Trong đó, Quốc hội dành khoảng 10 ngày cho công tác xây dựng pháp luật (chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng thời gian của kỳ họp). Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ không tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên toàn thể; quyền chất vấn của các đại biểu Quốc hội vẫn được thực hiện bằng cách gửi văn bản, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ trả lời theo quy định.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xiv-quyet-dinh-nhieu-van-de-quan-trong-cua-dat-nuoc-post79665.html