Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV: Cụ thể hóa quyền lập hội của công dân

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội dành cả ngày 25-10 để thảo luận về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Luật về hội. Những vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật, đối tượng áp dụng và không áp dụng Luật, các trường hợp hạn chế quyền lập hội, thủ tục thành lập hội, quyền và nghĩa vụ của hội... đã được đại biểu mổ xẻ kỹ càng trong phiên thảo luận.

Buổi chiều, đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến về thẩm quyền công nhận điều lệ hội và người đứng đầu hội, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội, đặc biệt là việc nên hay không nên thông qua dự án Luật tại kỳ họp này. Rất nhiều băn khoăn đã được các đại biểu đưa ra khi nói về dự án Luật quan trọng này.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) thể hiện sự băn khoăn: “Luật để giữ sự an toàn hay để thúc đẩy phát triển, việc giữ cho an toàn đất nước, đã có cả hệ thống luật pháp”. Đại biểu cho rằng những trao đổi, thảo luận tại phiên làm việc, sự khác biệt trong quan điểm chính là sự giằng xé, cân nhắc, làm thế nào vừa an toàn, vừa bảo đảm quyền của người dân. Đặt quan điểm xây dựng Luật thế nào, chế tài ngăn chặn hiệu ứng tiêu cực ra sao nhưng điều quan trọng nhất là phải quan tâm đến quyền lập hội của con người. Luật bị sa lầy nhiều vào yếu tố thủ tục.

Đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu ý kiến.

Còn đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) nhận định hiện có tâm lý e rằng luật ra đời nếu không khéo tổ chức quản lý hoạt động sẽ sinh ra kiểu xã hội dân sự nước ngoài, ở đó nhân tố tích cực cũng có, nhưng tác nhân gây rối loạn xã hội không ít. Dự thảo Luật sao chép nguyên xi mô hình nước ngoài, mà không chú ý nhiều đến đặc điểm đặc thù của Việt Nam, nên tránh cả hai khuynh hướng này khi xây dựng và ban hành Luật về hội.

Trước đó, tại phiên thảo luận buổi sáng, nhiều đại biểu cho rằng luật ra đời tạo môi trường cho việc thực hiện quyền con người, quyền công dân, quyền của tổ chức, do đó cần phải tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng. Có ý kiến cho rằng phạm vi điều chỉnh của Luật này chỉ quy định về quyền lập hội của công dân Việt Nam theo quy định tại Điều 25 của Hiến pháp (năm 2013), việc quy định cả với tổ chức phi chính phủ và các loại quỹ là quá ôm đồm. Thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định Luật ban hành nhằm cụ thể hóa quyền lập hội của công dân Việt Nam đã được Hiến pháp quy định. Do đó, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đề nghị Quốc hội giữ như dự thảo Luật: “Luật này quy định về quyền lập hội của công dân Việt Nam; tổ chức, hoạt động của hội và quản lý nhà nước về hội” (Điều 1).

Các đại biểu tán thành với quy định: Luật không áp dụng với 6 tổ chức chính trị - xã hội gồm MTTQ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bởi đây là những tổ chức chính trị - xã hội ra đời cùng với giai đoạn cách mạng của Đảng, không đưa vào luật này vì đã có pháp luật khác quy định. Quy định như vậy là phù hợp với Hiến pháp, với lịch sử phát triển và thể chế chính trị của nước ta. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) băn khoăn: Với những tổ chức khác như liên minh hợp tác xã, liên hiệp hội khoa học nằm ở đâu, hệ thống chính sách như thế nào? Đại biểu đề xuất phạm vi điều chỉnh phải rộng hơn, với cả các cá nhân, tổ chức, các liên minh để thực hiện tốt quyền con người, quyền công dân.

Đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể các chính sách cho phù hợp với 28 tổ chức Hội có tính chất đặc thù, trong đó có 10 tổ chức hội có Đảng đoàn và các tổ chức Hội khác. Cần rà soát các tổ chức Hội một cách cụ thể để tránh tình trạng hoạt động hình thức, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, tăng biên chế và tăng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời, cần quy định rõ trong dự thảo Luật về vai trò quản lý các cấp đối với các tổ chức hội.

Quy định khiến nhiều đại biểu băn khoăn nhất, đó là việc hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, tại Điều 8 dự thảo Luật. Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đặt vấn đề: Rất nhiều tổ chức hội nhận tài trợ nước ngoài để nâng cao trình độ hội viên và làm nhiều việc khác, trong đó cũng có những hội lợi dụng vấn đề này. Lý giải của đại biểu Sơn cho thấy việc liên kết này để mở rộng hội nhập quốc tế, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với thế giới từ trong sinh hoạt hội. Đại biểu đánh giá, nhiều điều trong Luật hội nặng về quản lý nhà nước. Trong luật phải có yêu cầu để những hội cùng tính chất nhập lại thành một đầu mối, giảm tổ chức, nâng cao vị thế hơn.

T.Thủy – TTXVN

GIẢM GÁNH NẶNG NGÂN SÁCH NUÔI TỔ CHỨC HỘI

14.000 tỷ đồng - đây là con số ước tính ngân sách phải bỏ ra “nuôi” các tổ chức hội, đoàn thể mỗi năm. Con số nghiên cứu về ngân sách nhà nước dành cho các hội, đoàn thể được Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố cách đây ít lâu khiến nhiều người không khỏi giật mình trước gánh nặng ngân sách đang oằn mình chống đỡ. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng số ngân sách dành cho các tổ chức hội này gần gấp đôi ngân sách cho các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Y tế. Nếu tính đủ cả chi phí kinh tế, xã hội, chi phí toàn hệ thống của tổ chức hội vào khoảng 45.600 – 68.100 tỷ đồng, tương đương với 1 – 1,7% GDP. Trong dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2016 cho riêng 6 tổ chức hội (MTTQ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã là 1.503,74 tỷ đồng. Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) cho rằng việc trả lương cho các tổ chức hội sẽ gây ra bội chi ngân sách lớn. “Mặc dù tôi cũng thuộc một tổ chức hội, cũng được cấp ngân sách nhưng tôi rất đồng tình quan điểm không nên cấp ngân sách cho các hội, ngoài các hội thuộc tổ chức đoàn thể chính trị đang có” - ông Chung nói.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_156652_ky-ho-p-thu-2-quo-c-ho-i-kho-a-xiv-cu-the-ho-a-quy.aspx