Ký giả Pháp ca ngợi sức hấp dẫn vô hạn của Cố đô Huế

Trong bài viết mới được đăng tải trên trang Vacance (ấn phẩm của tờ Voyageurs du Monde, Pháp) ký giả Emmanuel Boutan đã không tiếc những mỹ từ để mô tả mảnh đất cố đô của Việt Nam.

Bài viết "Huê, toujours vivante" được đăng tải trên trang tin nổi tiếng của Pháp

Bài viết "Huê, toujours vivante" (Huế, mãi trường tồn) mô tả Huế, kinh đô của triều Nguyễn, dẫu trải qua bao thăng trầm nhưng vẫn lưu giữ được những nét kiến trúc cổ kính, những kiệt tác nghệ thuật tiêu biểu cho trí tuệ và tâm hồn của người Việt Nam, đồng thời mang những giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa của vùng đất Cố đô. Nhờ những tinh hoa từ thế hệ đi trước, truyền thống giàu bản sắc, ẩm thực cung đình đặc trưng, nơi đây đã trở thành một trong những địa điểm du lịch được yêu thích hàng đầu Việt Nam, thu hút lượng lớn du khách Việt Nam cũng như nước ngoài.

Mở đầu bài viết, Emmanuel Boutan mô tả Kinh thành Huế được xây dựng trên một khúc quanh của dòng sông Hương thơ mộng, hiền hòa. Đây cũng là nơi các con suối, kênh rạch tỏa ra và đổ thẳng ra ngoại ô, được bao bọc bởi các pháo đài và thành quách.

Tác giả Pháp vô cùng ấn tượng trước kiến trúc của các di tích. Ảnh: Vacance

Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, với kiến trúc gồm 3 tòa thành được xây dựng theo trục dọc: Kinh Thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành. Ngày nay, du khách có thể vào khu phức hợp này từ Cổng Nam (hay Ngọ Môn), mà theo tác giả người Pháp là đầy độc đáo và ấn tượng. Cổng Ngọ Môn có hình móng ngựa và cấu trúc thượng tầng bằng gỗ với mái ngói tráng men. Xa xa là lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên Cột cờ.

Nhiều công trình cho tới giờ vẫn được bảo tồn vô cùng tốt. Ảnh: Vacance

Bước tới điện Thái Hòa, trên nóc là hình tượng 2 con rồng đang hướng về mặt trăng. Đi ngang qua sân sau Điện Thái Hòa, du khách sẽ nhìn thấy những công trình đầu tiên của Tử Cấm Thành, nơi ở của các vị vua và các thành viên hoàng gia. Trong đó có Thư viện Hoàng gia - Lầu Đường Thọ, gần như vẫn được bảo tồn nguyên trạng cho tới ngày nay. Đây từng là nơi lưu giữ những sổ sách, tài liệu, giấy tờ quan trọng của triều đình.

Lăng tẩm và chùa chiền

Trải nghiệm các di tích cổ của triều Nguyễn, Emmanuel Boutan cho rằng lăng tẩm, cung điện và đền thờ là một nét độc đáo khác của các di tích kiến trúc lịch sử ở Huế. Trong số này có 3 nơi thực sự đặc biệt.

Cách kinh thành Huế khoảng 8km là lăng Tự Đức. Từ cổng vào có một lối đi dẫn đến hồ Lưu Khiêm. Ở ven hồ là đình Xung Khiêm và Dũ Khiêm, nơi hoàng đế thường ngồi sáng tác hay ngâm thơ. Một bài thơ được khắc lên bia lớn đặt ngay phía sau Bi Đình, do chính vua Tự Đức sáng tác. Hướng về phía Bắc, trên núi Dương Xuân là chùa Từ Hiếu.

Lăng tẩm và chùa chiền là những điểm đến du khách không nên bỏ qua khi tới Cố đô Huế. Ảnh: Vacance

Đi lên khoảng 10km từ lăng Tự Đức là lăng Khải Định. Đến đây, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên trước lối kiến trúc độc đáo pha trộn giữa phong cách Việt Nam và Beaux-Arts (Phong cách kiến trúc Tân cổ điển và Phục hưng Hy Lạp). Các phòng ốc đều được trang trí lộng lẫy với kỹ thuật điêu luyện.

Di chuyển bằng thuyền khoảng 20km nữa là đến Lăng Gia Long, nằm trọn trên một ngọn đồi và bốn bề được bao quan bởi sông nước. Nơi đây là một quần thể gồm nhiều khu mộ hoàng tộc của vua chúa.

Cách tốt nhất để ghé thăm những lăng tẩm này là ngồi trên những chiếc thuyền rồng, vừa du ngoạn sông Hương vừa có dịp ghé thăm chùa Thiên Mụ hay chùa Từ Đàm, đều những địa điểm nổi tiếng tại Huế.

Ẩm thực truyền thống ấn tượng

Thể hiện sự ngưỡng mộ của mình đối với ẩm thực cung đình Huế, Emmanuel Boutan cho biết: “Huế nổi tiếng với nền ẩm thực cung đình, nơi nhà vua không hài lòng với món ăn cẩu thả và trùng lặp. Vì vậy đầu bếp trong Hoàng cung phải chuẩn bị các bữa ăn thật gọn gàng, tươi ngon và đa dạng. Còn việc bài trí món ăn đã đạt tới tầm nghệ thuật. Một số món rau củ không khác gì những tác phẩm điêu khắc ngoạn mục”.

Một người phụ nữ trong chợ Đông Ba. Ảnh: Bernd Jonkmanns/Laif-Rea

Bên cạnh ẩm thực cung đình, tác giả bài viết cũng bày tỏ niềm yêu thích với các món ăn dân dã tại Huế như nem lụi, bánh bèo hay bánh bột lọc. Các món ăn đường phố tại Huế cũng nhận được nhiều sự quan tâm, bên cạnh việc phục dựng ẩm thực cung đình. Nhờ đó, bất cứ nơi nào ở Huế du khách đều có thể dễ dàng thưởng thức các món ăn địa phương, từ nhà hàng cao cấp đến hàng quán ven đường.

Nếu du khách muốn khám phá thêm về ẩm thực và nguyên liệu nấu ăn ở Huế, Emmanuel Boutan gợi ý chợ Đông Ba là điểm đến lý tưởng nhất: “Số lượng hàng hóa sẽ khiến du khách phương Tây choáng ngợp, họ cần tự mình khám phá sự đa dạng và khó đoán của các món ăn trong khu chợ này. Chỉ riêng các sạp hàng bán cá đã là ‘một khu chợ trong khu chợ’, nhộn nhịp từ lúc 3h sáng”.

Đỗ An (Theo Vacance)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ky-gia-phap-ca-ngoi-suc-hap-dan-vo-tan-cua-co-do-hue-2032884.html