Kỳ cuối: Thí điểm mô hình di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo

Nhà máy xe lửa Gia lâm có thể vừa sản xuất vừa trở thành một công viên sự kiện gắn với ngành đường sắt. Nhà máy Bia Hà Nội kết hợp mô hình địa chỉ văn hóa ẩm thực nghệ thuật và sáng tạo. Nhà máy thuốc lá Thăng Long kỳ vọng trở thành một Zone 9 mới được thực hiện bài bản hơn cho Hà Nội,… là những đề xuất của các kiến trúc sư nhằm phát huy giá trị di sản công nghiệp, phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Khơi nguồn sáng tạo giá trị di sản công nghiệp Hà Nội:

Nhà máy Xe lửa Gia Lâm dự kiến được quy hoạch là đất công cộng. Ảnh: Khánh Huy

Tạo sức sống mới cho biểu tượng của Thủ đô một thời

Các công trình di sản công nghiệp Hà Nội từng là biểu tượng Thủ đô một thời như Nhà máy bia Hà Nội, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Nhà máy thuốc lá Thăng Long đã tạo bức tranh công nghiệp sôi động trong thời kỳ đổi mới.

Theo quy hoạch của TP Hà Nội, Quyết định số 3952/QĐ-UBND về việc ban hành Danh mục nhà, đất phải di dời, có 9 nhà máy, cơ sở cũ phải di dời trong 5 năm tới. Cụ thể, Công ty (Cty) In báo Nhân dân Hà Nội, Cty TNHH MTV In báo Hà Nội Mới (quận Hoàn Kiếm); Nhà máy Bia Hà Nội (quận Ba Đình); Cty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long, Cty TNHH MTV In và TM Thông tấn xã Việt Nam (quận Thanh Xuân); Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Tổng kho xăng dầu Đức Giang (quận Long Biên); Cty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp (quận Đống Đa); Viện Hóa học công nghệ Việt Nam (quận Bắc Từ Liêm).

Trong đó, Nhà máy thuốc lá Thăng Long, địa chỉ số 235 Nguyễn Trãi là đơn vị tiên phong của ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam phải di dời khỏi nội đô. Khu vực này đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt sẽ là đất công cộng và phần hỗn hợp dịch vụ thương mại, nhà ở, nhà trẻ, trường tiểu học, cây xanh. Nhà máy xe lửa Gia Lâm dự kiến được quy hoạch là đất công cộng. Theo kế hoạch phân khu đô thị H1-2 do UBND TP Hà Nội phê duyệt tháng 3/2021, khu đất của Nhà máy bia Hà Nội sẽ trở thành đất hỗn hợp, công cộng, trường THPT, cây xanh, nhà ở, bãi đỗ xe.

Đánh giá tiềm năng di sản công nghiệp Thủ đô, TS.KTS Đinh Thị Hải Yến cho hay, nhiều nhà máy hiện còn giá trị di sản về kiến trúc và lịch sử, cần được nghiên cứu để có biện pháp bảo tồn toàn phần, từng phần hoặc theo các hình thức bảo tồn sáng tạo. Trên cơ sở đánh giá tiềm năng tái sử dụng, TP Hà Nội cần xây dựng các chế tài cụ thể quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, người dân, các nhà đầu tư trong việc đánh giá, quản lý, sử dụng, chuyển đổi các công trình công nghiệp có giá trị về mặt di sản. Từng bước thống kê, phân loại và công bố giá trị di sản của công trình công nghiệp, trước hết là công nhận các công trình công nghiệp có giá trị cấp TP. Sau đó, từng bước pháp lý hóa khái niệm Di sản công nghiệp để đưa vào các văn bản pháp luật, cụ thể là Luật Di sản.

Nỗ lực hoàn thiện quy định pháp lý

Theo nghiên cứu của TS.KTS Đinh Thị Hải Yến, năm 1978, Ủy ban quốc tế Nghiên cứu và bảo tồn di sản công nghiệp (viết tắt là TICCIH) chính thức ra đời tại Anh. TICCIH cũng chính thức đưa ra khái niệm DSCN, thông qua Hiến chương Nizhny Tagi. Di sản công nghiệp là những phần còn lại của văn hóa công nghiệp có giá trị lịch sử, công nghệ, xã hội, kiến trúc hoặc khoa học,… bao gồm các tòa nhà, công xưởng, máy móc, các mỏ, nơi chế biến, kho và cử hạng, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và cả những địa điểm phục vụ sinh hoạt của lực lượng xã hội (công nhân) tham gia vào quá trình sản xuất công nghiệp.

Về Luật Di sản văn hóa, trên thế giới đã có nhiều di sản công nghiệp được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Nhưng với Việt Nam, Luật Di sản văn hóa hiện vẫn còn thiếu đề cập một cách đầy đủ và cụ thể về lĩnh vực di sản công nghiệp. Khoản 3, Điều 4 Luật Di sản văn hóa sửa đổi năm 2013 chỉ quy định chung chung: “Di tích lịch sử - văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học”. Đến nay, chưa một nhà máy, xí nghiệp cũ nào tại Việt Nam được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa.

Luật Kiến trúc được Quốc hội phê chuẩn năm 2019 tại khoản 5, Điều 3 đề cập khái niệm “Công trình kiến trúc có giá trị” với nội hàm là “công trình kiến trúc tiêu biểu, có giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt”, theo đó UBND cấp tỉnh cần tổ chức rà soát, đánh giá, lập và bổ sung vào danh mục các công trình kiến trúc có giá trị để tổ chức quản lý (khoản 2, 3 Điều 13), nhằm bảo vệ, giữ gìn, tu bổ và khai thác một cách hợp lý. Thực tế thì nhiều nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, bến tàu, khu nhà ở của công nhân,... vẫn chưa được xem là công trình kiến trúc tiêu biểu, có giá trị. “Khoảng trống” căn cứ pháp lý về di sản công nghiệp là lý do các di sản công nghiệp vẫn chưa phát huy hết giá trị.

Trong thời điểm, Hà Nội đang tiến hành Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, theo Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 25/5/2021 và Quyết định số 4199/QĐ-UBND ngày 17/9/2021 của UBND TP.

Trong đó, các ô đất, khu đất của các cơ sở sản xuất vẫn còn đang hoạt động hoặc đã ngừng hoạt động do thuộc đối tượng phải di dời ra ngoài khu vực nội đô. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội song rất cần đảm bảo hài hòa yêu cầu bảo tồn với phát triển, nhất thiết phải đưa bảo tồn di sản công nghiệp vào Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô này.

Đồng thời, các địa điểm (công trình công nghiệp có giá trị về mặt di sản) cần được chuyển đổi sang chức năng sử dụng đất “phi nhà ở”, thực hiện nghiêm chủ trương ưu tiên phục vụ công cộng, không gian văn hóa, sáng tạo làm cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển.

TS.KTS Đinh Thị Hải Yến kiến nghị, TP Hà Nội cần chỉ đạo các Sở, ban ngành phối hợp với các bên liên quan lựa chọn một số nhà máy để thực hiện các dự án thí điểm các mô hình chuyển đổi toàn phần hoặc một phần sang các không gian văn hóa - xã hội - sáng tạo. Đảm bảo các công trình công nghiệp có giá trị di sản được bảo tồn và khai thác hợp lý, cần quy chế quản lý, phát triển các chính sách và chiến lược cho các công trình công nghiệp có giá trị.

Hà Nội đang có thời cơ mới để phát triển khi được công nhận là “Thành phố vì hòa bình”, tham gia vào mạng lưới “Thành phố sáng tạo”. Theo Nghị quyết số 16-CT/TW của Bộ Chính trị, Hà Nội phấn đấu trở thành TP kết nối toàn cầu. Những kết nối từ các không gian sáng tạo cộng đồng mang tính quốc tế sẽ là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô trong việc TP định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên lĩnh vực sáng tạo văn hóa theo hướng đổi mới, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-cuoi-thi-diem-mo-hinh-di-san-cong-nghiep-thanh-khong-gian-sang-tao-365832.html