Kỳ công như thú chơi sidecar

Những chiếc sidecar vốn được sản xuất làm phương tiện vũ trang, nhưng được nhiều người sưu tầm, gìn giữ suốt 30 năm qua như một thú chơi hoài cổ.

Dòng xe hiếm tại Việt Nam

Giai đoạn Thế chiến II lan ra toàn thế giới, hai quốc gia chủ lực trong cuộc chiến là Đức và Liên Xô cùng huy động tổng lực cho trang bị khí tài quân sự, trong đó xe ba bánh có lắp giá súng đầu tiên là chiếc BMW R71 của phe phát xít ra đời năm 1938 ở TP Munich. Từ đây, một kiểu loại mô tô mới, gọi là sidecar (xít-đờ-ca) ra đời.

Anh Nguyễn Thu Bính và vợ Vương Thị Hường (trú tại Đình Dù, Văn Lâm, Hưng Yên) trong hành trình phượt bằng sidecar Ural M67 từ Hà Nội lên Hà Giang.

Điều trớ trêu là chính hãng BMW cấp phép cho hãng Dnepr của Liên Xô sản xuất mẫu sidecar tương tự. Việc sản xuất bắt đầu vào năm 1941 tại nhà máy Ural ở vùng núi Liên Xô. Sau chiến tranh, hãng Ural tiếp tục sản xuất sidecar và xuất khẩu chúng từ năm 1953 cho đến nay.

Ông Đinh Văn Mão (SN 1951, một cán bộ công an phường thuộc quận Lê Chân, Hải Phòng, đã nghỉ hưu) kể, thập niên 70, những chiếc xe sidecar chủ yếu trang bị cho lực lượng công an làm nhiệm vụ tuần tra giữ trật tự ở các đô thị như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, TP Vinh (Nghệ An).

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh (trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội), một người sưu tầm sidecar nhiều năm: "Những chiếc sidecar M63 hiện còn lăn bánh cũng rất khó định giá. Một chiếc xe không giấy tờ, chỉ để trưng bày hay thi thoảng chạy trong trang trại cũng có giá 70-100 triệu đồng nếu còn đẹp, những xe đời cao hơn sản xuất trong khoảng 2004-2007 hiện có giá từ 250-300 triệu đồng, còn những chiếc sidecar M63 - M67 nguyên bản đủ giấy tờ thì vô giá, số lượng xe còn tồn tại có lẽ đếm trên đầu ngón tay".

Những năm 1980, từng có hàng vạn chiếc xe sidecar được nhập khẩu về Việt Nam qua cảng Hải Phòng, dưới dạng hàng viện trợ của Liên Xô. Dòng xe này cũng được trang bị cho lực lượng kiểm soát quân sự trên khắp cả nước dùng làm phương tiện tuần tra.

Thời đó, mỗi đồn công an phường được trang bị một xe Ural M63. Chiếc xe lắp khối động cơ 2 xi-lanh nằm ngang kiểu boxer 650cc làm mát bằng gió, công suất tối đa 21 mã lực. Xe có trọng tải tối đa 255kg và đạt tốc độ tối đa 100km/h.

Trong khoảng 40 năm từ 1963-2003, những chiếc sidecar gắn liền với hình ảnh các chiến sỹ công an tuần tra đường phố. Đặc biệt, trong các hội thao của ngành Công an những năm 80-90 luôn có tiết mục biểu diễn sidecar đi hai bánh, người ngồi bên thùng tháo rời bánh thứ ba và lắp lại trong khi chiếc xe vẫn đi hai bánh.

Những hình ảnh đó in đậm vào tâm trí nhiều người suốt hàng chục năm, nuôi dưỡng đam mê cho những người sưu tầm xe sidecar cho đến nay.

Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, số người chơi và sử dụng xe Ural M63 không nhiều, bởi tìm mua được một chiếc M63 không phải là chuyện dễ dàng. Hiện, số xe đang hoạt động tại Việt Nam cũng rất khiêm tốn, chỉ từ 10-15 xe.

Các xe tại Việt Nam chủ yếu được mua thanh lý từ lực lượng vũ trang, tuy nhiên không phải tất cả các xe đó đều đủ điều kiện vận hành trên đường. Để phục chế một chiếc xe, nhiều khi phải tốn vài năm. Để có những món đồ ưng ý, người chơi phải chờ nhiều tháng để đặt từ nước ngoài, nhưng có những bộ phận không còn sản xuất.

Theo giới sưu tầm sidecar, giá trị nhất hiện nay là những chiếc xe nguyên bản, có giấy tờ đăng ký hợp lệ. Cụ thể là máy móc nguyên bản, toàn bộ linh kiện đều chính hãng sản xuất tại Nga và đeo biển trắng dân sự.

Quan trọng nhất là việc có giấy tờ mua thanh lý hợp pháp khiến chúng trở thành dòng xe hiếm tại Việt Nam. Bởi theo quy định, từ năm 2008 những chiếc xe sidecar không còn được cấp đăng ký mới để lưu hành.

Vì vậy xe sidecar đời cũ có giấy tờ, càng nguyên bản càng có giá trị. Giá bán của mỗi chiếc xe có khi chỉ từ 70-80 triệu nhưng cũng có khi lên tới vài trăm triệu đồng.

Kỹ năng đặc biệt khi điều khiển sidecar

Ông Nguyễn Mạnh Hoàng (60 tuổi, trú tại khu đô thị Thiên đường Bảo Sơn, Hà Nội), Chủ nhiệm CLB Mô tô ba bánh Thanh Xuân cho biết, nhiều người nhầm tưởng ai cũng có thể lái được sidecar vì không phải chống chân. Tuy nhiên, thực tế lái xe này không hề đơn giản.

Một trong những chiếc sidecar nguyên bản có đầy đủ giấy tờ, được ông Nguyễn Mạnh Hoàng chăm chút rất cẩn thận hàng ngày.

"Người muốn điều khiển phải học và thi để có giấy phép lái xe hạng A3 dành riêng cho xe ba bánh, hạng giấy phép cao nhất của xe mô tô", ông Hoàng nói.

Theo ông Hoàng, các mẫu sidecar Ural về Việt Nam trước năm 1995 có thiết kế hệ thống treo với giảm xóc trước dạng ống lồng, hệ thống giảm xóc sau dạng lò xo. Hệ thống phanh cơ cho cả bánh trước và sau khiến việc vận hành luôn phải có sự tập trung cao nhất.

Điểm mạnh của sidecar không phải là tốc độ mà là sức mạnh chinh phục địa hình, đòi hỏi sự linh hoạt và khéo léo của người lái. Điều khiển sidecar khó nhất là quẹo phải vào cua, tức là cua phía bên có thùng xe, trọng lực trên ba bánh đang quay thay đổi khiến xe dễ bị nghiêng và lật.

Khi vào khúc cua, lực ly tâm sẽ dồn sang bên trái, vì vậy người điều khiển xe sidecar khi vào cua tay phải, buộc phải nghiêng người sang bên phải một chút để bù cho trọng lực bị mất khi dồn sang trái, đảm bảo an toàn tại khúc cua.

Chính vì vậy, khi đi đường xa hay địa hình đèo, núi, phải có người ngồi bên thuyền xe hoặc chở theo nhiều đồ đạc để cân bằng. Để khúc cua mượt mà hơn, mỗi lần vào cua, người ngồi bên thuyền cũng phải nghiêng cùng hướng với người lái.

"Điều đặc biệt nữa là những người lái thường phải đi những đôi bốt, giày da cao cổ. Sidecar động cơ nằm ngang tỏa nhiệt rất lớn, không đi bốt cao tận bắp chân, chỉ độ hai chục kilomet là nóng rát do sức nóng tỏa ra từ máy.

Đặc điểm này là do các nhà máy ở Nga sản xuất chủ yếu cho xứ lạnh, động cơ hơn 600cc nhưng làm mát chỉ bằng gió. Chi tiết kỹ thuật này khiến sidecar không hoàn toàn phù hợp với vùng nhiệt đới", ông Hoàng cho hay.

Điều này cũng lý giải vì sao nhiều câu lạc bộ xe BMW Motorad, Harley, xe Honda cổ… có thể tổ chức đoàn diễu hành, xuyên Việt vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, nhưng riêng đội chơi sidecar luôn đợi đến mùa lạnh mới có thể tổ chức đi xa vài trăm cây số.

Nướng thịt bằng pô xe

Ông Nguyễn Mạnh Hoàng kể, đoàn diễu hành sidecar do ông dẫn đầu đã từng nướng thịt bằng ống pô xe trên hành trình tới Hà Giang. Trước khi đi, ông gói thịt sống đã tẩm ướp gia vị vào giấy bạc bọc thực phẩm, sau đó cuốn quanh ống pô xe và đi khoảng 100km thì dừng nghỉ. "Khi mở cuộn giấy bạc ở điểm dừng thì gói thịt bên trong đã chín, mở ăn tại chỗ rất ngon và những thớ thịt nướng bởi ống pô còn bốc khói nghi ngút", ông Hoàng cho hay.

Theo ông, hiện các CLB mô tô ba bánh ở Hà Nội không chỉ là nơi tụ hội của những người mê xe ba bánh tề tựu trao đổi về chăm sóc xe, mà đã trở thành không gian hoài cổ thu hút nhiều người cùng nhớ về dòng xe một thời quá vãng.

Lam Anh

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/ky-cong-nhu-thu-choi-sidecar-192240209231853609.htm